Doanh nghiệp có thể bị phá sản trước khi gói cứu trợ được áp dụng
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách như thanh khoản, thiếu hụt nguồn vồn lưu động, phải cơ cấu nợ, tìm kiếm các giải pháp về quản trị hiệu quả…
Tại cuộc họp đánh giá về tình hình phát triển kinh tế của UBND TP. Hà Nội mới đây, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cũng cho biết, bắt đầu từ gần hai tháng nay, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn do phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Theo thống kê có khoảng 15.000 hộ kinh doanh nghỉ hoạt động; đến đầu tháng 4 có hơn 128.000 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động.
Trong bối cảnh khó khăn, để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển các doanh nghiệp, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ, điển hình nhất là Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh - xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng là một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ công bố sớm nhất khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hơn mười ngân hàng đã tham gia gói tín dụng trên với lãi suất cho vay cam kết thấp hơn 0,5 - 2,5% mức thông thường. Cùng với đó, chính sách giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41 gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cũng đã được ban hành.
Tuy nhiên, đến nay, một số doanh nghiệp cho biết, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương ban hành gói hỗ trợ tài khóa nhưng thực tế vẫn chưa đi vào hiện thực. Các gói hỗ trợ vốn được kỳ vọng trở thành “máy thở” giúp các doanh nghiệp vượt qua cơn bão Covid-19, tuy nhiên cách tiếp cận khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải “bó tay”.
Ví như nhiều doanh nghiệp khẳng định rất khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng, dù Chính phủ đã công bố gói tín dụng và bản thân các doanh nghiệp cũng đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ. Ngay sau khi nghe thông tin, các doanh nghiệp đã liên lạc với ngân hàng nhưng chỉ nhận được phản hồi đại loại như “chưa có thông tư hướng dẫn”, “có thông tư nhưng ban lãnh đạo chưa chỉ đạo nên chưa biết hướng giải quyết”...
Điều đó cho thấy, quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần phải giám sát và kiểm tra kết quả thực hiện. Bởi chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi báo cáo Chính phủ cũng đã thừa nhận có thực trạng các tổ chức tín dụng chưa công khai, minh bạch những thủ tục điều kiện mà doanh nghiệp có thể “ứng cử” để xin hỗ trợ. Và nếu không làm tốt quá trình thực thi các chính sách thì các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng sẽ phá sản. Hơn nữa, điểm chung mà hầu hết các doanh nghiệp mong mỏi là cần có sự minh bạch trong triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa nhận định: “Doanh nghiệp bất động sản đang phải “nuôi” biết bao nhiêu người, biết bao gia đình, và cũng đóng góp rất nhiều cho kinh tế của đất nước nhưng dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp dần chết. Đáng lẽ trong lúc này, các Bộ, ngành phải nhanh chóng có phương án hỗ trợ ngay, triển khai ngay cách thức thực hiện. Bởi trong lúc đợi chờ thông tư, hướng dẫn đi xin hỗ trợ thì doanh nghiệp đã “chết”. Hiện nay, các chính sách chưa hỗ trợ tới tận doanh nghiệp cũng bởi địa phương trì trệ đợi Bộ, Bộ lại đợi Chính phủ, khiến cho các chính sách hỗ trợ vẫn ở dạng lý thuyết. Việc cấp bách lúc này để giúp đỡ doanh nghiệp thì cần phải quyết liệt, chỉ đạo nhanh hơn nữa xuống từng cấp ngành”.
Đừng để doanh nghiệp gặp khó vì chính sách
Theo giới chuyên gia, cẩn trọng, khẩn trương, công khai, minh bạch, không để doanh nghiệp phải chờ đợi lâu, không để các hạng mục của gói hỗ trợ giảm đi nhiều ý nghĩa là bài toán khó rất cần tinh thần trách nhiệm - cần sự cẩn trọng của từng thành viên thuộc chuỗi cơ quan, đơn vị liên quan, trong công tác hỗ trợ. Dẫu biết rằng, không thể hỗ trợ hay cứu vớt 100% doanh nghiệp đang gặp sóng gió từ dịch Covid-19… nhưng nếu tất cả, từ những cơ quan có thẩm quyền, đều có tinh thần, trách nhiệm với các gói hỗ trợ này thì kết quả hỗ trợ sẽ thực chất hơn.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng VEPR phân tích, trong bối cảnh dịch kéo dài, Chính phủ đã quan tâm nỗ lực rất lớn để yên lòng dân. Đặc biệt là việc hy sinh lợi ích của các nhóm khác như các ngành xuất khẩu gạo, chính sách liên quan phong toả toàn bộ đất nước cả vùng sâu vùng xa… Và cũng trong bối cảnh này, các chính sách kinh tế cần thực tế, giảm thiểu chi phí đối với xã hội và doanh nghiệp.
Với các chính sách hỗ trợ cần chia ra hai nhóm: Một nhóm là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề và nhóm các doanh nghiệp ảnh hưởng gián tiếp. Cụ thể, nhóm “trực tiếp” là nhóm mà toàn bộ chuỗi giá trị và dòng sản phẩm của họ bị ảnh hưởng. Nhóm này hầu hết là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ: du lịch, giáo dục tư nhân, hàng không, vận tải, nhà hàng… Những doanh nghiệp này mất hoàn toàn thu nhập. Và Chính phủ hoàn toàn có khả năng hỗ trợ những việc rất quan trọng với doanh nghiệp như hoãn thuế, miễn hoặc hoãn bảo hiểm xã hội.
Mức độ và thời điểm hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào cấp độ của dịch bệnh. Ví dụ, ở cấp độ 1, dịch bệnh mới kéo dài một tháng, sức chịu đựng của doanh nghiệp và người lao động vẫn đáp ứng thì việc hỗ trợ khác với lúc dịch bệnh đạt cấp độ 2.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ: “Tôi hy vọng trong ý chí đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh, Chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh.
Đừng để doanh nghiệp của ta phải gặp khó vì chính những chính sách, cách làm việc của cán bộ của ta. Tôi xin chia sẻ niềm lạc quan rằng, chỉ cần dịch bệnh được đẩy lùi thì nền kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. Chỉ có một điều tôi lo ngại, nếu Việt Nam không phục hồi sớm, nếu chuyển mình muộn hơn các nước khác thì các cơ hội kinh doanh, đơn hàng sẽ được chuyển sang các nước khác. Lúc đó, việc phục hồi kinh tế sẽ lại lần nữa gặp khó khăn…”.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Sống sót qua đại dịch Covid-19” mới đây, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, suy cho cùng, tăng trưởng kinh tế hay an sinh xã hội đều phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có hồi phục, làm ăn tốt thì mới sản sinh công ăn, việc làm.
Với các gói chính sách giải cứu doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 của Chính phủ mới ban hành, ông Hùng cho rằng không nên giới hạn vào một loại hình khu vực và một điều kiện nào. Khó khăn đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Khó khăn của doanh nghiệp này sẽ dẫn tới khó khăn của doanh nghiệp khác. Do vậy nếu bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu tiếp cận thì nên được tiếp cận với gói hỗ trợ.
Ông Hùng đưa quan điểm: “Bây giờ nếu giới hạn việc hỗ trợ là phải chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra thì rất khó khăn cho doanh nghiệp. Làm thế nào để họ chứng minh được thiệt hại bằng chứng từ, rồi thuyết phục cơ quan quản lý. Có khi chứng minh được điều này xong, doanh nghiệp đã không tồn tại rồi hoặc cơ hội sản xuất kinh doanh đã qua đi. Do vậy quan điểm của tôi là Chính phủ nên mở rộng gói hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, tất cả các loại hình, kể cả doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân... và ở tất cả các ngành”.