Aa

Được cho vay để trả nợ ngân hàng khác, thời “ép giá“ bất động sản sẽ qua?

Thứ Ba, 12/09/2023 - 11:00

NHNN cho phép các ngân hàng cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo tinh thần của Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/9, đang “cởi trói” cho nhiều người mua nhà phải dùng đòn bẩy tài chính với lãi suất cao.

Bắt đầu cuộc đua cho vay để trả nợ ngân hàng khác

Thực hiện Thông tư 06/2023/TT-NHNN, các ông lớn đầu ngành ngân hàng là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, ACB đã bắt đầu triển khai chính sách cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với nhóm khách hàng cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu đời sống.

Ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đã bắt đầu cho vay để trả nợ ngân hàng khác trong tháng 9/2023. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, ngân hàng BIDV áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho vay để trả nợ ngân hàng khác cho các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Theo đó, lãi vay chỉ từ 6%/năm, cho khách hàng đang có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn có tài sản bảo đảm là BĐS tại các ngân hàng khác.

Ngân hàng VietinBank cũng vừa công bố chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác với mức lãi suất ưu đãi.

Theo đó, khách hàng cá nhân thuộc nhóm sản xuất kinh doanh, vay mua nhà đất, mua xe ô tô... nếu có tài sản bảo đảm, có thể được cho vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 5,6%/năm. Hạn mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, thời gian vay tối đa 35 năm.

Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Khách hàng có thể vay vốn tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay đang có tại ngân hàng khác. Được áp dụng 2 phương án lãi suất cho vay từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng. Hay mức lãi suất 8%/năm áp dụng trong 2 năm đầu.

Ngân hàng Techcombank cũng vừa thông báo cho phép khách hàng chuyển khoản vay BĐS từ ngân hàng khác sang Techcombank. Mức lãi suất áp dụng cho hình thức vay vốn này là từ 7,3%/năm. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay tại ngân hàng cũ.

Ngân hàng ACB tuy chưa áp dụng hình thức cho vay để trả nợ ngân hàng khác nhưng lại đang có phương án giảm lãi suất cho vay với các khoản vay trước đó nhằm tiếp tục giữ chân khách hàng đang vay vốn. Ngoài ra, ACB cũng có kế hoạch điều chỉnh lãi suất vay mới phù hợp với tình hình chung của thị trường nhằm tăng tính cạnh tranh.

Hiện nay, nhóm khách hàng cá nhân đang vay mua nhà, mua xe với lãi suất trên 10%/năm có nhu cầu vay để trả nợ trước hạn ngân hàng là rất lớn. Với chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác của Ngân hàng Nhà nước, người đi vay, nhất là vay mua nhà có thể sử dụng tài sản hiện có để đi vay ở những ngân hàng có lãi suất thấp hơn, giảm áp lực chi phí phải trả hàng tháng.

Lời đáp cho câu chuyện “cắt lỗ” bất động sản

Dù điều kiện để tiếp cận khoản cho vay để trả nợ ngân hàng khác trước hạn còn tùy thuộc vào tài sản thế chấp, định giá tài sản và nhiều quy định khác, việc được phép vay ngân hàng khác lãi suất thấp hơn để trả nợ các khoản vay lãi suất cao hiện tại sẽ tạo điều kiện cho người đi vay nói chung và vay mua BĐS nói riêng có cơ hội tái cơ cấu lại khoản nợ, tìm được giải pháp tài chính tốt hơn.

Áp lực trả lãi cao khiến không ít nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lâm cảnh đổ nợ, phải chấp nhận giảm giá bán, cắt lỗ BĐS. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, cuộc đua ưu đãi lãi suất cho vay để trả nợ ngân hàng khác giữa các ông lớn đang là “lời đáp” thiết  thực nhất cho bài toán hạ lãi suất vay. Để giữ chân khách đang vay vốn không nhảy sang ngân hàng khác có lãi suất thấp hơn, các nhà băng sẽ phải tính toán việc giảm thêm lãi suất vay để giữ chân khách hàng, nếu không sẽ dễ mất khách.

Riêng với lĩnh vực BĐS, một trong những nguyên nhân khiến giao dịch BĐS sụt giảm mạnh thời gian qua là do lãi suất vay mua nhà tăng nhanh và duy trì mức cao. Hiện lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay thả nổi từ 11,5 - 14%/năm.

Áp lực lãi vay với người đang dùng đòn bẩy tài chính mua BĐS được nhận định là đã giảm sau khi Thông tư 06 có hiệu lực. 

Tuy nhiên, việc ngân hàng cho vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi như hiện nay phần nào giúp nhà đầu tư BĐS đang “còng lưng gánh lãi” trước đó, tìm được “cửa thoát hiểm” cho mình.

“Một khi có thể vay lãi suất thấp để trả khoản nợ lãi suất cao đang vay, nhà đầu tư BĐS đã có thêm phương án tài chính khác. Thay vì chỉ có thể chọn bán BĐS để có tiền trả nợ hay chấm dứt việc gánh lãi suất quá cao, nay đã có phương án khả thi hơn. Đồng nghĩa với tình trạng phải bán BĐS bất chấp giá nào, bị ép giá thấp hơn giá mua vào có thể sẽ không còn phổ biến”, một chuyên gia trong nghề nhận định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu dư nợ khoản vay của người mua BĐS tại ngân hàng cũ đang thấp, chi phí để vay vốn tại ngân hàng mới cao, người đi vay cần cân nhắc khi lựa chọn phương án này.

Trên thực tế, các ngân hàng đều áp dụng mức phí phạt với các khoản vay trả trước hạn, mức phí khoảng từ 2% - 4% số tiền trả nợ trước. Bên cạnh đó, khi đi vay tại ngân hàng mới, khách sẽ tốn thêm các khoản chi phí thủ tục chuyển đổi khoản vay, phí giải chấp sổ đỏ ở ngân hàng cũ, phí thẩm định tài sản, phí công chứng, phí đăng ký thế chấp, phí bảo hiểm…

Phương án cho vay để trả nợ ngân hàng khác sẽ rất có lợi với nhóm khách hàng đang vay vốn có thời gian trả nợ dài từ 4-5 năm trở lên. Nếu nhóm khách vay có nhu cầu thanh toán sớm từ 1-2 năm, dư nợ vay thấp, nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn hình thức đi vay này vì các khoản phí thủ tục không nhẹ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top