Aa

Du lịch golf Việt Nam: Sao gà chưa đẻ trứng vàng?

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 05/03/2019 - 06:00

Trong khi nhiều quốc gia đã và đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch golf như một trong những mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì tại Việt Nam, xây sân golf để thúc đẩy du lịch cũng là một trong những hướng đi được bàn đến nhưng vẫn… chưa thông.

Để hiểu rõ về sự phát triển của golf và du lịch, Reatimes đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

PV: Thưa GS. TSKH. Nguyễn Mại, ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện của sân golf tại Việt Nam?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Golf là một môn đã được đưa vào nhiều cuộc thi thể thao trên thế giới. Tại Việt Nam, sân golf xuất hiện đầu tiên là ở Bình Dương có sự hợp tác với Australia, tiếp đó là sân golf ở TP.HCM. Những ngày đầu tiên phát triển sân golf, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào bởi nhà đầu tư trong nước còn chưa thực sự hiểu nhiều về cách làm sân golf.

Lúc đó có hai trường phái. Một là ủng hộ, bởi sân golf đem lại nhiều lợi ích trong hoạt động thể thao tại các nước trên thế giới. Ngược lại, cũng có những ý kiến khác cho rằng sân golf chiếm rất nhiều đất, tiêu thụ nhiều nước, để bảo dưỡng cỏ sân golf cần nhiều chất bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, có nhiều người cho rằng không nên phát triển nhiều sân golf.

Tôi cho rằng golf là một môn thể thao rất đáng để phát triển, cũng có tiềm năng để phát triển thành một ngành kinh tế, chỉ là phát triển như thế nào.

PV: Được biết, lúc còn trên cương vị là lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông đã có những nhận định “minh oan” cho sân golf. Liệu đến nay ông còn cho rằng, golf vẫn là loại hình mà Việt Nam nên phát triển?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Đến giờ tôi vẫn nhớ lúc đó có người hỏi rằng tại sao Nhật Bản dừng phát triển sân golf thì chúng ta lại phát triển. Tôi đã trả lời là, Nhật Bản đã có hàng ngàn sân golf mà chúng ta lúc đó mới chỉ có một vài sân golf, không thể thấy Nhật Bản ngừng mà chúng ta cũng ngừng theo. 

GS. TSKH. Nguyễn Mại

GS. TSKH. Nguyễn Mại

Thứ hai, nói là sân golf làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân địa phương thì tôi tin rằng, những người chơi golf thời đó là những người giàu, tỷ phú, họ chắc chắn còn lo cho sức khỏe nhiều hơn chúng ta. Tất nhiên chúng ta phải nghĩ đến sức khỏe những người lao động nhưng những người chơi golf là người có tiền, họ cũng tiếp xúc với sân golf, chắc chắn là không ảnh hưởng gì xấu tới sức khỏe họ mới chơi. Do đó tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên quá lo lắng về câu chuyện ảnh hưởng sức khỏe từ sân golf.

Thứ ba, lo lắng rằng sân golf tiêu tốn nhiều nước. Thực tế, nếu làm quá nhiều sân golf thì chúng ta phải tính đến nguồn nước cho nó nhưng chúng ta cũng thấy rõ là Việt Nam có nguồn nước ngầm, nước mưa rất nhiều.

Sau giai đoạn đó, sân golf phát triển ồ ạt, thậm chí còn trở thành vấn đề nóng khi đưa ra Quốc hội, bởi có những nơi phát triển 15 - 20 sân golf và lấy đất lúa làm sân golf như Long An. Quốc hội lúc đó mới đưa ra thảo luận cần phải phát triển cẩn thận loại hình này, không thể triển khai trên đất lúa bởi an ninh lương thực là một vấn đề quan trọng của quốc gia, lấy đất lúa làm sân golf là rất nguy hiểm, và cảnh báo của Quốc hội là rất cần thiết.

Cho nên Chính phủ mới yêu cầu quy hoạch lại sân golf, trong đó có một ý kiến rất đúng là không sử dụng đất lúa làm sân golf mà phải chọn đất trống đồi trọc. Từ đó, chúng ta sẽ đạt được hai mục tiêu, vừa phát triển được sân golf vừa phủ xanh được đất trống. Tóm lại, tôi cho rằng đây là một môn thể thao rất đáng để phát triển, cũng có tiềm năng để phát triển thành một ngành kinh tế, chỉ là phát triển như thế nào.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển golf thành mũi nhọn của ngành du lịch (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hưởng)

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển golf thành mũi nhọn của ngành du lịch 

PV: Thưa ông, nhiều quan điểm cho rằng, nếu Việt Nam phát triển golf đúng cách chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho ngành du lịch như kéo dài khả năng lưu trú của khách, kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ, bất động sản khác. Ông có đồng tình với quan điểm này?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Từ sân golf đến phát triển kinh tế, du lịch là điều đáng khuyến khích. Câu chuyện không phải là phát triển bao nhiêu sân golf, phát triển như thế nào mà câu chuyện ở đây là làm thế nào để có thể thỏa mãn được tất cả các yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Chúng ta cũng biết, hiện tại du lịch nghỉ dưỡng là một ngành rất quan trọng không chỉ với khách quốc tế mà còn cả với người dân trong nước. Tầng lớp trung lưu hiện đã chiếm 10 - 15% tổng dân số và họ rất cần những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Phát triển du lịch thực sự đã đem lại cho chúng ta nguồn thu rất lớn, giúp cân bằng tỷ giá và kinh tế. Nếu phát triển golf gắn với du lịch và bất động sản rất cần các ngành đưa ra một giải pháp tổng thể. Nếu chúng ta thừa nhận đó là một hướng hoàn toàn có thể phát triển được thì chắc chắn sẽ làm được. Muốn khách du lịch chi tiêu nhiều thì phải có gì để giữ chân họ chứ.

Với lợi thế như hiện nay, ngành du lịch, ngành thể thao cần phải có tầm nhìn chiến lược. Rất đáng tiếc là chúng ta khi phát triển ngành chỉ đề ra tăng bao nhiêu phần trăm mà không nói về cái để tăng, không bao giờ suy nghĩ làm thế nào đổi mới. Nếu Việt Nam có gì khác hơn thì khách họ mới tới, mới lưu trú lâu dài. Chỉ dựa vào bãi biển, cảnh quan du lịch và những khu vui chơi giống nhau như tàu lượn, đu quay thì họ chỉ đến một lần và không quay lại nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top