Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho biết theo kế hoạch, tháng 12/2020 sẽ thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày để nghiệm thu và đánh giá an toàn.
“Việc vận hành thử toàn bộ hệ thống nhằm thử nghiệm, nghiệm thu tổng thể và đánh giá an toàn hệ thống, đánh giá nhân sự vận hành theo biểu đồ chạy tàu thực tế. Trường hợp có hạng mục nào chưa được đánh giá đạt yêu cầu, tổng thầu phải khắc phục và hoàn thiện,” đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho hay.
Sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu, để dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vận hành chính thức, dự án còn phải trải qua các khâu như đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp), nghiệm thu Nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và thành phố sẽ ra quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý I/2021. Hiện tại, dự án đang tiếp tục chuẩn bị về nhân lực vận hành thử, nhất là các chuyên gia của Tổng thầu EPC Trung Quốc, chuyên gia Pháp của nhà thầu tư vấn đánh giá an toàn hệ thống.
Theo ông Thể, Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết và đề nghị Tư vấn độc lập tích cực phối hợp đánh giá an toàn hệ thống trong quá trình Tổng thầu vận hành thử toàn hệ thống.
Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ngày 3/11, Bộ trưởng Thể thừa nhận trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm chủ đầu tư nhiều dự án đường sắt đô thị, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là việc chậm tiến độ. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo rất nhiều, các thành phố và Bộ cũng họp rất nhiều.
“Qua các dự án này, chúng ta rút ra những bài học hết sức sâu sắc liên quan đến việc quy hoạch, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu...,” Tư lệnh ngành giao thông nhấn mạnh./.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km, đi trên cao và có 12 nhà ga và 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa và có sức chở 960 người. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Đơn vị quản lý dự án trước đây lên kế hoạch vận hành thử hệ thống vào đầu năm 2020 (sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), song do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Tổng thầu chưa thể huy động được đầy đủ nhân sự sang Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, căn chỉnh các chuyên ngành kỹ thuật thành phần để vận hành thử toàn hệ thống.