Aa

Đừng để hạ tầng và chi phí chơi “cản bước” golf

Thứ Ba, 12/03/2019 - 06:01

Theo ông Thân Thành Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam - những hạn chế về cơ sở hạ tầng và chi phí chơi golf còn cao khiến thị trường golf Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn du khách.

PV: Dù đã có những bước chuyển mình ấn tượng, nhưng dường như golf Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có, vì sao vậy, thưa ông?  

 Ông Thân Thành Vũ: Sân golf mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng có lẽ tại Việt Nam, thực tế này chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn và vẫn bị bó hẹp bởi nhiều định kiến, khiến thị trường golf phát triển chậm chạp.

Trước đây và có thể bây giờ, người ta cho rằng, sân golf làm ở vùng xa, nơi mà người dân còn nghèo thì đương nhiên tạo nên khoảng cách giàu, nghèo. Sau đó lại cho rằng, làm sân golf thì ảnh hưởng tới môi trường, lấn chiếm đất nông nghiệp của dân. Nhưng thực ra không phải như thế.

Quy định của Nhà nước, Nghị định của Chính phủ đã đưa ra, sân golf không được xây dựng trên đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa 2 vụ. Đối với vùng đất trồng lúa cằn cỗi chỉ có 1 vụ thì 1 sân golf không được lấy quá 5ha. Điều đó có nghĩa, sân golf được “ưu tiên” cuối cùng. Đầu tiên là đất nông nghiệp phải được giữ, sau đó ưu tiên những cái khác rồi mới tới sân golf. Cuối cùng, sân golf được phép làm trên những mảnh đất cằn cỗi, không có cây mọc như vùng cát, vùng hoang hóa. Rõ ràng, làm sân golf góp phần làm tăng giá trị, xanh hóa khu vực đó.

Ông Thân Thành Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam

Ông Thân Thành Vũ.

Golf cũng có thể phát huy vai trò điểm nhấn trong hệ sinh thái du lịch, mang lại nguồn thu đáng kể cho kinh tế du lịch. Khách du lịch tới resort, ngoài việc tắm biển, người ta còn có sân golf để tham quan, để chơi. Sân golf không chỉ là nơi luyện tập thể thao, trau dồi sức khỏe mà còn là cảnh quan, là sản phẩm của du lịch. Ở nước ngoài, sân golf thu hút khách du lịch rất nhiều.

PV: Ông vừa đề cập đến việc golf góp phần thu hút du khách, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế du lịch. Nhưng ở Việt Nam, vai trò này vẫn còn mờ nhạt, theo ông, nguyên nhân là do đâu? 

Ông Thân Thành Vũ: Nếu sử dụng sân golf như một chiến lược để hấp dẫn du lịch thì phải tính đến hướng đầu tư khác để thu hút nhiều du khách hơn. Chẳng hạn như đối với Thái Lan, bình quân 1 năm thu hút 35 triệu du khách nước ngoài, Malaysia khoảng 30 triệu. Trong khi đó ở Việt Nam, hết năm 2017 mới chỉ thu hút hơn 10 triệu du khách nước ngoài, bằng khoảng 1/3 so với 2 quốc gia trên.

“Bí quyết” thành công của Thái Lan và Malaysia chính là miễn thị thực (visa). Malaysia miễn cho công dân của 155 nước, Thái Lan khoảng 60 – 70 nước, còn Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 22 quốc gia. Du khách muốn tới Việt Nam làm thủ tục rất khó, quy trình làm visa cũng lằng nhằng. Trong khi đó, đến du lịch ở nước khác chỉ cần một nút bấm là đi liền.

Một khía cạnh khác là hạ tầng giao thông. Các nước đã có những nghiên cứu rất kỹ để làm sao du khách xuống sân bay và tới điểm nghỉ dưỡng ước chừng chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Còn Việt Nam, do hạ tầng chưa cho phép nên du khách phải đi một cung đường dài, điều này dễ làm nản lòng du khách nước ngoài và ngay cả khách trong nước. Ở Hà Nội, TP.HCM, những sân golf trong vòng bán kính di chuyển 1 giờ đồng hồ chạy xe thu hút đông khách nhưng ngoài bán kính đó ra thì bắt đầu vắng vì nó chiếm quá nhiều thời gian đi lại.

Việt Nam chưa có sân bay tầm cỡ khu vực mà mới chỉ dừng lại ở mức sân bay chính của quốc gia. Việc kết nối các tuyến bay trực tiếp đến các trung tâm nguồn khách như Châu Âu, Bắc Mỹ,… của sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài còn thua xa các sân bay ở Kuala Lumpur, Bangkok, Singapore.

Không chỉ hàng không, đường bộ của ta cũng chưa hoàn thiện. Ví dụ như đi từ trung tâm Kuala Lumpur đến Jojor Bahru (Malaysia) khoảng chừng 400km mất 3,5 tiếng, thì với khoảng cách này từ Sài Gòn đến Nha Trang phải chạy xe mất 8 - 10 tiếng. Đặt một phép so sánh như vậy để thấy, hạ tầng ở Việt Nam còn thua rất nhiều so với các nước trong khu vực.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, chi phí chơi golf trung bình hiện nay tại Việt Nam còn cao. Chi phí trung bình một lần chơi trong tuần là 60 - 100USD còn ngày cuối tuần là 120 - 150USD. Đó mới chỉ là chi phí đánh golf, chưa tính chi phí khác như xe điện chạy trong sân, xe ô tô đi lại, tiền típ cho người kéo gậy… Như vậy, chi phí tăng thêm cho mỗi lần chơi golf rơi vào khoảng thêm 100USD nữa hoặc nhiều hơn cho một lần đánh golf 18 lỗ. Tổng chi phí sẽ khoảng hơn 200USD một lần. Con số này dù không quá cao nhưng cũng không hề thấp, không phải ai cũng có khả năng. Thế nên, số lượng người chơi golf ở Việt Nam còn hạn chế, kể cả du khách nước ngoài hay người chơi trong nước. Trong khi đó, ở một số nước, chi phí đánh golf thấp hơn rất nhiều, Mỹ thậm chí còn có sân golf công cộng miễn phí.

Nếu so chơi golf với chơi tennis thì ở Việt Nam có rất nhiều sân tennis. Chỉ cần 4 người chơi với khoảng 2 tiếng đồng hồ và mức tiền thuê sân tennis trung bình ở TP.HCM là 200.000 đồng/1 giờ (tùy vị trí, thời gian), như vậy chi phí chỉ rơi vào khoảng 100.000 đồng/ người nếu chơi 2 giờ. Nhưng nếu chơi golf, một người phải bỏ ra khoảng hơn 2 triệu đồng và phải có xe ô tô để di chuyển và chở các bộ gậy cồng kềnh.

PV: Phải thừa nhận rằng, số lượng sân golf và các nhà phát triển sân golf ở Việt Nam chưa nhiều. Phải chăng là do doanh nghiệp trong nước còn chưa quen với golf như các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Ông Thân Thành Vũ: Thực tế, nhà đầu tư trong nước có nhiều lợi thế hơn so với nhà đầu tư nước ngoài vì thủ tục xin cấp phép rất khắt khe. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản bắt đầu chuyển sang đầu tư sân golf, chẳng hạn như sân golf Long Thành hay sân golf Chí Linh, các doanh nghiệp như FLC, Vingroup, BRG, …

Tiềm năng cho nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn trong thị trường golf nhưng tôi cho rằng, không nhất thiết phải là nhà đầu tư nước ngoài mới tạo ra sân golf đẹp. Các nhà đầu tư trong nước cũng thuê các đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài hay các golf thủ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới giúp thiết kế và thi công. Nên chất lượng các sân golf hiện nay rất là cao.

Chỉ cần chủ đầu tư làm đẹp, làm lợi để phát triển thị trường golf thì không quan trọng anh là ai. Hiện nay có rất nhiều sân golf do nhà đầu tư nước ngoài làm đẹp như sân golf Bà Rịa – Vũng Tàu, sân golf ở Grand Hồ Tràm. Điều tôi thấy lợi ích nhất là một sân golf được ra đời sẽ tạo ra một điểm vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, một cảnh quan tốt và rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đó là lợi ích mà hiện tại chúng ta chưa khai thác và tận dụng được hết.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top