PV: Không phải ngẫu nhiên, golf được coi là một trong bốn trụ cột quan trọng của ngành “công nghiệp không khói” tại Thái Lan. Bởi ở đất nước này, golf còn được mệnh danh là cỗ máy “in tiền” của du lịch. Soi chiếu tại Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về những lợi ích kinh tế mà golf mang lại?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Bởi golf mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho chính các địa phương có sân golf, các doanh nghiệp và cho đất nước nên Thái Lan mới coi đây là một trong bốn trụ cột quan trọng của ngành “công nghiệp không khói”.
Một số định kiến cho rằng, khi xây dựng sân golf sẽ lấy mất ruộng đất của người dân. Nhưng thực tế, sân golf góp phần “cải tạo” những vùng đất hoang hóa, những vùng cát khô cằn. Nếu Nhà nước tự bỏ tiền ra cải tạo các khu đất đó thì rất tốn kém. Nhưng chính doanh nghiệp lại dùng ngân sách của mình để biến nó từ một vùng đất không tạo ra giá trị trở thành "cỗ máy" kiếm ra tiền. Đã thế, những sân golf còn góp phần tạo cảnh quan đẹp cho không gian chung. Đó là lợi ích khó đong đếm chính xác bằng tiền.
Thứ hai, sự xuất hiện của một sân golf đồng nghĩa với việc một “bộ máy công ty” phải vận hành. Họ phải thuê nhân công lao động chăm sóc sân, phục vụ cho khách tới chơi. Như vậy, một sân golf ra đời sẽ giải quyết được lượng lớn công ăn việc làm mà trước hết cho người dân địa phương. Đơn cử như Quảng Bình, nếu bạn đi máy bay trên cao, chỉ nhìn thấy cát và cát, đến cây còn không sống nổi. Nhưng một sân golf xuất hiện sẽ góp phần phủ xanh khu vực hoang hóa, tạo ra cảnh quan đẹp và hàng nghìn công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động.
Thứ ba, sân golf còn mang lại lợi ích cho cho các dự án bất động sản. Những dự án bất động sản kèm sân golf đều được đẩy giá lên cao. Đây cũng là mô hình đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng, của khách du lịch.
Thứ tư, golf gắn liền với sự phát triển của du lịch. Ngay ở các nước bạn như Thái Lan, golf được coi là chiến lược thu hút khách du lịch tới đây. Và Việt Nam là nước có rất nhiều lợi thế về du lịch cũng như golf. Nếu phát triển golf thì chắc chắn sẽ thu hút lượng khách du lịch lớn.
Khi thị trường golf phát triển chắc chắn sẽ đóng góp ngân quỹ lớn cho ngân sách quốc gia.
PV: Vâng, như bà phân tích, tại các nước trên thế giới, golf được coi là chiến lược thu hút khách du lịch. Trong khi đó, Việt Nam đang chủ trương coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tiến tới phát triển các sản phẩm du lịch phong phú. Bà đánh giá ra sao về tiềm năng của du lịch golf đối với kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện nay và trong tương lai?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Chúng ta hiểu đơn giản thế này, làm du lịch thì phải thu hút được càng nhiều khách chất lượng, càng nhiều tiền thì mới có hiệu quả cao. Ở các nước phát triển về du lịch họ đều phát triển rất nhiều sân golf. Vì có sân golf mới giữ chân được khách du lịch dài ngày.
Ngay cả những nhà đầu tư, họ biết khi bỏ tiền đầu tư vào sân golf chắc chắn bài toán kinh tế lãi – lỗ luôn ám ảnh, nhất là khi chính sách của Nhà nước với golf còn thắt chặt. Nhưng vì sao họ vẫn làm? Vì họ nhìn ra cả tiềm năng du lịch đằng sau mỗi sân golf. Cứ tưởng tượng xem một ngày có bao nhiêu chuyến bay đến Đà Nẵng chơi golf. Mới chỉ tập trung coi du lịch kết hợp với golf mà Đà Nẵng phát triển như vậy rồi thì nếu mô hình đó được nhân rộng sang các tỉnh có tiềm năng du lịch khác, lợi ích về kinh tế sẽ sự không còn là con số khiêm tốn.
PV: Bên cạnh việc coi golf phải gắn liền với du lịch thì một xu hướng phát triển khác hiện nay là golf gắn liền với bất động sản. Xét ở thời điểm Việt Nam đang mở rộng cánh cửa hội nhập, nếu tập trung phát triển 2 động lực song hành là bất động sản golf và du lịch golf thì tiềm năng khách du lịch đến và “chịu chi” sẽ ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Theo tôi, golf gắn liền bất động sản và du lịch là chiến lược tất yếu nếu muốn thị trường golf mang lại giá trị lợi ích cho nền kinh tế.
Nhìn nhận ở Việt Nam, chúng ta đã có rất nhiều ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa bất động sản golf và du lịch golf. Đến mùa đông, Việt Nam là nước có khí hậu ấm áp nên khách Hàn Quốc, Nhật Bản sang bên này rất nhiều. Đó cũng là lý do, khách nước ngoài tới thuê trọn sân trong mùa đông. Ở Đà Lạt cũng vậy, sân golf Sam Tường Lâm luôn đông khách hơn các sân golf độc lập khác chỉ vì nó gắn liền với khách sạn. Ngay từ thời điểm cách đó nhiều tháng, người Hàn Quốc đã sang ký hợp đồng thuê trọn sân. Họ vừa có nhu cầu đánh golf, vừa có nhu cầu ở. Các sân golf mà không có khách sạn, số lượng người đến chơi rất ít.
Ở Đà Nẵng, từ tháng 11, tháng 12, các sân golf đều đông bởi khách Hàn Quốc, Nhật Bản sang cả đoàn. Họ có giáo viên, huấn luyện viên, học viên và sẵn sàng thuê dài hạn khách sạn mấy tháng mùa đông. Đó cũng là lý do vì sao chi phí sân golf tại Đà Nẵng tương đối đắt.
Ở thời điểm như hiện nay, golf buộc phải gắn với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bởi việc đầu tư vào sân golf dễ rơi vào cảnh lỗ khi giá xây dựng sân golf cao. Chúng ta đừng nghĩ khu vực đất cát sẽ có giá rẻ vì thực tế chủ doanh nghiệp đang phải trả mức giá cao do chính sách về golf khắt khe. Chi phí đã cao thì sân golf phải gắn liền với du lịch mới có khách.
PV: Việt Nam và Thái Lan từng có cùng một điểm xuất phát trong sự phát triển về golf. Nhưng hơn 20 năm qua, nhìn lại, giờ đây Thái Lan trở thành thiên đường golf của châu Á còn Việt Nam chỉ nhích so với điểm khởi đầu không quá xa. Thưa bà, vì sao đến hiện tại, thị trường golf Việt Nam vẫn còn “dò dẫm” trong “bước chân” khai thác tiềm năng vốn có của mình?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Một thị trường golf giàu tiềm năng nhưng lại chưa phát triển xuất phát từ định kiến. Vì chúng ta cho rằng, golf là môn thể thao quý tộc nên mới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng nhiều quy định khắt khe. Vì nghĩ sai về lợi ích của golf mang lại nên thị trường golf vận động, phát triển không đúng như mong đợi.
Đó cũng là lý do khiến giá đất để xây sân golf bị đánh thuế rất cao. Khi tất cả tăng giá thì người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng bị chịu thiệt. Khi giá đánh golf cao thì rõ ràng thị trường golf ở Việt Nam không hấp dẫn được nhiều khách tới chơi như Thái Lan.
Ở Hà Nội, có rất nhiều sân golf giá cao bị rơi vào tình trạng chật vật kiếm lãi qua ngày. Đến chi phí bảo dưỡng sân golf, không có tiền, họ phải bỏ ngỏ giai đoạn bảo trì thường xuyên. Cuối cùng, lỗ chồng lỗ, khó khăn chồng khó khăn.
Tôi cho rằng, nhà đầu tư nào bỏ vốn vào golf là dũng cảm trong thời điểm hiện nay. Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để phát triển golf gắn với du lịch, với bất động sản. Nếu ở Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp lớn như BRG, Sun Group, Vingroup, FLC… thì tôi tin thị trường golf và ngành công nghiệp theo golf sẽ rất phát triển.
PV: Vậy đâu là giải pháp để sân golf mang lại giá trị lợi ích cao đúng như kỳ vọng và tiềm năng vốn có của nó, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Muốn phát triển thị trường golf phải bắt đầu từ chính sách chung của Nhà nước, từ Bộ văn hóa, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Golf phải được coi là môn thể thao thực sự, là một lĩnh vực đặc thù mang lại lợi ích kinh tế lớn. Chúng ta cần có những sân golf miễn phí, cần có chính sách cởi mở để khuyến khích golf phát triển. Nếu coi golf là chất xúc tác trong sự phát triển du lịch, trong bất động sản ở thời kỳ hội nhập thì đó phải được nêu lên thành một chủ trương, định hướng của Nhà nước.
- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!