Chiều 27/7, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo dự thảo một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Theo hướng phát triển, thị trường bất động sản du lịch Thanh Hóa sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp không khói.
Theo báo cáo, du lịch Thanh Hoá đã có những bước phát triển khá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự phát triển du lịch chung của cả nước, thể hiện ở mức độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm và ổn định trong thời gian dài. Qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực trên một số mặt hoạt động và trong nhận thức về du lịch, góp phần nâng cao mức thu nhập của người dân, từng bước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đón 38,524 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 49.823 tỷ đồng; có 18 quy hoạch phát triển du lịch được lập và điều chỉnh bổ sung; triển khai 330 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với tổng kinh phí được giao thực hiện trên 1.283 tỷ đồng; thu hút 25 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 29.400 tỷ đồng (đã thực hiện đầu tư trên 13.125 tỷ đồng)…
Những năm vừa qua, nhờ sự đầu tư của một số tập đoàn lớn như Vingroup, SunGroup, FLC… bất động sản du lịch tại Thanh Hóa được nâng lên một bước mới nhờ các khu quần thể nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn cao cấp. Với hàng loạt dự án đang triển khai, Thanh Hoá trở thành một trong bốn thị trường trọng điểm bất động sản du lịch của Sun Group, bên cạnh Đà Nẵng, Quảng Ninh và Phú Quốc.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, phát triển du lịch theo chiều sâu vào các loại hình du lịch có lợi thế như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, du lịch hội nghị hội thảo. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm như: Hàm Rồng, Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, Pù Luông... góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa thân thiện và hấp dẫn.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất 9 cơ chế, chính sách phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ đầu tư kinh doanh tổ hợp dịch vụ du lịch; hỗ trợ đầu tư kinh doanh tổ hợp vui chơi giải trí chất lượng cao phục vụ du khách; hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; hỗ trợ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; hỗ trợ mở chi nhánh, văn phòng đại diện đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn, có thương hiệu; hỗ trợ mua sắm phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thuỷ; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; hỗ trợ tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ phát triển du lịch thông minh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với các chính sách đưa ra trong Dự thảo. Đồng thời khẳng định, việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch là hết sức cần thiết, góp phần cùng các đơn vị, doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.