Aa

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): Phân quyền mạnh mẽ, tăng tính tự chủ cho địa phương

Thứ Bảy, 29/03/2025 - 10:51

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét với nhiều nội dung quan trọng, trong đó dự thảo sẽ phân định rõ thẩm quyền và tăng cường tính tự chủ cho chính quyền địa phương các cấp.

Những điểm mới của dự thảo Luật

Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): Phân quyền mạnh mẽ, tăng tính tự chủ cho địa phương- Ảnh 1.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ mở rộng quyền hạn và tăng cường tính tự chủ cho chính quyền địa phương. (Ảnh: Nguyên Khánh)

Một trong những vấn đề quan trọng nhất là việc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương, còn chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trên cơ sở phân quyền, phân cấp, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo. Quy định chính quyền địa phương được chủ động quyết định và chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Tạo điều kiện để UBND cấp tỉnh được đề xuất phân cấp hoặc phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Đồng thời, Dự thảo luật cũng có một số điều chỉnh về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND để phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp theo nguyên tắc: Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo giữa các cấp; phù hợp với đặc điểm của từng loại hình đơn vị hành chính và khả năng thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát quyền lực; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, dự thảo luật quy định rõ về phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp và phân cấp của UBND cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định cụ thể về việc ủy quyền giữa UBND và Chủ tịch UBND cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp mình hoặc cấp dưới để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp

Dự thảo luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở từng cấp hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xã, phường, đặc khu).

Trong đó, Dự thảo luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong các lĩnh vực như tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng chính quyền; quy hoạch, kế hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư và thực hiện liên kết vùng; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đất đai, tài nguyên, môi trường và nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng và giao thông; văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại.

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, dự thảo luật bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của HĐND thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến phát triển đô thị, quản lý đô thị. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND; tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; quản lý hành chính nhà nước tại địa phương; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc; quyết định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp cơ sở; thực hiện nhiệm vụ về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dân tộc, tôn giáo ở địa phương; ban hành Quy chế làm việc của UBND cấp mình; thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Dự thảo luật cũng có một số điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND. Tổ chức chính quyền địa phương trong các trường hợp đặc biệt như quy định về tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp hoặc chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp. Quy định về tổ chức chính quyền địa phương khi thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở nguyên trạng hoặc trên cơ sở điều chỉnh một phần địa phận và dân cư của các đơn vị hành chính. Quy định về hoạt động của đại biểu HĐND khi di chuyển tập thể dân cư. Quy định về hoạt động của HĐND khi không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND. Quy định về các trường hợp giải tán HĐND và thẩm quyền, trình tự giải tán.

Quy định chuyển tiếp

Dự thảo luật cũng quy định về hiệu lực thi hành, sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan và các quy định chuyển tiếp để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Cụ thể, trong thời hạn 02 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật.

Để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp cơ sở và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, Chính phủ sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn và điều chỉnh các quy định liên quan, áp dụng thống nhất trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trong vòng 15 ngày kể từ khi Luật này có hiệu lực, các cơ quan liên quan của chính quyền địa phương cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn, chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, người dân, doanh nghiệp và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập các Tổ công tác để chỉ đạo và tổ chức việc bàn giao này.

Đối với các công trình, dự án đầu tư của chính quyền địa phương cấp huyện đang thực hiện hoặc đã hoàn thành nhưng phát sinh vấn đề cần giải quyết sau ngày 01/7/2025, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công UBND cấp cơ sở hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình để tiếp tục thực hiện.

Khi giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, Thường trực HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chỉ định các đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 làm đại biểu của HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 của xã, phường, đặc khu thuộc địa phận đó.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc phân định rõ thẩm quyền và tăng cường tính tự chủ cho chính quyền địa phương các cấp. Việc thông qua và thực hiện hiệu quả Luật này sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top