Aa

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Tư, 16/09/2020 - 15:42

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, phải có quy hoạch ngầm không chỉ để quản lý chặt chẽ công trình được cấp phép có tầng hầm mà còn thuận tiện làm các công trình giao thông ngầm trong tương lai.

Mới đây, dư luận xôn xao câu chuyện về công trình nhà ở riêng lẻ tại quận Ba Đình có diện tích hơn 300m2, được cấp phép xây dựng 5 tầng nổi nhưng có tới 4 tầng hầm. Điều này khiến dân cư sinh sống gần đó bất an vì lo sợ công trình có thể tác động đến kết cấu của cả khu phố. Sự việc như "giọt nước tràn ly" cần cấp thiết đẩy nhanh quy hoạch không gian ngầm tại đô thị trung tâm Hà Nội.

Đào hầm vô tội vạ vì chưa có quy hoạch

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, qua tổng hợp, số lượng các vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP thời gian gần đây có xu hướng giảm, nhưng hình thức vi phạm ngày càng phức tạp, khó lường, thậm chí xuất hiện trường hợp vi phạm chưa có tiền lệ. Điển hình là trường hợp công trình nhà ở riêng lẻ tại lô B3, số 13 phố Tây Sơn, quận Ba Đình, chỉ với diện tích khoảng 311,7m2 nhưng lại xây dựng tới 4 tầng hầm, mỗi tầng hầm cao 3,3m. Khi công trình này thi công gây ồn, rung lắc mạnh khiến các hộ dân xung quanh lo lắng, gửi đơn thư khiếu nại. 

Đến lúc này, nhiều người mới ngỡ ngàng đặt câu hỏi vì sao công trình “lạ” như vậy có thể xuất hiện giữa quận trung tâm Thủ đô? Theo quy định với công trình nhà ở riêng lẻ, nếu sử dụng đúng là quy hoạch nhà ở, không thay đổi công năng sử dụng thì không thể cấp phép xây dựng đến 4 tầng hầm.

Những sai phạm của công trình đã rõ ràng và đang chờ cơ quan chức năng đưa ra kết luận, nhưng từ sự việc này cho thấy bài toán quy hoạch không gian ngầm đô thị của Hà Nội không thể chậm trễ. Bởi nhu cầu cải tạo, xây dựng mới nhà cửa của người dân nội đô vẫn rất lớn và dự báo trong tương lai sẽ còn lớn hơn nữa. 

Trong khi đó, các công trình xây dựng, nhất là các vị trí mặt đường có giá trị kinh tế cao, một số khu vực bị hạn chế chiều cao, các chủ đầu tư sẽ tìm cách tận dụng, thậm chí vi phạm không gian ngầm. Theo Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Phạm Thanh Tùng, phải có quy hoạch ngầm không chỉ để quản lý chặt chẽ công trình được cấp phép có tầng hầm mà còn thuận tiện làm các công trình giao thông ngầm trong tương lai. "Lâu nay, chúng ta quan niệm chỉ quy hoạch mặt đất mà quên dưới lòng đất cũng là quy hoạch cần quản lý tổng thể, các nước đã làm cách chúng ta 100 năm rồi", KTS. Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Khu vực tầng hầm để xe tại Trung tâm thương mại Times City

Trong quá trình đô thị hóa, khi tài nguyên đất đai cạn kiệt, để khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất, giải quyết nhiều vấn đề đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thì việc phát triển không gian ngầm là hướng đi cần thiết. Trên thực tế, từ năm 1996 đến nay, một số công trình trung tâm thương mại, khách sạn tại Hà Nội đã bắt đầu xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm. Ở một số khu vực, các trung tâm thương mại kết hợp nhà ở cao cấp như Royal City, Times City… có diện tích trên 10.000m2 đã xây dựng và đưa vào sử dụng không gian ngầm tương đối đồng bộ. 

Bên cạnh những công trình ngầm phục vụ thương mại, từ những năm 2000, Hà Nội đã áp dụng và có giải pháp tương đối tốt đối với một số công trình nút giao thông ngầm như hầm ngầm Kim Liên, hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, các bãi xe ngầm… Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị số 3 đang thi công ngầm và các nhà ga ngầm. Bên cạnh đó, TP cũng đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường cống thoát nước, đường điện, nước... Tuy nhiên, những công trình ngầm đã và đang có đều đơn lẻ mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.

Sớm phê duyệt quy hoạch ngầm

Về hiện trạng công trình ngầm trong phạm vi đô thị trung tâm Hà Nội, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, qua khảo sát hiện có 615 công trình xây dựng có không gian ngầm, mật độ phân bố công trình tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị hóa phía Nam sông Hồng (với 579 công trình, chiếm 94%). Phần lớn không gian xây dựng ngầm của các dự án có từ 1 - 3 tầng, chủ yếu phục vụ đỗ xe, ngoại trừ một số công trình tổ hợp lớn có kết hợp bố trí chức năng thương mại dịch vụ trong tầng hầm (như khu Royal City, Times City, tòa nhà Lotte Center...). 

Không gian ngầm của các công trình hiện có thiếu tính liên kết với nhau và khả năng dự phòng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị ngầm sau này. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện có cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sinh hoạt đời sống và yêu cầu phát triển của TP. Nhiều công trình đã cũ, quá trình cải tạo thiếu đồng bộ, các công trình hạ tầng ngầm chính chủ yếu bố trí dưới lòng đường giao thông khó khăn trong công tác cải tạo, sửa chữa...

Từ thực trạng này, đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến giải quyết tổng thể, đồng bộ không gian xây dựng ngầm đã được UBND TP giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch. Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin, đến nay Đồ án đã hoàn chỉnh, được Sở QH - KT tổ chức thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt.

Theo lãnh đạo Sở QH - KT, Quy hoạch được lập trên cơ sở nghiên cứu, điều tra khảo sát điều kiện địa chất, thủy văn, đánh giá hiện trạng công trình ngầm trên địa bàn 20 quận, huyện (diện tích 756km2) trong phạm vi đô thị trung tâm và tại 5 đô thị vệ tinh với 615 công trình xây dựng có tầng hầm và 7 lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Quy hoạch đã dự báo được nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm, phân vùng chức năng để nghiên cứu xây dựng công trình ngầm. Đồng thời, định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống công trình công cộng ngầm tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng. Đề xuất các nguồn lực thực hiện quy hoạch, phân kỳ đầu tư hợp lý và xác định được các yêu cầu quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

Với những yêu cầu cấp bách trong phát triển đô thị hiện nay, đồ án Quy hoạch không gian ngầm trung tâm TP. Hà Nội cần sớm được phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị. Đồng thời lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với các công trình ngầm.

Từ kinh nghiệm và xu thế của thế giới, từ mục tiêu khai thác tài nguyên, đặc biệt từ hiện trạng phát triển ngầm, đã đến lúc Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, đồng bộ. Không thể để tình trạng cấp phép công trình ngầm cho nhà ở riêng lẻ thiếu căn cứ quy hoạch sẽ là “mối họa” cho việc phát triển không gian ngầm sau này.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi nghiên cứu chính thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. 

Ngoài ra, khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối không gian xây dựng ngầm 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top