Chiều 11/3, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, báo cáo tiền khả thi dự án Vành đai 3 TP.HCM đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV vào tháng 5/2022.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, giai đoạn 1 của đường Vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỷ đồng, riêng phí giải phóng mặt bằng đã hơn 41.589 tỷ đồng.
Đường Vành đai 3 sẽ được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỷ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đoạn qua tỉnh Long An.
Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TP.HCM sẽ chi hơn 24.000 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỷ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỷ đồng và Long An hơn 1.050 tỷ đồng.
Sau khi rà soát, quỹ đất vùng phụ cận dự án Vành đai 3 ở địa bàn TP.HCM có hơn 2.413ha. Trong đó, có khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu về 26.985 tỷ đồng. Thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất còn lại để xác định cụ thể, đảm bảo tính khả thi trong việc tạo nguồn vốn.
Về mốc tiến độ, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, dự án sẽ khởi công trong quý IV/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TP.HCM và các địa phương kiến nghị Quốc hội được áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù.
Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, khi đầu tư kết cấu hạ tầng, khó khăn nhất của thành phố là giải phóng mặt bằng, cho nên phải có kế hoạch, phải chú ý mặt thời gian, dứt khoát về giải phóng mặt bằng, thi công, để năm 2026 cơ bản hoàn thành công trình.
Bàn về cơ chế đầu tư, theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, không chỉ có đầu tư xây dựng mỗi đường Vành đai 3 mà còn đường Vành đai 4, đường cao tốc và hàng loạt các công trình khác, vấn đề chúng ta nhìn lượng tiền “khổng lồ” thì khó có thể thực hiện được. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ cơ chế 4, 5 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát hành trái phiếu tạo thành quỹ đầu tư hạ tầng.
TS. Trần Du Lịch góp ý, không cần tiền thu phí, tạo các quỹ đất dọc hai bên đường thì hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, thậm chí người dân cũng sẵn sàng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt, thì hạ tầng sẽ được đầu tư rất nhanh.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, việc thu hồi vốn qua hình thức thu phí là rất nhỏ, quỹ đất là nguồn tài chính lớn, nếu khai thác được thì vốn không là vấn đề gì cả, kể cả việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 và hàng loạt các dự án hạ tầng kết nối khác. Vì thế, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ nhất là lúc này.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chúng ta nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh và Hải Phòng các sáng kiến về đầu tư hạ tầng giao thông, về cơ chế sáng tạo, đột phá. TP.HCM và các tỉnh cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa.
Cũng theo ông Trần Đình Thiên, chương trình hạ tầng giao thông chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, toàn bộ cấu trúc giao thông phải thay đổi cơ bản. Về cơ chế chỉ định thầu, điều kiện để chỉ định thầu là phải cực kỳ rõ ràng, chặt chẽ…/.