Theo Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới được Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố, Dự thảo Luật này quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán.
Trong đó, để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa theo hướng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Về thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho UBCKNN như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó UBCKNN còn được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK.
Ngoài ra, UBCKNN cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm. Quy định của dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...
Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chính phủ đã có Tờ trình số 97/TTr-CP ngày 22/3/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật của Ủy ban Kinh tế, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và có Tờ trình ngày 9/5/2019 trình Quốc hội về dự án Luật.
Việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Quan điểm chỉ đạo của Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm: Thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển đồng bộ thị trường vốn và TTCK, trong đó xây dựng TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Luật đảm bảo TTCK hoạt động minh bạch, bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, xu hướng phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, luật cũng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với các Luật liên quan đã và đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác; tương thích với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật Chứng khoán (sửa đổi) kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh; sửa đổi quy định chưa rõ, bất cập; loại bỏ những quy định không còn phù hợp; luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế;xử lý những vướng mắc, hạn chế hiện nay của TTCK. Luật cũng cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và TTCK góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/1/2021. |