Du lịch Sầm Sơn đứng trước “cơ hội lịch sử”

Du lịch Sầm Sơn đứng trước “cơ hội lịch sử”

Thứ Tư, 19/05/2021 - 06:00

 

Khát vọng đưa Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch đẳng cấp thế giới luôn là nỗi niềm đau đáu của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, bởi thành phố biển này không thể mãi "ngủ quên" trong dòng chảy thời gian. Nhưng hôm nay, mảnh đất này đang đứng trước "cơ hội lịch sử" để thay đổi....

Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn để làm rõ thêm điều này.

PV: “Sầm Sơn - Tuyệt tác trời ban” là nhận định của một “nhân vật đặc biệt” mà tôi có dịp trò chuyện, khi nói về nơi đây bằng hiểu biết và cảm nhận thực tế từ quá vãng đến hiện tại. Nhưng sẽ là có lỗi với mảnh đất này nếu thế hệ sau để Sầm Sơn “ngủ quên” hoặc dựa dẫm quá nhiều vào những thứ đã được mặc định của tự nhiên, khiến địa danh này càng trở nên phai nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta rằng, phải cố gắng một Sầm Sơn đổi mới, giàu mạnh, để tương lai không phải hối tiếc nếu chưa thể làm hết mình vì nơi này. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Bùi Quốc Đạt: Điều này rất đúng. Rất hợp ý tôi. Tôi vẫn thường tâm sự với anh em cán bộ làm văn hóa du lịch và với bạn bè rằng: Sầm Sơn giống như một cô gái tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống mà vẫn không chịu làm người lớn, vẫn mải mê chơi những trò nhảy dây, nu na nu nống... nghĩa là chưa ý thức và chưa thấy hết được giá trị của bản thân ở độ tuổi trăng tròn. Sầm sơn là “tuyệt tác” hiếm có trời ban, nhưng chúng ta cứ mải mê bòn rút, chỉ nghĩ được hôm nay mà chưa nghĩ được ngày mai.

Hơn 110 năm trước, người Pháp đã nghiên cứu và chỉ ra Sầm Sơn là một trong những “khu nghỉ mát lý tưởng nhất Đông Dương”, khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí họ đưa ra như: Độ thoải dốc của bờ, độ khoáng mặn lý tưởng của nước, không có đá ngầm, có cánh rừng thông xanh mát, dãy núi Trường Lệ với đá xếp chồng lên nhau, hướng tầm nhìn ôm trọn vẻ đẹp thơ mộng, khoáng đạt của biển cả. Nhưng cái danh xưng “viên ngọc biển Đông Dương” hình như đã bị lãng quên và có thời điểm tưởng như vuột khỏi tầm tay của vùng biển này.

Sầm Sơn là bãi tắm được thiên nhiên ban tặng. Nhưng chúng ta cứ mải miết khai thác nó là không ổn tí nào. Cho nên việc khai thác, phát triển du lịch nhưng phải đi kèm với bài toán phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, mỗi nhà đầu tư khi đến Sầm Sơn thì trước hết phải hiểu về Sầm Sơn cần gì để khai thác lợi thế phát triển du lịch, đi đôi với gìn giữ và bảo tồn những giá trị vốn có của nơi này.

Tôi nghĩ rằng không có gì là vô tận cả, vì vậy cần phải thay đổi, thay đổi nhanh và thay đổi một cách bài bản, để ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và ngày hôm nay không bằng ngày mai, đó là yêu cầu tất yếu vì:

Thứ nhất, thay đổi do sự cạnh tranh, xã hội ngày càng phát triển, việc đi lại, tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn. Từ đó dẫn đến một hệ quả có thể nhìn thấy được là các du khách, các khách hàng trở nên thông minh hơn, khó tính hơn và họ có nhiều lựa chọn hơn cho việc đi nghỉ dưỡng. Nếu họ không đến Sầm Sơn thì có thể đi Nha Trang, Đà Nẵng, thậm chí ra nước ngoài, đến Maldives hay đến Phuket, Koh Samui của Thái Lan. Tính cạnh tranh trong ngành dịch vụ của Sầm Sơn ngày càng tăng, đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ từ việc quy hoạch tổng thể thành phố, cho đến việc nâng cao chất lượng phục vụ của từng cửa hàng, nhà hàng, khách sạn.

Thứ 2, thay đổi để đi trước đón đầu những cơ hội: Các tuyến giao thông đến Sầm Sơn, từ Sầm Sơn đến các khu du lịch khác của tỉnh được đầu tư, tạo tính thuận lợi cho việc đi lại của du khách (một câu hỏi rất đơn giản của người làm du lịch là: “Nếu khách đến tỉnh Thanh Hóa để du lịch, thì làm cách nào để họ dành 3 ngày ở đây, mà luôn thấy mới mẻ?”). Điều này có nghĩa là khách du lịch đến với tỉnh Thanh Hóa có thể đến thăm thú nhiều nơi hơn, lượng du khách đến các điểm du lịch ở tỉnh từ đó cũng tăng lên. Bên cạnh đó, sân bay Thọ Xuân chính thức được quy hoạch thành sân bay quốc tế được coi là “cú hích” đối với du lịch Thanh Hóa nói chung, du lịch Sầm Sơn nói riêng.

Bùi Quốc Đạt

Sầm Sơn có ưu thế là đã được người Pháp lựa chọn, có đặc điểm mà khách nước ngoài rất thích được đến và trải nghiệm: Thứ nhất, Sầm Sơn có bãi biển dài, cấp độ sóng đủ để thỏa mãn lòng người, khí hậu nóng ẩm, tắm ở Sầm Sơn thích hơn rất nhiều so với các bãi biển ở châu Âu, và một số nước châu Á; thứ hai, đến với Sầm Sơn, du khách có cơ hội được trải nghiệm các lễ hội truyền thống, du lịch tâm linh, những dịch vụ này không phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là châu Âu; thứ ba, Sầm Sơn thay đổi rất nhiều về diện mạo, do có sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp như  Sun Group, Tập đoàn FLC...

Với những sự thay đổi này, Sầm Sơn cần phải thay đổi chuyển mình từ gốc, có nghĩa là từng người dân Sầm Sơn, từng lãnh đạo Sầm Sơn phải ý thức được bản thân, tổ chức của mình cần thay đổi, làm hết mình vì Sầm Sơn, từ đó nâng tầm dịch vụ du lịch của thành phố lên đẳng cấp mới.

PV: Người viết xin phép không nhắc lại những tai tiếng mà cách đây khoảng gần 10 năm về trước, khi nói đến Sầm Sơn ai ai cũng biết. Đã là chuyện quá khứ thì hãy để nó ngủ yên để bắt đầu lại. Ông có nghĩ vậy không? Còn cá nhân tôi nhận thấy rằng, để có một Sầm Sơn hiện đại, văn minh và thân thiện như bây giờ không phải là điều dễ dàng, thậm chí nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố nói riêng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã phải “hy sinh” nhiều thứ vì nơi này?

Ông Bùi Quốc Đạt: Tôi lại nghĩ khác. “Ôn cố tri tân” là điều rất tốt, để ta biết mình đang ở vị trí nào, vì sao ta lại đang ở đấy và ta sẽ đi đến đâu. Vì vậy, dù muốn hay không muốn thì vẫn phải nói lại rằng: Cách đây hơn 10 năm trở về trước, Sầm Sơn đã từng là một bãi biển tai tiếng với nạn “chặt chém” du khách, nạn cò lơ, ép giá, ép khách, muôn hình vạn trạng.

Về việc này, tôi còn nhớ anh Trịnh Huy Triều khi đó đang giữ cương vị Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (nay là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa) từng nói: Nhân viên làm dịch vụ du lịch mà đàn ông thì mặc quần cọc, áo lỗ, da đen nhẻm; phụ nữ thì mặc quần áo ngủ, ống quần thì xoăn tít như lò xo, quần áo chị em thì treo đầy quán... lời nói thì oang oang, sẵn sàng tổng xỉ vả du khách... hàng quán thì luộm thuộm, nhếnh nhác... và nói tới Sầm Sơn là gắn liền với bãi biển ngập ngụa rác, hàng rong bủa vây, những quán ăn chặt chém khách với những cái giá trên trời…

Tất nhiên, nguyên nhân của nạn "chặt chém" bắt đầu từ dân trí của những người trực tiếp làm du lịch tại Sầm Sơn, trong đó đa số là nông dân, ngư dân địa phương. Họ dành thời gian chủ yếu trong năm để bám biển đánh cá. Chỉ có 3 tháng hè là ngư dân gác mái chèo, tay lưới để chụp ảnh, bê phở, phục vụ ăn nghỉ..., do đó nhận thức, hiểu biết về làm du lịch của người dân địa phương còn hạn chế.

Phong cảnh sơn thủy hữu tình tại Sầm Sơn
Phong cảnh sơn thủy hữu tình tại Sầm Sơn

Du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và miền Bắc nói chung kinh doanh theo mùa vụ, là những tháng hè, nên người làm du lịch có tư tưởng "tranh thủ" để thu lợi nhuận, như cách nói trở thành “thành ngữ” địa phương: Mài dao 9 tháng, chém 3 tháng hè... đã trở thành nỗi ám ảnh của du khách. Có lẽ Sầm Sơn khi ấy là ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, trẻ trung, xinh đẹp nên dù có bị đối xử thế nào thì các chàng trai vẫn kiên trì đeo bám.

Để quyết tâm lấy lại danh tiếng của Sầm Sơn, ngày 29/3/2013, ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp thực hiện văn minh du lịch biển Sầm Sơn. Ngay sau đó, 2 lãnh đạo trẻ là ông Trịnh Tuấn Sinh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy) và ông Trịnh Huy Triều, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã đã thắt chặt quản lý nghiêm minh, lập lại trật tự kinh doanh dịch vụ du lịch. Số điện thoại của ông Chủ tịch được niêm yết công khai nhiều địa điểm trên bãi biển, du khách bất bình với bất cứ dịch vụ nào, chỉ cần gọi cho ông Chủ tịch là được giải quyết. Năm 2013, rất nhiều quầy hàng, ki-ốt phải đóng cửa hoặc bị phạt lên tới hàng chục triệu đồng vì vi phạm quy định.

Bùi Quốc Đạt

Năm 2014, UBND thị xã đã lập tới 9 phương án để quản lý, đấu tranh với tình trạng ép giá, cò mồi, nạn bán hàng rong, tẩm quất cũng như gửi xe, đi xe du lịch…. Theo đó, từng dịch vụ nhỏ cũng được tính giá công khai. Chẳng hạn, giá một bức ảnh chỉ dao động từ 20.000 – 25.000 đồng; ngồi lên ngựa chụp ảnh là 20.000 đồng, một quả dừa là 20.000 đồng… Tất cả các cửa hàng, dịch vụ đều phải treo bảng giá, nếu vi phạm sẽ bị phạt tới mức tối đa theo quy định hoặc bị tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.

Có thể nói, để có một Sầm Sơn hiện đại, văn minh, thân thiện như bây giờ, các cấp, ngành của thành phố đã gặp không ít khó khăn, bởi nhiều người dân vẫn không muốn bỏ thói kinh doanh "ăn xổi" như trước đây. Ngay cả một số cán bộ phường, xã bị mất quyền lợi cũng “oán thán” các vị lãnh đạo thị xã lúc bấy giờ. Thậm chí, một bộ phận xúi giục nhân dân phản ứng với việc thắt chặt kỷ cương trong kinh doanh du lịch.

Ngay cả các cơ quan chức năng thậm chí chấp nhận "chịu đòn" dư luận, để thực thi cho được những chủ trương và quyết sách của lãnh đạo thành phố. Tất nhiên, khi hiểu giá trị phát triển bền vững của du lịch, vì sự sống còn của Sầm Sơn, vì tương lai lâu dài và bền vững của du lịch Sầm Sơn, dần dần nhân dân và cán bộ đã đồng lòng ủng hộ, để có một Sầm Sơn hôm nay “phơi phới dậy tương lai”.

PV: Không chỉ cá nhân tôi mà chắc chắn nhiều người rất ấn tượng với con số thống kê về số lượng du khách và hiệu quả kinh tế về kinh doanh du lịch do Sầm Sơn mang lại trong nhiều năm vừa qua. Nhưng có cảm giác như điều này là chưa đủ và chưa làm thỏa mãn lòng mong mỏi, kỳ vọng của lãnh đạo địa phương?

Ông Bùi Quốc Đạt: Anh Lương Tất Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành ủy luôn cho rằng: Số lượng khách đến Sầm Sơn rất đông, chỉ tiêu vượt xa so với tỉnh giao, nhưng không hề vui tý nào (trong 5 năm từ 2016 – 2020 Sầm Sơn đón được 20,785 triệu lượt khách, phục vụ được 39,335 triệu ngày khách, doanh thu du lịch đạt 17.216 tỷ đồng). Tôi cảm nhận được sự trăn trở của đồng chí Bí thư Thành ủy, vì hiện nay, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, giá dịch vụ thì quá rẻ, (theo thống kê, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến Thanh Hóa năm 2020 chỉ đạt 1,4 triệu/người, còn khiêm tốn so với các điểm đến du lịch khác như Quảng Ninh (khoảng 2,1 triệu/người) hay Đà Nẵng (khoảng 4,8 triệu/người).

Sầm Sơn

Với Sầm Sơn, chúng tôi khẳng định rằng, du lịch bình dân chúng tôi đáp ứng tốt, nhưng để có giá trị gia tăng về du lịch ở tầm đẳng cấp thì nó phải khác. Khách đến Sầm Sơn không thể mãi phải đi xe buýt xuống, trên tay cầm nắm xôi, ổ bánh mỳ… Do đó, ngoài chăm sóc tốt khách hàng thuộc phân khúc bình dân, chúng tôi đang hướng đến phân khúc du lịch đẳng cấp cao. Làm được điều này chính là khẳng định được giá trị cốt lõi của du lịch Sầm Sơn, phát huy được giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này.

Tôi cũng nghĩ rằng, những con số ấn tượng này chưa nói lên được triển vọng phát triển của Sầm Sơn trong dài hạn. Cá nhân tôi đã từng đến nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam, tôi nhận thấy rằng Sầm Sơn là một bãi biển đẹp, nhiều tiềm năng. Với những tiềm năng này, nếu có sự đầu tư bài bản và khôn ngoan, con số thống kê về số lượng du khách và giá trị gia tăng ở mỗi du khách đến Sầm Sơn sẽ còn ấn tượng hơn nhiều.

Đó chính là áp lực lớn nhất của lãnh đạo địa phương. Tôi rất nhớ, nhớ rất sâu sắc câu nói của cố Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng khi nói về làm du lịch, bà nói: "Phải đưa du khách vào thật sâu, ở thật lâu và cho ra bằng hết". Có nghĩa là, khách đã về với chúng ta rồi thì phải đưa đón đi hết các điểm thăm quan, danh lam, thắng cảnh, và phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để khách không muốn về và phải tiêu bằng hết tiền thậm chí phải chuyển qua tài khoản... Đấy, du lịch phải thế!

Bãi tắm Sầm Sơn
Bãi tắm Sầm Sơn. 

PV: "Muốn khách vào thật sâu, ở thật lâu và cho ra bằng hết”, thì phải biến Sầm Sơn trở thành nơi đáng sống, đáng phải đến, đáng phải bỏ tiền. Điều này cũng có nghĩa rằng, Sầm Sơn phải tạo ra giá trị khác biệt trong phát triển du lịch. Rõ ràng, đây còn là kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh việc trong phát triển du lịch của Sầm Sơn. Là lãnh đạo trẻ, ở một thành phố biển năng động, ông có thấy mình chịu áp lực về điều này không? Nếu có, đó áp lực gì và làm gì để vượt qua những áp lực đó?

Ông Bùi Quốc Đạt: Nói trẻ là so với ông Bành thôi (ông Bành, nhân vật xuất hiện trong bài thơ “Sáu mươi tuổi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - PV). Nhưng bạn có nghĩ áp lực là một giá trị đáng quý không? Nếu biến áp lực là động lực để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao và gặt hái thành quả chung thì đó là điều tốt đấy chứ!

Chắc không chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều người dân Sầm Sơn cũng có một mong muốn và khát vọng cháy bỏng là đưa Sầm Sơn trở thành một địa điểm du lịch xứng tầm quốc tế. Để vượt qua được áp lực đó, tôi phải chia sẻ áp lực đó đối với từng cán bộ địa phương, với anh em làm công tác văn hóa du lịch, với những doanh nhân, doanh nghiệp làm du lịch. Có nghĩa là chia sẻ tầm nhìn và khát vọng của tôi, của lãnh đạo thành phố với họ để họ thấu hiểu, chia sẻ, cùng nhau góp sức đưa thành phố phát triển. Để thực hiện được việc này, không phải mình tôi cố gắng là xong.

Bùi Quốc Đạt
Bùi Quốc Đạt
Ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn trao đổi với phóng viên

Tầm nhìn và khát vọng luôn phải song hành với năng lực và tư duy. Cán bộ phục vụ cho thành phố du lịch phải đi du lịch nhiều. Ở đây tôi không nói đi để hưởng thụ, mà đi để học. Các cán bộ phải trải nghiệm từ trong nước đến ngoài nước, để hiểu được tại sao người ta bỏ cả chục triệu để chụp được 1 tấm hình ở Maldives? Tại sao người ta bỏ vài chục triệu cho riêng tiền đi lại chỉ để được đặt chân đến Ibiza, Tây Ban Nha một lần trong đời? Tại sao mà cặp tình nhân nào cũng mơ ước một ngày được nắm tay người mình yêu ở Santorini, Hy Lạp? Phải chăng những bãi biển đó chỉ dựa “tuyệt tác trời ban”? 

Tôi tin rằng khi mọi cán bộ ở đây được chia sẻ những “áp lực” đó, cùng với sự hiểu biết về văn hóa bản địa, văn hóa địa phương, họ sẽ cùng chúng tôi đưa Sầm Sơn thành địa điểm du lịch xứng tầm thế giới.

Tôi nhớ có du khách nói với tôi: “Nói thật, đi mãi vẫn thấy chả có gì ngoài hòn Trống Mái với đền Độc Cước... Tụi trẻ mà bảo hè đi Thanh Hóa là chúng nó “thà ở nhà còn hơn’’. Vài thập kỷ vẫn không có gì mới, Sầm Sơn đang gần như bị bỏ lại phía sau so với nhiều điểm đến cùng thời như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Sầm Sơn
Thành phố Sầm Sơn nhìn từ trên cao

Vì thế, tôi cũng xin tiết lộ rằng: Dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD do Sun Group đầu tư đã chính thức khởi công. Điểm nhấn của dự án này là các hạng mục quảng trường biển, trục đại lộ đẳng cấp với tổng vốn đầu tư gần 1.456 tỷ đồng. Theo đó, quảng trường biển Sầm Sơn có sức chứa lên đến hơn 10.000 người, trục đại lộ rộng 120m, dài 2,6km, tổng diện tích dự án 280ha, hứa hẹn sẽ trở thành trục đại lộ sầm uất với hệ thống dịch vụ du lịch đẳng cấp. Bằng tư duy quốc tế, Sun Group kỳ vọng đưa đại lộ Sầm Sơn sánh ngang với các đại lộ nổi danh thế giới như Broadway (Mỹ), Champs-Elysees (Pháp), hay Orchard Road (Singapore)…

PV: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành du lịch nói chung, Sầm Sơn nói riêng, khi nó mở ra cơ hội mới cho du lịch Thanh Hóa cất cánh. Ông có nghĩ đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với du lịch Sầm Sơn?

Ông Bùi Quốc Đạt: Có thể tạm chia lịch sử phát triển du lịch thành 3 mốc quan trọng. Thứ nhất từ những năm cuối thập kỷ 80 đến đầu những năm 2010. Đây là giai đoạn Sầm Sơn manh và tìm hướng đi phát triển du lịch biển. Giai đoạn từ 2011 - 2020, là giai đoạn phát tiển du lịch đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thu hút đầu tư để biến Sầm Sơn trở thành khu du lịch được du khách ưa chuộng. Giai đoạn thứ 3 là từ 2020 trở đi. Đây có thể coi là thời cơ và cơ hội để du lịch Sầm Sơn bứt phá.

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cách đây không lâu khi làm việc với Sầm Sơn, có nêu 3 nội dung cơ bản để phát triển du lịch Sầm Sơn, trong đó, tôi tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của đồng chí đó là “Sầm Sơn phải là đầu tàu về du lịch của Thanh Hóa”.

Rõ ràng, nếu nói Sầm Sơn là “tuyệt tác trời ban”, thì Nghị quyết 58 là được coi là “tuyệt tác thứ 2”, là thời cơ của mọi thời cơ, mở đường, làm thay đổi hoàn toàn bản chất trong nhận thức, tư duy, phát triển du lịch Sầm Sơn. Và nếu có áp lực thì đó chỉ có thể là áp lực để làm tốt hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh khi họ đã đặt trọn niềm tin vào Sầm Sơn.

Ông Bùi Quốc Đạt
Ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn

Tôi còn nhớ, anh Thắng sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công nhiệm làm Bí thư Thành ủy TP. Sầm Sơn, đã trao đổi với lãnh đạo thành phố bằng tâm tư rất thật rằng, Sầm Sơn cần có chiến lược phát triển du lịch lâu dài. Không thể để Sầm Sơn mãi thế này được. Bởi nếu Sầm Sơn không có tư duy, chiến lược phát triển thì nơi này sẽ mãi là du lịch một mùa, du lịch bình dân, đời sống của nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Ý tưởng này được lãnh đạo thành phố nhất trí cao và hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề án phát triển Sầm Sơn trở thành khu du lịch đẳng cấp thế giới trong thời gian không xa.

Hay nói dễ hiểu hơn, Sầm Sơn phải giống như là phòng khách trong một căn nhà được thiết kế nhiều hạng mục. Phòng khách đó dứt khoát phải ấm cúng, cởi mở, chân tình, hiếu khách và sang trọng. Phòng khách đó phải làm sao để khi khách đến có cảm giác như đang ở căn nhà của chính họ. Nếu không làm được điều này thì quả thật có lỗi với Sầm Sơn.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

19/05/2021 06:05
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top