Du lịch trở lại tiệm cận mức trước dịch
Thị trường du lịch Việt Nam trong thời gian qua liên tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Theo Báo cáo Kinh tế - Xã hội quý I/2024 được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I của các năm từ 2020 - 2023. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.
Trong quý I/2024, ngành du lịch Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu phục hồi nhờ lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% theo năm và 3% so với quý I/2019 (thời điểm trước dịch).
Riêng tại Hà Nội, một trong những thành phố trọng điểm về du lịch lữ hành, đã đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 11% theo năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, tăng 40% theo năm; khách nội địa đạt 5,1 triệu, tăng 5% theo năm. Sự gia tăng về lượt khách du lịch đã mở ra cơ hội lớn cho ngành khách sạn. Đặc biệt khi con số này mới chỉ bằng 87% so với số liệu năm 2019, nghĩa là thị trường vẫn còn dư địa để phát triển.
Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội đánh giá: "Ngành du lịch trong thời gian qua đã ghi nhận mức phục hồi khá tốt. Hoạt động của các khách sạn tại thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã về gần mức trước Covid-19. Có thể nói, du lịch nội địa, bao gồm cả du lịch giải trí và công tác đóng góp phần lớn vào nỗ lực này. Công suất phòng tại thị trường như Hà Nội nói riêng được xem là khá tốt, ở mức 65% trong quý I/2024, tăng 1 điểm % theo quý và 7 điểm % theo năm".
Về nguồn khách du lịch quốc tế tới Hà Nội trong quý I/2024, thị trường đã ghi nhận 4,6 triệu lượt, tăng 72% theo năm và 3% so với quý I/2019. Dẫn đầu là lượng khách Hàn Quốc với 1,2 triệu khách, tăng 150% theo năm. Theo sau đó là khách Trung Quốc với 890 nghìn lượt, cao gấp 6 lần so với quý I/2023.
Ông Matthew Powell cho rằng mặc dù lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam tương đối ổn trong tương quan với các thị trường khác trong khu vực, nhưng vẫn được coi là thiếu vắng hơn so với thời kỳ trước dịch. Tuy nhiên, thị trường có sự đa dạng hơn về nguồn khách quốc tế, bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan, Campuchia và Mỹ.
Đặc biệt, sự tăng trưởng về lượng khách Ấn Độ cũng đáng ghi nhận. Hiện nay, thị trường đã đón nhận một lượng lớn các chuyến bay từ các thành phố lớn của Ấn Độ tới Việt Nam, và dự kiến trong tương lai sẽ có thêm các chuyến bay thẳng được khai thác để đáp ứng nhu cầu du lịch Việt Nam đang lên từ du khách Ấn Độ.
"Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phục hồi ngành du lịch, với những tiềm năng du lịch tuyệt vời, đáp ứng sở thích du lịch đa dạng của du khách như cảnh quan thiên nhiên, từ thành phố đến núi non, từ biển xanh cát trắng đến những khu rừng nguyên sinh sống động đi kèm với giá trị văn hóa và nền ẩm thực hấp dẫn. Với lợi thế của mình, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các chuỗi khách sạn hạng sang, tạo thêm dư địa cho tiềm năng phục hồi và phát triển của ngành du lịch nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng", giám đốc Savills Hà Nội nhận định.
Không còn nhiều các dự án khách sạn 3 sao tại Hà Nội
Bên cạnh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn 4,5 sao cũng đang phát triển mạnh mẽ, trong khi nguồn cung phân khúc khách sạn 3 sao đang dần biến mất khỏi thị trường. Theo ghi nhận từ Savills, nguồn cung khách sạn trong quý I/2024 ghi nhận 11.120 phòng từ 67 dự án, giảm 1% theo quý. Tuy nhiên, với việc hai dự án khách sạn chính thức được cấp hạng 4 sao và bốn dự án chính thức được cấp hạng 5 sao trong 2023, nguồn cung lại ghi nhấn mức tăng 8% theo năm.
Đưa ý kiến về sự phân bổ nguồn cung của phân khúc khách sạn, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định rằng xu hướng đang dịch chuyển dần sang phân khúc khách sạn 4 đến 5 sao. Thị trường đã ghi nhận sự đóng cửa đối với những nguồn cung kém chất lượng. Thực tế, trong năm qua, Hà Nội đón chào sự mở cửa trở lại của nhiều khách sạn 5 sao như Movenpick, hay sắp tới là khách sạn Hilton và Fusion. Một số các dự án 5 sao đáng chú ý khác bao gồm L7 Westlake, Dusit Từ Hoa Palace, The Ritz Cartlon, Four Seasons, Waldorf Astoria Hanoi và Fairmont.
Có thể thấy, việc phát triển của các phân khúc 4 đến 5 sao sẽ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với trải nghiệm lưu trú cao cấp và đầy đủ tiện ích. Dự kiến, thời gian tới, 9 dự án 5 sao sẽ chiếm 76% thị phần nguồn cung tương lai, và các dự án 4 sao sẽ chiếm 24% thị phần. Không có dự án 3 sao dự kiến đi vào hoạt động tại Hà Nội trong vòng ba năm tới.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu, Savills cho biết thêm, năm 2024 hứa hẹn tiếp tục phục hồi nhờ vào sự trở lại của khách châu Á và nhu cầu du lịch trong nước. Tình hình hoạt động đã gần trở lại mức trước đại dịch, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng từ các thị trường nguồn.
Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2024 - 2026 dự kiến có 13 dự án với 2.746 phòng đi vào hoạt động. Trong đó, năm 2024 có 3 dự án gia nhập thị trường bao gồm Dusit Hà Nội – Từ Hoa Palace với 207 phòng, Fusion Suites với 238 phòng và Mỹ Đình Pearl giai đoạn 2 với 500 phòng.
Các đơn vị vận hành nội địa dự kiến sẽ chiếm 70% nguồn cung tương lai, với 1.919 phòng từ 7 dự án mới; trong đó, có 74% sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Các đơn vị vận hành quốc tế cũng sẽ mở 6 dự án mới tương đương 827 phòng, chiếm 30% nguồn cung tương lai; trong đó, khoảng 62% tổng nguồn cung quốc tế nằm trong khu vực nội thành.
Giá phòng khách sạn đang tăng nhưng vẫn chưa như kỳ vọng
Theo tìm hiểu của phóng viên, cận kề ngày nghỉ lễ, giá phòng khách sạn tại Hà Nội đã tăng cao hơn. Trung bình năm ngoái, giá phòng đạt 2,7 triệu đồng/phòng/đêm. Vào dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay, giá trung bình vào 3 - 3,5 triệu đồng/đêm.
Tương tự, thị trường TP. HCM cũng ghi nhận giá tăng cao dịp lễ. Trung bình năm trước vào khoảng 2 triệu đồng/phòng/đêm, năm nay đã tăng lên 2,7 triệu đồng.
Khách du lịch có xu hướng chuộng khách sạn 3 - 4 sao hơn khi phân khúc này chiếm 45% số phòng được thuê tại Hà Nội. Đây cũng là phân khúc phục hồi tốt nhất khi giá phòng trung bình đạt 2,9 triệu đồng/phòng/đêm.
Điều hành một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Nguyễn Đức Hải chia sẻ trong 2 năm Covid-19 hoành hành, gần 2/3 bạn bè của anh làm trong lĩnh vực này phải chuyển hướng kinh doanh. Những người trụ lại đến nay đang dần ổn định nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
Hiện tại, theo anh Hải, chỉ một số khách sạn nhỏ (30 - 50 phòng) có thể duy trì tỷ lệ lấp đầy 80 - 90%, số còn lại công suất thuê chỉ đạt trên dưới 50%, những ngày cuối tuần lên khoảng 60 - 65%. Đáng chú ý, tỷ lệ khách sử dụng dịch vụ như ăn uống, làm đẹp… ngay tại khách sạn khá hạn chế, làm ảnh hưởng tới doanh thu.
"Không thể phủ nhận lượng khách đang tăng trở lại, nhưng nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên hiện vẫn có công suất phòng khá thấp, thậm chí nhiều nơi thu chỉ vừa đủ bù chi phí. Khách sạn của tôi hiện có tỷ lệ lấp đầy hơn 60%. Chúng tôi đang kỳ vọng có sự đột phá công suất và giá thuê trong dịp 30/4 này, từ đó mở ra những hy vọng mới trong cả năm", anh Hải nói.
Cũng theo anh Hải, bài toán lớn nhất hiện tại của đa số khách sạn là dòng tiền để vận hành. Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, rồi lại đến khó khăn thời hậu đại dịch, nhiều chủ sở hữu khách sạn lâm cảnh "cụt vốn", "chảy máu" nhân sự… hiện đang chật vật tái cơ cấu.