Đây là vấn đề được đặt ra tại Tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối 'sống còn' giữa hai cấp chính quyền địa phương" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức, ngày 24/7.
Bộ máy chính quyền hai cấp bước đầu vận hành trơn tru
Tại Tọa đàm, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đánh giá, sau 3 tuần thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bộ máy bước đầu vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông và thông suốt. Đặc biệt, không xảy ra gián đoạn trong quá trình chuyển tiếp từ mô hình ba cấp sang hai cấp.
Trong đó, cấp xã đã quan tâm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới. UBND của 3.321 đơn vị cấp xã trên cả nước đã hoàn tất tổ chức bộ máy và thành lập các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đây là đầu mối tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngay tại cơ sở.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ).
Ông Tuấn đánh giá, việc giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã hiện nay trên phạm vi toàn quốc đang diễn ra đồng bộ, hiệu quả, không gián đoạn công việc.
Một điểm đáng chú ý là phần lớn các địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi trong tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Theo thông tin tổng hợp từ Văn phòng Chính phủ, khối lượng hồ sơ hành chính được giải quyết trực tuyến đang tăng dần theo từng ngày. Số lượng hồ sơ xử lý trên môi trường điện tử tại nhiều địa phương đã đạt mức cao và đáp ứng yêu cầu thực tiễn mô hình chính quyền hai cấp, ông Tuấn nhận xét.
Tại TP. Hà Nội, ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, kinh nghiệm của Thành phố khi triển khai mô hình chính quyền 2 cấp gói gọn trong 3 yếu tố: đồng bộ, dữ liệu và chủ động.
Đó là, đồng bộ trong tổ chức thực hiện, từ nhận thức của cấp ủy đến hành động của chính quyền cũng như đến từng cán bộ cơ sở khi xử lý các nội dung liên quan đến thực hiện Nghị quyết 57. Đồng thời, chủ động thực hiện chứ không chờ có hết các quy định.
"Quán triệt tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", chúng tôi cũng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và trong quá trình ấy, Hà Nội thành lập rất nhiều tổ/nhóm. Trên cơ sở từ những cán bộ làm trực tiếp, rồi nhận từ phản ánh của người dân, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các quy trình, nội dung… để thực hiện", ông Dũng nói.
Đặc biệt, dữ liệu chính là nền tảng. Theo ông Dũng, Thành phố nhận thức sâu sắc rằng, muốn quyết định vấn đề gì thì phải có dữ liệu và dữ liệu sẽ quyết định chính xác nhất, theo thời gian thực nhất.

Ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Chuẩn hoá dữ liệu đất đai, dân cư, doanh nghiệp là bài toán cốt lõi để thu hút đầu tư
Liên quan đến việc xây dựng được cơ sở dữ liệu lõi về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tại phiên thảo luận, bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội) nêu rõ tầm quan trọng của nền tảng dữ liệu lõi được chuẩn hoá ngay từ cấp cơ sở.
"Chúng tôi nhận thấy việc xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu lõi là một nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và loại bỏ việc đầu tư trùng lặp. Ngoài giải pháp, công nghệ thì dữ liệu là điều không thể thiếu. Kế hoạch 02 cũng đã nêu là nguồn dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống và phải dùng chung được", bà Trâm cho hay.
Chính vì vậy, ngay từ đầu, việc xây dựng dữ liệu là hết sức quan trọng. Để đẩy mạnh khoa học công nghệ thì đầu tiên là phải thống kê, tổng hợp được toàn bộ nguồn dữ liệu trên địa bàn, nhất là sau khi sáp nhập, đảm bảo được dữ liệu dân cư, cũng như quản lý số hóa mọi mặt trên địa bàn phường.

Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội).
Bà Trâm thông tin, hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang triển khai rất rõ những nhiệm vụ chung này. Nhưng từ cấp cơ sở phải nhận thức rất rõ nhiệm vụ về công tác dữ liệu.
"Để đầy đủ được nguồn lực dữ liệu chính xác, thực sự không hề đơn giản. Nhưng chúng ta phải làm sớm, làm ngay và làm từng bước. Trong quá trình triển khai đó, chúng tôi rất mong có sự tham gia hỗ trợ cũng như là tư vấn của các chuyên gia", bà Trâm chia sẻ.
Đối với nguồn dữ liệu dùng chung, bà cho biết, hiện nay từ Trung ương đến địa phương đã triển khai bài bản và mạnh mẽ. Tuy nhiên, địa phương cần được phân quyền để khai thác, điều khiển những dữ liệu dùng chung đó đối với từng cấp, theo phân cấp và theo hệ thống trung tâm điều hành thông minh IOC. Nếu được triển khai sớm, chắc chắn sẽ giảm bớt gánh nặng cho cán bộ rất nhiều.
Đứng từ góc độ được tiếp cận với các doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam nhận thấy, nếu có những bộ thủ tục hành chính, triển khai nhiệm vụ nhanh, hiệu quả, chính xác và thân thiện, sẽ tạo được hiệu quả trong việc thu hút các nhà đầu tư.
"Chúng ta có thể quản lý đất đai trên phần mềm, định vị thửa đất, diện tích bao nhiêu, số đất như thế nào, hồ sơ, thủ tục đến đâu, hoàn toàn có thể số hóa và quản lý được. Hay đối với toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đăng ký kinh doanh, quản lý kinh doanh, nếu có nguồn dữ liệu "đúng đủ, sạch, sống", có thể dùng chung thì sẽ đảm bảo hiệu quả quản lý cao nhưng tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, có ứng dụng công nghệ nữa thì chắc chắn sẽ là chìa khóa để giải quyết hết những khó khăn hiện nay đang vướng mắc", bà Trâm khẳng định.