Trong đó, các khu vực quy hoạch không khả thi sẽ được xóa quy hoạch để trả lại quyền và lợi ích cho người dân.
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, chính quyền thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBND các quận, huyện đánh giá tình hình thực hiện quy định diện tích tối thiểu được tách thửa để xử lý theo ba trường hợp.
Trường hợp 1, những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi thì đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trường hợp 2, những khu vực quy hoạch đất hỗn hợp còn tính khả thi, đủ điều kiện để thực hiện chỉnh trang đô thị nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thì đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất. Đồng thời, công khai lấy ý kiến người dân, hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực và thực hiện theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.
Trường hợp 3, đối với khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới còn tính khả thi thì đề xuất kêu gọi đầu tư.
Chính quyền thành phố yêu cầu các sở, ngành và các quận, huyện quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng, không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ để phát triển các khu dân cư theo định hướng đô thị mới.
Sau gần ba năm thực hiện Quyết định số 60/2017 quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM, việc tách thửa đối với các khu vực đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc phân ra rõ ràng từng trường hợp cụ thể sẽ giúp các quận, huyện có cơ sở áp dụng để giải quyết quyền lợi cho người dân.
Theo kết quả rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, tính đến năm 2018, thành phố có hơn 13.500ha đất thuộc các khu vực quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây mới.