Aa

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Vẫn “nóng” chuyện khiếu nại, khiếu kiện

Thứ Hai, 27/05/2019 - 14:09

Sau nhiều lần sửa đổi, vẫn có những ý kiến khác nhau liên quan đến Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Tâm điểm là việc khiếu nại và khiếu kiện của cơ quan thuế, người nộp thuế đối với các kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khi cơ quan này thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế, có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế.

Tránh “khoảng trời riêng” trong thực hiện Luật

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), tại Điều 21 và 22 của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hiện có những quy định làm vô hiệu kiến nghị, kết luận của KTNN, trái với quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN.

Điểm b Khoản 2 Điều 21 Dự thảo Luật quy định, trong trường hợp cơ quan KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán ở cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan KTNN phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế để biết và thực hiện trong quá trình kiến nghị của KTNN.

Nếu có phát sinh trong trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ nộp thuế thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ vào kiến nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người phải nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Quy định này trái với Khoản 1 và Điểm d Khoản 2 Điều 7 Luật KTNN về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Theo đó, báo cáo KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán.

Nếu không đồng ý với báo cáo kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của Nhà nước. Như vậy, cơ quan KTNN phải chịu trách nhiệm đến cùng với kiến nghị và kết luận của mình, không phải cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm như trong Dự thảo.

Một số trường hợp người nộp thuế bị truy thu thuế kiện ra tòa quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế, chứ không kiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Mạnh Hà

Một số trường hợp người nộp thuế bị truy thu thuế kiện ra tòa quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế, chứ không kiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Mạnh Hà

Do đó, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng, trong trường hợp cơ quan KTNN thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế, có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ vào kiến nghị của KTNN, cơ quan thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế. Nếu không đồng ý với kiến nghị, kết luận của KTNN, cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật.

“Cách quy định như vậy mới chống được “khép kín” và “khoảng trời riêng” trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Ở góc nhìn của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng chỉ đồng tình một phần với các đại biểu nêu trên, một phần không đồng tình.

Đại biểu này lý giải, quan hệ của KTNN với cơ quan quản lý thuế là quan hệ về mặt kiểm tra và thể hiện thông qua báo cáo kiểm toán. Hay nói cách khác, quan hệ giữa KTNN với cơ quan quản lý thuế là giữa cơ quan quyền lực với cơ quan hành pháp thì không thể có chuyện khiếu nại và kiện ra tòa hành chính.

Bởi hai bên đã có sự phối hợp trong quá trình báo cáo và chấp nhận báo cáo. Trường hợp này, cơ quan quản lý thuế phải chịu trách nhiệm trước KTNN, và Quốc hội có quyền kiến nghị với cơ quan kiểm toán. Nếu có tranh chấp chỉ được giải quyết bằng Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa án đặc biệt.

“Do đó, đề nghị cân nhắc tại quy định này trong Dự thảo Luật”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu này, giữa cơ quan quản lý thuế và đối tượng nộp thuế là đối tượng phải chịu sự quản lý nhà nước thì mới có chuyện khiếu nại và kiện ra tòa hành chính.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật KTNN quy định báo cáo kiểm toán là bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải quyết định hành chính.

Một số trường hợp người nộp thuế không đồng ý và họ kiện ra tòa quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế, chứ không kiện kết luận của KTNN hay của Thanh tra Chính phủ. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế, chúng ta phải nghiên cứu vấn đề này.

Nêu ý kiến về nội dung này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói: “Khi kiểm tra một hồ sơ nào đó thì cơ quan thuế cử cán bộ để làm việc với cơ quan thanh tra và cán bộ kiểm toán, chịu trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ, giải trình và phản biện. Khi lập biên bản rồi thì điều đó có nghĩa là cơ quan thuế đã cùng với KTNN làm, thì kết luận của KTNN và thanh tra là kết luận cơ quan thuế phải thực hiện.

Rõ ràng, cơ quan thuế phải ra quyết định để người nộp thuế phải nộp thuế, người nộp thuế không đồng ý thì kiện quyết định của cơ quan thuế là đúng. Chúng tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với cơ quan thuế và cơ quan thuế cũng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý, hoặc khiếu kiện đối với kết luận kiểm toán”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top