Aa

Dự toán thu ngân sách năm 2023 là phù hợp, thực tế

Thứ Bảy, 29/10/2022 - 06:21

Năm 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới rất rõ ràng, áp lực lạm phát lớn, doanh nghiệp dự kiến gặp nhiều khó khăn, từ đó thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Do vậy, dự toán thu, chi ngân sách như Chính phủ đưa ra đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và thực tế. Đây là đánh giá của đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Cường, trong cuộc trao đổi với PV về triển vọng và một số chỉ tiêu kinh tế của năm 2023.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả phát triển kinh tế xã hội mà chúng ta đạt được vừa qua?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Trong vòng xoáy khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua thì Việt Nam một lần nữa lại nổi lên là ngôi sao sáng trên bầu trời tăng trưởng kinh tế thế giới, với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng vững vàng.

GS.TS Hoàng Văn Cường.

Những thành công này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định trong chính sách điều hành giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng. Sự điều hành linh hoạt kết hợp một cách uyển chuyển với chính sách tài khóa của Chính phủ đã phản ứng nhanh nhạy, kịp thời diễn biến trong nước và quốc tế và sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, đồng hành của Quốc hội đã tác động tăng thêm niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng là bài học có giá trị quan trọng trong điều hành đất nước, đặc biệt ở những thời điểm đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

​​PV: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các chỉ tiêu kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Ông nhận xét gì về một số chỉ tiêu quan trọng đang được quan tâm như mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, chỉ tiêu về cân đối ngân sách?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ vòng xoáy lạm phát và suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới có thể trầm trọng hơn do ảnh hưởng đồng thời từ chiến tranh và dịch bệnh. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Vậy làm thế nào để vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế thế giới là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải.

Trước bối cảnh đó, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức đang đặt ra phía trước. Vì vậy, tôi đồng tình với mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đưa ra cho năm 2023 là khoảng 6,5%, trên nền 8% của năm 2022. Dù đây vẫn là mục tiêu cao nhưng sẽ tạo động lực để cả hệ thống chính trị nỗ lực, phấn đấu.

Về dự toán thu, chi ngân sách, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề này và thấy đồng tình với con số dự toán thu ở mức chỉ nhỉnh hơn so với mức thực hiện năm 2022. Như đã nói ở trên, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới rất rõ ràng, thị trường sẽ thu hẹp, không thể tốt như năm 2022, nguồn thu cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra khi kinh tế khó khăn, ngay cả một số nguồn thu mà ta vẫn nói là không bền vững như thu từ đất đai cũng hạn chế vì thị trường trầm lắng.

Năm 2023 các doanh nghiệp được dự báo tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, năm 2022 sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn yếu, lại gặp khó khăn như vậy ở năm 2023 thì liệu chúng ta có thể sẵn sàng dừng ngay các chính sách giãn, giảm thuế, phí hay không? Tôi cho rằng cần phải chuẩn bị tâm thế, dư địa để năm 2023 có thể phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách tài khóa một cách kịp thời và hiệu quả như đã làm trong 2 năm vừa qua. Do đó, khả năng thu ngân sách đạt mức cao là rất khó. Như vậy, mức dự toán thu ngân sách như Chính phủ đưa ra tôi cho rằng là đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và cũng rất thực tế.

Tuy nhiên, tôi băn khoăn về chỉ tiêu bội chi năm 2023. Năm 2022, bội chi ước tính khoảng 3,75% GDP, tính cả số chi cho chương trình phục hồi và chuyển đổi vốn vay là khoảng 4,5% GDP. Năm 2023, dự toán bội chi ở mức 2,89% GDP (chưa tính bội chi cho chương trình phục hồi 1,53% GDP). Với tình hình như đã phân tích ở trên, kinh tế khó khăn, chính sách tài khóa vẫn là trụ đỡ chính, con số này theo tôi là khó khả thi.

Chính sách tài khóa là trụ đỡ chính hỗ trợ phục hồi kinh tế

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong 2 năm qua, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phối hợp tương đối chặt chẽ trong hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa là trụ đỡ chính vì dư địa chính sách tiền tệ không nhiều. Nhờ tỷ lệ nợ công, bội chi liên tục được kéo giảm trong những năm vừa qua, nên dư địa chính sách tài khóa tốt hơn, tạo cơ sở để thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

PV: Vậy để đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2023, ông cho rằng cần tập trung vào những giải pháp gì?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Nhìn chung, tôi đồng tình với 12 giải pháp mà Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị chú trọng thêm một số giải pháp.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Vì vậy ngay từ bây giờ, cần phải tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng, nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường sẽ bị thu hẹp nhưng không bị đóng cửa, do vậy phải khai thác thế mạnh để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, với dự báo kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp thì ngay từ bây giờ chúng ta phải tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đối phó với kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khóa linh hoạt là giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, cần hoàn thành dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển một ngành trụ cột công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Chúng ta không thể cứ đi vay tiền nước ngoài đi xây dựng các tuyến đường sắt riêng lẻ và để lại hậu quả là không đồng bộ và mãi mãi phụ thuộc về các nhà cung cấp nước ngoài.

Cùng với đó, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Năm 2023: Dự toán chi tăng 16,3% so với dự toán năm 2022

Trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Chính phủ dự toán thu NSNN là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.

Mức dự toán thu NSNN nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Về chi, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,3%) so với dự toán năm 2022.

Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển 726,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi NSNN (dự toán năm 2022 là 29,5%); đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Dự toán chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 106,8 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở là 12,5 nghìn tỷ đồng, cùng với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Căn cứ Kế hoạch tài chính 5 năm và nhu cầu nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, dự toán bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, tăng khoảng 82,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Trong đó, bội chi cho Chương trình phục hồi khoảng 1,53% GDP; bội chi cho cân đối NSNN là 2,89% GDP (dự toán năm 2022 là 4% GDP) là mức rất tích cực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top