Việc tiếp tục lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ góp phần xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Liên quan đến chủ đề này, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua?
Ông Đào Trung Chính: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có sự tham gia trực tiếp của Bộ Ngoại giao thông qua Cơ quan đại diện, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài), các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức công phu thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tính đến ngày 25/3/2023, đã có 9.032.275 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật (trong đó: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được 8.363.162 ý kiến; Cơ quan soạn thảo nhận được 7.979 lượt ý kiến trên website lấy ý kiến nhân dân, 1.968 ý kiến từ Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, 73.104 lượt ý kiến từ 33 báo cáo của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 595.866 lượt ý kiến từ 47 cáo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 66 báo cáo của các tổ chức và 79 ý kiến của cá nhân bằng văn bản gửi trực tiếp).
Các ý kiến tham gia đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân. Thông qua đợt lấy ý kiến nhân dân lần này các cơ quan, ban ngành và Ban soạn thảo, Tổ biên tập được tiếp cận với một bức tranh tổng thể hơn về suy nghĩ, ý kiến của người dân về chính sách đất đai hiện nay, từ đó hoàn thiện pháp luật đất đai đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân. Đợt lấy ý kiến nhân dân lần này là một cơ hội tốt để tăng cường tuyên truyền pháp luật đến toàn dân.
PV: Ông có thể cho biết những nhóm vấn đề được góp ý nhiều nhất trong dự thảo Luật lần này?
Ông Đào Trung Chính: Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; phát triển quỹ đất; về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; về hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các Luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chẳng hạn, một trong những vấn đề được Quốc hội cho ý kiến sôi nổi tại nghị trường Kỳ họp lần thứ tư là thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đây là một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý và các luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng đề nghị mở rộng thêm đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường), không phân biệt vốn đầu tư là công hay tư. Có ý kiến đề nghị Nhà nước mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, kể cả các dự án sử dụng vốn đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chỉ thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công, các dự án không vì mục đích kinh doanh. Có ý kiến đề nghị không thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại. Điều này cho thấy còn nhiều quan điểm cần được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để hoàn thiện quy định này trong dự thảo.
Bên cạnh đó, các nội dung nhận nhiều góp ý của người dân như: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Để đáp ứng về những vấn đề trên, hiện cơ quan soạn thảo đang tổng hợp và phân loại các ý kiến để rà soát tiếp thu, giải trình dựa trên quan điểm “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải được bảo đảm và phát huy”. Đặc biệt quy định nguyên tắc lựa chọn địa điểm tái định cư thực hiện theo thứ tự ưu tiên, ưu tiên tái định cư tại chỗ, quy định điều kiện, tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ...
PV: Việc tiếp theo chỉnh sửa sẽ được tiến hành như thế nào để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, thưa ông?
Ông Đào Trung Chính: Quả thực nhiều nội dung của dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý với góc nhìn đa chiều, thậm chí trái ngược tạo nên thách thức rất lớn đối với Cơ quan soạn thảo. Hiện nay, quá trình lấy ý kiến nhân dân vừa kết thúc. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đang tập trung các nguồn lực để tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; xây dựng các báo cáo, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai và hồ sơ liên quan theo quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành địa phương đang trong quá trình tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, các ý kiến chưa tập hợp một cách đầy đủ nhất. Quá trình tiếp thu, giải trình sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành để rà soát, thống nhất các ý kiến, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Để đảm bảo tiến độ được giao, Cơ quan soạn thảo đã thực hiện đồng thời việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, “có đến đâu làm đến đó”. Các ý kiến góp ý đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ ngành, cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tiếp thu, giải trình được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!