34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7. Cùng thời điểm, 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước cũng chính thức có hiệu lực. Trong đó, có Nghị định số 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị định này là việc chuyển giao một số thẩm quyền quản lý đất đai từ cấp huyện về cấp xã, với tinh thần gần dân để quản lý hiệu quả.
Ông Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV) bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực điều hành và thực thi các nhiệm vụ mới của chính quyền cấp xã trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực "rất khó" là đất đai. Tuy nhiên, để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp được thuận lợi và hiệu quả, hạn chế rủi ro, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát, hỗ trợ rõ ràng và thường xuyên từ cấp trên.
Tin tưởng vào năng lực điều hành và thực thi của chính quyền cấp xã
PV: Thưa ông, vậy là chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức vận hành từ ngày 1/7. Cấp xã cũng chính thức thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực đất đai, theo phân cấp phân quyền từ Nghị định 151/2025/NĐ-CP. Ông đặt niềm tin vào năng lực của cấp xã như thế nào?
ĐBQH Phạm Văn Hoà: Tinh thần lớn nhất của Nghị định 151 là cụ thể hóa chủ trương phân quyền, phân cấp đã được quy định rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc trao thêm thẩm quyền cho cấp xã, trong đó có quản lý đất đai, là việc rất đúng đắn để phát huy tính tự chủ, linh hoạt trong điều hành, nhất là trong bối cảnh các cấp cơ sở ngày càng được củng cố cả về nhân sự, bộ máy và kinh nghiệm thực tiễn.

Ông Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV).
Tôi cho rằng Nghị định 151 là rất đúng theo tinh thần hướng dẫn của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số 72/2025/QH15). Cấp xã hiện nay có đủ năng lực, đủ điều kiện, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Nói cách khác thì chính quyền xã không còn là cấp yếu như trước kia. Theo các nghị định về phân cấp, phân quyền trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực đất đai, nhiều công việc trước đây của cấp huyện đã được giao cho xã xử lý. Từ khâu quản lý nhân khẩu, ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu nại tố cáo, bồi thường, tái định cư…
Mặt khác, hiện nay tại nhiều địa phương, cán bộ lãnh đạo xã được điều động từ cấp huyện hoặc tỉnh xuống, phần lớn là những người đã có kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước. Nhiều trường hợp Chủ tịch hay Bí thư xã từng là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch huyện. Họ rất quen việc, nắm rõ quy trình, thủ tục, nên hoàn toàn có thể đảm đương được khi tiếp nhận nhiệm vụ mới.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức hành chính cấp xã hiện nay cũng đã được kiện toàn với đầy đủ các bộ phận chuyên môn. Mỗi lĩnh vực đều có cán bộ chuyên trách, hỗ trợ Chủ tịch UBND xã thực hiện nhiệm vụ.
PV: Vâng, thưa ông, những năm gần đây, nhiều báo cáo về cải cách hành chính cho thấy chất lượng phục vụ của chính quyền cấp xã ngày càng được cải thiện. Theo ông, đâu là những yếu tố nền tảng giúp cấp xã từng bước đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Thứ nhất là yếu tố con người - đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay phần lớn đã được đào tạo bài bản, không còn “tay ngang” như trước, mà có khả năng tổ chức, điều hành công việc hiệu quả. Thứ hai, là cơ cấu bộ máy đã được kiện toàn, với hệ thống phòng ban chuyên môn cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý ở địa phương. Thứ ba, cấp xã đang ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng. Chính những nền tảng này sẽ giúp cấp xã thực hiện tốt các nhiệm vụ mới được phân quyền, phân cấp.
Tuy nhiên, không phải cấp xã nào cũng có cùng mặt bằng năng lực giống nhau. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa, có địa bàn rộng nhưng đội ngũ cán bộ còn mỏng, trình độ không đồng đều. Điều kiện hạ tầng công nghệ, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính ở những nơi này cũng còn rất hạn chế. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hỗ trợ kịp thời, việc triển khai các nhiệm vụ mới sẽ rất dễ gặp khó khăn, thậm chí dẫn đến lúng túng, quá tải.
Vì vậy, cấp trên không chỉ giao nhiệm vụ, mà cần chủ động giúp đỡ các địa phương. Ví dụ, cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu ngay tại địa phương, “cầm tay chỉ việc” đối với những nhiệm vụ mới, nhất là trong lĩnh vực phức tạp như đất đai.
Quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao
PV: Thưa ông, việc phân quyền nhiều hơn cho cấp xã, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, sẽ đi kèm với không ít áp lực và thách thức. Theo ông, cần làm gì để đảm bảo quyền lực được thực thi đúng luật, đúng trách nhiệm và tránh xảy ra lạm dụng?
ĐBQH Phạm Văn Hoà: Tôi cho rằng, quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực phức tạp như đất đai, là nơi dễ phát sinh lợi ích nhóm, khiếu kiện kéo dài, tiêu cực. Do đó, dù tin tưởng vào năng lực của cấp xã, thì vẫn cần sự hỗ trợ và giám sát từ cấp trên, nhất là trong giai đoạn mới chuyển giao.
Nếu xã được giao quản lý mà cấp tỉnh không kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên thì rất dễ dẫn tới chuyên quyền, lạm quyền, thậm chí là tiếp tay cho vi phạm. Do đó, các sở ngành cấp tỉnh cần có trách nhiệm đồng hành với cấp xã, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, tổ chức tập huấn định kỳ và có thể tiến hành kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Tôi nói ví dụ, nếu cấp xã tiếp công dân không nghiêm túc, giải quyết đơn thư khiếu nại không đến nơi đến chốn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân, kéo theo khiếu kiện vượt cấp. Vì vậy, phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để cấp xã làm đúng, làm tròn trách nhiệm với dân. Nghị định 151 nói đến phân quyền, nhưng bản chất là để phục vụ dân tốt hơn, chứ không phải để trút trách nhiệm từ trên xuống.
PV: Theo Nghị định 151, cấp xã nay được trao quyền thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng vốn trước đây thuộc cấp huyện hoặc tỉnh, như giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất và phê duyệt phương án bố trí khu dân cư, và quyết định liên quan đến đất cảng hàng không, sân bay dân dụng (trong các trường hợp đặc biệt)... Với khối lượng và tính chất nhiệm vụ như vậy, ông có lưu ý gì, có nên giới hạn loại dự án, diện tích đất hoặc giá trị mà cấp xã được quyết định hay không?
ĐBQH Phạm Văn Hoà: Cần có sự phân cấp rõ ràng và tuân thủ theo các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành. Những dự án lớn, có ảnh hưởng liên vùng, hoặc liên quan tới các loại đất đặc thù như đất rừng, đất công, đất lâm nghiệp… thì không nên để cấp xã tự quyết định. Ví dụ, với quốc lộ thì tỉnh phải làm, còn đường xã, đường liên thôn thì xã hoàn toàn có thể làm được. Tùy theo quy mô, tính chất mà phân quyền. Không thể “giao đại trà” để rồi xảy ra chuyện không kiểm soát được.
Một trong những nguy cơ lớn nhất khi giao thẩm quyền về cấp xã là tình trạng lạm quyền, lợi dụng chức vụ để trục lợi. Nếu không có kiểm tra thường xuyên, một số cán bộ xã có thể lợi dụng quyền hạn để gây khó dễ cho dân, thậm chí câu móc với các đối tượng xấu để sang nhượng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đặc biệt là đất rừng, đất công, đất lâm nghiệp… hiện nay rất phức tạp. Nếu giao cho xã quản lý mà không giám sát chặt thì rất dễ bị lạm dụng, nếu cấp tỉnh không vào cuộc sát sao. Tôi đồng ý phân cấp, phân quyền, ủy quyền về cấp xã là rất đúng, nhưng đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề nhạy cảm thì cấp tỉnh phải đứng ra gánh vác.
Hiện nay, nhiều tỉnh đã có chủ trương thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp xã, có chức năng tương tự như ở cấp huyện. Các ban này sẽ giúp xã triển khai các dự án đầu tư quy mô nhỏ, hạ tầng dân sinh, giúp giảm áp lực cho Chủ tịch xã và tăng tính minh bạch trong tổ chức thực hiện.
PV: Từ thực tiễn địa phương và kinh nghiệm giám sát pháp luật tại Quốc hội, ông có kiến nghị gì để việc phân cấp, phân quyền cho cấp xã trong lĩnh vực đất đai được thực hiện hiệu quả?
ĐBQH Phạm Văn Hoà: Trước hết, phải phân quyền đúng mức, đúng người: Không nên cào bằng trong phân quyền. Cần có đánh giá năng lực thực tiễn của từng địa phương để phân cấp phù hợp. Những xã có đủ điều kiện, có kinh nghiệm quản lý có thể giao nhiều hơn. Những nơi còn yếu thì chỉ nên giao từng phần, đi kèm kiểm soát.
Thứ hai, là tăng cường giám sát, kiểm tra. Như tôi đã nói, phân cấp, phân quyền là cần thiết, nhưng phải song hành với kiểm tra, giám sát. Nếu không, hệ quả là người dân mất niềm tin, còn tài sản công thì bị thất thoát. Đó là điều không ai mong muốn.
Như vậy, cấp tỉnh không thể buông lỏng vai trò, mà cần tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên đề định kỳ hoặc bất thường. Mọi dấu hiệu tiêu cực phải được xử lý nghiêm.
Thứ ba, là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Cần tập huấn chuyên sâu về pháp luật đất đai, kỹ năng hành chính, đạo đức công vụ cho cán bộ cấp xã. Cán bộ xã không chỉ cần chuyên môn, mà phải có bản lĩnh, có tinh thần phục vụ dân. Bởi lẽ, phân quyền là để phát huy tính chủ động, gần dân, sát dân. Nhưng cũng phải làm sao để dân không bị làm khó, mà phải được phục vụ tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!