Hào quang và nước mắt ở Thâm Quyến
Thâm Quyến (nằm ở phía Nam Trung Quốc gần biên giới với Hong Kong) là một trong 4 địa điểm được chọn làm đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Thời điểm bấy giờ, Thâm Quyến vốn dĩ chỉ là một thị trấn nhỏ, tuy nhiên sau 34 năm phát triển, ngày nay nó là một trung tâm thương mại vô cùng sôi động và là một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Ba địa điểm còn lại cũng ở phía Nam nước này nằm ở tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế bằng cách đưa ra nhiều quy định, luật lệ “dễ chịu” hơn trong những vùng này, tất nhiên “vạn sự khởi đầu nan”.
Thâm Quyến bắt đầu trở thành đặc khu kinh tế từ năm 1980 và được kỳ vọng sẽ hút nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đến cuối năm 1981, 91% tổng đầu tư nước ngoài đổ vào thành phố này lại đến từ khu vực lân cận của Thâm Quyến – Hong Kong. Nguyên nhân bởi thời điểm đó, các quy định, luật lệ về bảng tính lương, tuyển dụng và sa thải nhân viên dường nhu còn khá thiếu sót. Vì thế, những công ty nước ngoài vốn không quen với văn hóa kinh tế của Trung Quốc, không sẵn sàng mạo hiểm chấp nhận rủi ro. Hơn nữa, họ cũng cảm thấy ở những đặc khu này có quá nhiều thói quan liêu mà họ có thể phải đối mặt.
May mắn thay, một công ty của Hong Kong đã chấp nhận rủi ro, họ mở một văn phòng của mình tại Thâm Quyến bởi vì hai vùng có sự liên kết về văn hóa và có mối quan hệ vốn mật thiết từ trước đó. Do đó, công ty này quyết định “được ăn cả, ngã về không”.
Một vấn đề khác mà Thâm Quyến phải đối mặt khi mới trở thành đặc khu kinh tế đó là sự thiếu đa dạng các lĩnh vực đầu tư. Vì phần lớn sự đầu tư đến từ Hong Kong, cho nên tất cả lượng tiền đều đổ dồn vào BĐS với 71% tổng vốn đầu tư ở lĩnh vực này. Nguyên nhân chính gây ra sự thiên lệch trên là do giá đất ở Hong Kong quá cao, người dân ở đây đổ dồn sang đầu tư vào BĐS ở khu vực lân cận là Thâm Quyến.
Trung Quốc phải đối mặt với một số những thất bại ban đầu của các đặc khu kinh tế, điển hình nhất là việc nhiều nhà đầu tư đã rút lại vốn đầu tư và đóng cửa các văn phòng của họ ở Trung Quốc. Mất vốn đầu tư giống như một đòn đánh khiến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “thức tỉnh” để giải quyết vấn đề còn tồn đọng của các đặc khu kinh tế.
Theo đó, vào tháng 1/1982, 5 quy định mới được thông qua nhằm hạn chế sự quan liêu trong các đặc khu kinh tế, đặc biệt là cắt giảm các thủ tục liên quan đến xuất - nhập cảnh và đưa ra những quy định hướng dẫn về lương. Cải cách này nhanh chóng thu hút sự đầu tư trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài và đóng góp vào sự phát triển của nhiều khu vực ở Trung Quốc.
Những yếu tố khác cũng có vai trò giúp các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc đạt đựợc thành công như hiện nay. Ví dụ như chính sách thuế, tại các đặc khu kinh tế thuế thu nhập được áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài là 15%, trong khi mức thuế ở những nơi khác là 33%. Điều này tạo ra sự lôi cuốn các nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Những công ty cũng được miễn các loại thuế địa phương khác và được phép khấu trừ thuế hàng hóa.
Kể từ năm 1982, những đặc khu kinh tế của Trung Quốc phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Năm 1992, Thâm Quyến thu hút tới 14% tổng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, tương đương khoảng 4.3 tỷ USD. Thành phố này hiện nay là một trong những trung tâm xuất – nhập khẩu chính của Trung Quốc và là một cơ sở sản xuất hàng đầu của thế giới.
Cuộc đua trở thành vùng thương mại tự do
Sự thành công ban đầu của các đặc khu kinh tế tạo thêm động lực để chính phủ Trung Quốc phát triển thêm nhiều đặc khu kinh tế, bao gồm cả Thượng Hải, Đại Liên, Chiết Giang và Thiên Tân.
Những vùng mới hơn được biết đến như vùng phát triển kinh tế và công nghệ (ETDZ), nhỏ hơn đặc khu kinh tế và phát triển trọng tâm một ngành cụ thể, đặc biệt là phát triển nghiên cứu và công nghệ cao.
Các địa phương được chia thành nhiều loại vùng phát triển, bao gồm vùng phát triển kinh tế và công nghệ cao (nơi có nhiều ưu đãi đặc biệt cho các phát minh) và vùng hậu cần hàng hóa (nơi có những quy định hải quan đặc biệt). Có tổng cộng 54 vùng phát triển kinh tế và công nghệở Trung Quốc, và phần lớn trong số chúng đều mang lại những thành công cho các đặc khu kinh tế ban đầu.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra vào năm 2013 của Hiệp hội Kinh tế - Xã hội hoàng gia về khả năng tồn tại và thành công của các đặc khu kinh tế chỉ ra rằng, đặc khu kinh tế rõ ràng giúp nâng cao GDP của Trung Quốc lên 10% nhưng không làm tăng năng suất của quốc gia này so với các các nước trong khu vực.
Bước tiếp theo trong việc phát triển đặc khu kinh tế là tạo ra các vùng thương mại tự do (FTZ). Trong những năm gần đây, các thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả Thâm Quyến và Thượng Hải đang ganh đua nhau để đạt được cơ hội trở thành những vùng thương mại tự do.
Những vùng mới này được hy vọng cởi mở hơn nữa trong các chính sách trao đổi tiền tệ, cũng như ít quy định nghiêm ngặt về các loại công ty có thể được thành lập. Ví dụ, công ty sở hữu nước ngoài có thể không còn cần một đối tác sở hữu Trung Quốc giúp họ phát triển thương mại trên đất liền nữa.
Đầu tháng 9/2013, Thượng Hải được đặt tên là thành phố đầu tiên có cơ hội thử nghiệm thành một Vùng Thương mại Tự do ở khu Phố Đông của thành phố. Khu này sẽ có ít những hạn chế trong việc trao đổi tiền và được hy vọng hút nhiều dòng tiền từ nước ngoài vào Trung Quốc hơn, làm giảm sự tập trung đầu tư vào Hong Kong.
Bắc Kinh cũng tuyên bố có thể sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm trên những trang web như Twitter và Facebook ở các Vùng thương mại tự do để khuyến khích các công ty nước ngoài đến với Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục giám sát khu thử nghiệm Vùng Thương mại Tự do ở Thượng Hải để xem xét việc phát triển nhiều hơn các vùng như vậy ở những thành phố khác trong tương lai gần. Nếu thử nghiệm ở Thượng Hải thành công thì Thâm Quyến sẽ là thành phố tiếp theo được tạo một Vùng Thương mại Tự do có sự thành công giống như một đặc khu kinh tế.
Tương lai của các đặc khu kinh tế là không chắc chắn nhưng nếu Thượng Hải thành công trong mối liên doanh mới nhất của nó thì rất nhiều đặc khu kinh tế hiện tại sẽ phát triển trở thành Vùng Thương mại Tự do trong tương lai.