Vào cuối năm 2024, đường hầm cao tốc Thiên Sơn Thắng Lợi (Tianshan Shengli Tunnel) tại Khu tự trị Tân Cương (Tây Bắc Trung Quốc) đã chính thức thông xe, trở thành đường hầm cao tốc dài nhất thế giới với chiều dài 22,13km.
Dãy núi Thiên Sơn dài khoảng 2.500km án ngữ giữa hai vùng Bắc Cương và Nam Cương của Tân Cương từ lâu đã là rào cản lớn cho hoạt động giao thương, đi lại. Nếu Bắc Cương chủ yếu là thảo nguyên, sông hồ, thì Nam Cương là vùng sa mạc, ốc đảo, việc kết nối hai khu vực này vốn chỉ trông chờ vào các tuyến quốc lộ dài như G216, G217.

Hầm cao tốc Thiên Sơn Thắng Lợi thi công trong điều kiện khắc nghiệt. Ảnh: Xinghua
Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu di chuyển ngày càng lớn, Trung Quốc đã quyết định đầu tư tuyến cao tốc Ô Lỗ Mộc Tề – Du Lật, trong đó đường hầm Thiên Sơn Thắng Lợi đóng vai trò “yết hầu” quan trọng.
Khởi công từ tháng 4/2020, công trình được thi công trong điều kiện địa hình, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Dãy Thiên Sơn được mệnh danh là “bảo tàng địa chất” với hàng loạt đới đứt gãy phức tạp. Riêng hầm Thiên Sơn Thắng Lợi xuyên qua 16 đới đứt gãy lớn, điểm thăm dò sâu nhất đạt 1.112,6m, giếng thông gió sâu 706m – cao hơn cả Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao nhất Trung Quốc.
Độ cao trung bình của hầm vượt mực nước biển tới hơn 3.000m, buộc hơn 3.000 công nhân phải làm việc trong môi trường thiếu oxy, nhiệt độ thấp và thường xuyên đối mặt với nguy cơ sụt lở, nổ đá, biến dạng địa chất.
Thông thường, một công trình quy mô như vậy cần tối thiểu 72 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các biện pháp thi công chia nhỏ từng đoạn, kiểm soát chặt tiến độ, đội ngũ xây dựng đã rút ngắn thời gian xuống còn 52 tháng, tiết kiệm hơn 25% so với dự kiến.

Công trình khi hoàn thảnh trở thành hầm cao tốc dài nhất thế giới. Ảnh: Xinghua
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, dự án đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường. Các cơ sở xử lý nước thải, tái sử dụng sỏi đá được thiết lập ngay tại chỗ, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hệ sinh thái nhạy cảm, trong đó có sông băng Thiên Sơn số 1 và môi trường sống của loài báo tuyết quý hiếm.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đường hầm cao tốc Thiên Sơn Thắng Lợi Công trình này là hạng mục trọng điểm trên tuyến cao tốc Ô Lỗ Mộc Tề - Du Lật, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai miền Bắc - Nam Tân Cương từ 7 giờ xuống còn hơn 3 giờ.
Không chỉ là một kỳ tích kỹ thuật, đường hầm xuyên núi này còn mang ý nghĩa biểu tượng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của Trung Quốc. Công trình đáp ứng mong mỏi lâu nay của người dân Tân Cương về một tuyến giao thông hiện đại, rút ngắn thời gian, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.