Aa

Đường sắt cần bao nhiêu tiền để xóa bỏ tất cả những lối đi tự mở?

Thứ Ba, 20/08/2019 - 13:30

70% số vụ tai nạn giao thông là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020 - 2025 để làm hàng rào, đường gom nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở.

Trên dọc tuyến đường sắt hiện vẫn còn 4.164 lối đi tự mở. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo lãnh đạo VNR, từ năm 2021 - 2022 thực hiện 168km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 1, nhóm ưu tiên 2) với kinh phí dự kiến 672 tỷ đồng. Từ năm 2023 - 2025, hoàn thành 469km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 3, nhóm ưu tiên 4) với kinh phí dự kiến 1.876 tỷ đồng.

Báo cáo của VNR cho thấy, từ năm 2012, Tổng công ty đã triển khai các dự án xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở. Tuy nhiên, do thiếu vốn, một số dự án đang thi công dở dang phải dừng lại, trong đó còn 27,9km đường gom và 17,3km hàng rào cách ly thuộc các dự án công trình khẩn cấp giai đoạn 2; 321km thuộc dự án xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) theo Quyết định 1856, giai đoạn 3.

Tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ cam kết bố trí 26.358 tỷ đồng để cải tạo đường sắt và đóng các đường ngang dân sinh nhưng sau 5 năm, “vốn rót” mới đạt khoảng 200 tỷ đồng. Do đó, ngành đường sắt chủ động xác định tâm thế chỉ xin những hạng mục cần thiết với số vốn ngân sách có thể đáp ứng nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.

Theo thống kê của VNR, hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc có 1.519, còn lại là 4.058 lối đi tự mở, chiếm hơn 70% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, còn có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

“70% số vụ tai nạn giao thông là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt,” ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nhìn nhận.

Ông Minh cho rằng, ngành đường sắt luôn mong muốn nguồn vốn đề ra từ những quyết định, đề án phê duyệt để được phân bổ, rót xuống. Tuy nhiên, trong bối cảnh vốn đầu tư hạn hẹp nên sẽ không có tính khả thi vì Nhà nước không có nguồn lực và từ đó ngành liên tục phải điều chỉnh mục tiêu đầu tư những hạng mục cấp bách cần thiết để đảm bảo an toàn chạy tàu.

Đề cập đến Đề án đảm bảo hành lang, xử lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia phấn đấu 2025 xóa bỏ tất cả đường ngang lối đi tự mở dân sinh, ông Minh cho rằng, nguồn vốn đặt ra thực hiện lên tới hơn 7.300 tỷ đồng nhưng khả năng huy động và phân bổ sẽ rất khó khăn.

Dẫn chứng, ông cho hay, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược đường sắt tới năm 2030 và sau đó Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định 2477, trong đó nói rõ tới năm 2030 cần 110.000 tỷ đồng để cải tạo đường sắt hiện hữu đảm bảo năng lực thông qua từ 4-5 lần và lặp lại trật tự hành lang an toàn giao thông.

“Tuy kế hoạch này được phê duyệt từ năm 2014 nhưng phải thấy rằng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp nên từ đó đến nay chưa được bố trí. Hiện nay, Quốc hội mới đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng đầu tiên cho 4 dự án đường sắt cấp bách của giai đoạn 2016 - 2020,” ông Minh nói.

Vị Chủ tịch VNR cũng đưa ra kỳ vọng tới năm 2030, đường sắt được bố trí từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 25% vốn trong tổng số phê duyệt, do đó, nếu triển khai các hạng mục phải sát với nguồn lực đầu tư. Ngành đường sắt luôn mong muốn vốn đề ra nhưng không có tính khả thi vì Nhà nước không có nguồn lực, nhất là trong bối cảnh vốn đầu tư hạn hẹp nên cần phải điều chỉnh mục tiêu đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top