Aa

Dự thảo Luật Đầu tư cần tư duy khác

Thứ Bảy, 02/11/2019 - 13:35

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định: Dù đã có nhiều sửa đổi nhưng dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vẫn còn xuất hiện nhiều quy định cần phải bỏ hoặc viết lại.

Ông Cung cũng thừa nhận, Luật Đầu tư đã bộc lộ rất nhiều bất cập trong quá trình thực thi, gây hết sức lúng túng cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Có rất nhiều quy định trùng lặp, bất hợp lý trong Luật Đầu tư cần phải bỏ hoặc viết lại. Những quy định này, không tạo thêm giá trị nào cho quản lý nhà nước và xã hội mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

- Ông có thể phân tích rõ hơn những “trùng lặp, bất hợp lý” như ông nói?

Một trong những ví dụ là quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư. Mục tiêu của quy định này thực sự không rõ. Cụ thể, muốn triển khai một dự án đầu tư, tùy theo tính chất, quy mô nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư phải giải trình hàng loạt vấn đề như về sử dụng đất đai; xây dựng; xử lý môi trường…

Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư vẫn phải lặp lại những thủ tục nói trên tại các cơ quan khác theo quy định của các luật chuyên ngành. Như vậy, rõ ràng thủ tục đăng ký, thẩm tra là thừa và chồng lấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển:

Việc dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đề nghị bổ sung các ngành nghề mới vào danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó có kinh doanh cơ sở cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AIDS, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em… là chưa hợp lý. Đề nghị, Ban soạn thảo phải cân nhắc vì nhiều khi người ta làm vì lòng nhân ái. Vấn đề này báo chí đã phản ánh, có người chỉ có bằng trung cấp y thôi nhưng nuôi mấy chục người. Bây giờ ra quy định lại đưa người ta vào loại kinh doanh có điều kiện thì có khi những cơ sở đó phải đóng cửa.

ĐBQH Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Trong quá trình thẩm tra dự Luật Đầu tư (sửa đổi), đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ. Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với các quy định pháp luật.

Dịch vụ đòi nợ thuê có những biến tướng, lạm dụng là do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện hoạt động. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị, thay vì dự Luật cấm dịch vụ này thì nên bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ.

- Nhưng Dự thảo Luật lần này đã có nhiều sửa đổi về quy định thẩm định đầu tư, thưa ông?

Dù đã có nhiều sửa đổi, nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng, Dự thảo lần này khó có thể khắc phục được những lỗ hổng của Luật cũ. Bất cập nằm ngay ở phạm vi điều chỉnh của luật này (gồm hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài).

Hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được quy định bởi nhiều luật chứ không riêng Luật Đầu tư, do đó nếu ban soạn thảo quy định như vậy thì Luật Đầu tư sẽ trùm lên tất cả luật khác.

Chính vì quy định như vậy nên việc góp vốn mua cổ phần vốn thuộc về Luật Doanh nghiệp lại trở thành nội dung của Luật Đầu tư. Điều này gây ra không ít hệ lụy, chẳng hạn như việc góp vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup không thể làm được hoặc làm được nhưng chi phí bỏ ra rất lớn. Hơn nữa, việc góp vốn phải có dự án, mà đã là dự án thì... phải xin phép, nhưng chưa biết startup là cái gì thì lập dự án làm sao, cho nên cuối cùng là không thể xin được, không thực hiện được hành vi góp vốn – vốn là một hành vi rất được khuyến khích.

Đối với quy định đầu tư ra nước ngoài cũng vậy, tại sao doanh nghiệp cần giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài khi mà hàng bao nhiêu nước đầu tư vào Việt Nam, có doanh nghiệp nào có giấy đầu tư vào Việt Nam đâu. Tôi lấy một ví dụ, một sinh viên Việt Nam du học nước ngoài, làm startup bên đó thành công rồi, giờ muốn quay về đầu tư ở Việt Nam. Nhưng khi đó, người sinh viên này sẽ bị hỏi giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài mà cơ quan Việt Nam cấp cho anh đâu? Không có thì không thể đầu tư vào Việt Nam được.

Theo chương trình, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 khoá XIV.

Một quy định không hợp lý khác có thể kể đến chấp thuận chủ trương đầu tư. Chấp thuận chủ trương là gì? Là cơ quan nhà nước chấp thuận về mục tiêu. Tại sao lại chấp nhận mục tiêu đầu tư? Tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể chấp nhận quy mô, tiến độ, các điều kiện khác thôi.

- Nhưng không thể phủ nhận đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, thưa ông?

Đúng là Luật Đầu tư đã góp phần xóa bỏ những bất cập trong đầu tư và dự luật đang lấy ý kiến cũng đang có nhiều sửa đổi theo tình hình mới. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt một câu hỏi ngược lại rằng, những sửa đổi đó có mang lại có thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp không, có đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước không? Tôi nghĩ là không.

Đáng nói hơn cả, ngoài những chồng chéo, bất cập như tôi vừa nói, Dự thảo lần này còn cho thấy một tư duy chính sách cũ kỹ là không quản được thì cấm, mà điển hình là đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tại sao chúng ta lại cấm ngành nghề này khi mà nó xuất phát từ nhu cầu thực tế?

Tôi không hiểu sao chúng ta vẫn cố đặt ra những quy định phi thị trường, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế. Chúng ta đang nói quá nhiều đến hội nhập, vậy tại sao khi kinh tế đã hội nhập, doanh nghiệp đã hội nhập rồi mà tư duy chính sách của chúng ta vẫn chưa hội nhập?

- Là một trong những chuyên gia tâm huyết với dự án Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ông góp ý điều gì cho dự luật lần này?

Hơn ai hết tôi hiểu rằng cải cách thật sự bao giờ cũng đầy chông gai, nhưng thời điểm hiện tại đã là thời điểm chín muồi cho một tư duy khác về quản lý đầu tư. Đó là tư duy mới về thị trường đồng thời giảm “bàn tay” can thiệp của nhà nước.

Theo nguyên tắc của kinh tế thị trường doanh nghiệp sản xuất cái gì, cần ngành nghề gì, sản xuất cho ai, bao nhiêu, ở đâu đều do thị trường quyết định chứ không cần nhà nước can thiệp.

Hơn nữa, từ góc độ thị trường, đầu tư là hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp và các dự án chỉ là phương thức thực hiện. Nếu một doanh nghiệp được thành lập chỉ để thực hiện một dự án đầu tư duy nhất thì về bản chất, đó chỉ là một giải pháp pháp lý được Luật Doanh nghiệp cho phép. Khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp quan tâm nhất đến tiền vốn và tiếp thị sản phẩm đầu ra thì cả hai khâu này đều là vấn đề của thị trường mà không thuộc phạm trù “quản lý nhà nước”.

Tiếp đến là việc tiếp cận đất đai, tuyển dụng lao động, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn an toàn sản phẩm... thì đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh. Với quy định như thế, tôi cho rằng chúng ta cần bình tĩnh đọc lại các quy định xem quy định đó có ảnh hưởng đến doanh nghiệp không, có hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp không… Nếu câu trả lời là không thì chúng ta mới mang vào luật.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top