Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt tháng 5/2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án được khởi công năm 2013 với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và đến tận tháng 12/2016 mới được đưa vào khai thác. Đến năm 2017, dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT chính thức đi vào thực hiện. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm bắt đầu công bố thông tin, dự án này đã vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia và công luận. |
Theo thông tin mới đây, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhà thầu và chủ đầu tư - Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong việc triển khai các gói thầu và gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước. Vi phạm trong đấu thầu đã không còn là vấn đề mới trong các dự án giao thông, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bài toán để giải quyết tính minh bạch trong đầu thầu tại các dự án xã hội vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc.
Reatimes đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự về vấn đề này.
PV: Kết luận của TTCP mới đây đã chỉ ra 2 sai phạm lớn trong dự án Hanoi BRT đó là vi phạm về Luật Đấu thầu và gây lãng phí hàng chục tỷ đồng. Theo luật sư, với những sai phạm như vậy, mức độ xử phạt đối với các đơn vị chịu trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật sẽ như thế nào?
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên: Kết luận của TTCP đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm trong đấu thầu và triển khai các gói thầu của dự án Hanoi BRT. Tuy nhiên những sai phạm này có đến mức xử lý hình sự theo Điều 220 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và Điều 222, Bộ luật Hình sự quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” hay không còn tùy thuộc vào hành vi và hậu quả từ hành vi trái pháp luật gây ra.
Theo tôi, những sai phạm mà TTCP kết luận thì hầu như công trình dự án nào cũng mắc phải, không nhiều thì ít. Vấn đề ở đây là cần xem xét lại các quy định của pháp luật về đấu thầu và xây dựng có những lỗ hổng nào cần phải bít lại không.
PV: Như luật sư vừa trao đổi, những sai phạm mà TTCP kết luận thì hầu như công trình dự án nào cũng mắc phải, không nhiều thì ít. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các dự án giao thông luôn lặp lại vết xe đổ trong sai phạm về Luật Đấu thầu? Phải chăng Luật này đang tồn tại quá nhiều lỗ hổng?
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên: Tôi không đánh giá cụ thể về nguyên nhân những sai phạm tại dự án này do đâu. Nhưng nhìn chung Luật Đấu thầu còn rất nhiều sơ hở. Mặc khác, hiện tại vẫn còn tình trạng gian lận, “đi đêm” trong đấu thầu, dẫn đến thất thoát tiền và tài sản quốc gia. Thông thầu, hay gian lận trong đấu thầu, thực chất là hành vi tham nhũng. Có thể ví hành vi thông thầu như “ma trận”. Nó được sắp đặt ngay từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, xác định giải pháp thi công và xây dựng công trình.
Để giải quyết được triệt để vấn đề này, chúng ta cần xây dựng Luật Đấu thầu tiến gần hơn nữa tới môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, Đặc biệt, phải hạn chế tình trạng lách luật của các nhà thầu kể cả trong nước và nước ngoài.
PV: Ngay từ thời điểm “chào đời”, dự án Hanoi BRT được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn nạn tắc đường và ùn tắc giao thông. Song kết luận của TTCP khẳng định, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về thiệt hại của dự án này sau những sai phạm được TTCP đưa ra?
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên: Theo tôi, những thiệt hại thực tế đối với dự án như thế này không phải là lớn so với rất nhiều những dự án khác. Điều đáng nói hơn là tác động của dự án này đối với sự phát triển kinh tế, xã hội như thế nào. Tôi cho rằng đây là một mô hình thí điểm về giao thông ở Thủ đô thì cũng nên làm để rút kinh nghiệm xem có nên mở rộng ra nữa hay không. Không làm và thí điểm thì làm sao mà đánh giá hết được tác động của nó. Sự xuất hiện của các tuyến xe buýt nhanh cũng đã giải quyết được rất nhiều vấn đề về phương tiện đi lại an toàn, dịch vụ sạch sẽ thân thiện cho không ít người, mà gia đình tôi cũng là ví dụ thích sử dụng loại hình này.
Bất kể dự án nào mới đều gây tranh cãi, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Tôi cho rằng đối với dự án Hanoi BRT, nếu tính hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư và chi phí thì không toàn diện lắm
PV: Thưa ông, ngay từ đầu, dự án BRT đã gây tranh cãi vì tính hiệu quả của nó. Và đến bây giờ, hệ quả là sự thất thoát về kinh tế lại khiến một bộ phận dư luận bất bình. Liệu có nên chăng cần xem xét lại về việc tiếp tục thí điểm dự án Hanoi BRT?
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên: Bất kể dự án nào mới đều gây tranh cãi, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Tôi cho rằng đối với dự án Hanoi BRT, nếu tính hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư và chi phí thì không toàn diện lắm. Chúng ta cần tính hiệu quả kinh tế từ sự giảm bớt tắc đường, từ sự tạo nên thói quen sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển, từ đó tạo ra các động lực khác cho xã hội, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh doanh xe buýt nhanh. Tôi vẫn ủng hộ phương án sử dụng phương tiện này và hy vọng tương lai loại hình vận tải công cộng ngày càng phổ biến hơn nữa.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!