Những năm trước, nếu nhịp sống cứ bình thường, đừng biến động gì thì trước và sau Tết, không khí xuân luôn chộn rộn khắp phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Muốn biết dân tình làm ăn, hưởng thụ ra sao, ra Hàng Bè mà ngắm. Ấy là lời nhắn nhủ của các bà, các bác hàng xóm. Loanh quanh phố tôi có đến mấy cái chợ, chưa kể siêu thị, hàng quán, hệ thống “chợ di động” với người cắp mẹt, đẩy xe, gánh gồng bán đủ từ tôm, cua, thịt, cá đến rau củ quả theo mùa, trái mùa.… ấy vậy mà những người phụ nữ đảm đang, sành sỏi nhất vẫn cứ bách bộ hoặc lòng vòng xe đạp ghé chợ Hàng Bè mới vừa lòng.
Con phố không quá dài, chỉ vài trăm mét, chạy dọc từ Gia Ngư, Hàng Bè và ngõ Trung Yên, trong khu phố cổ Hà Nội, lúc nào cũng bảng lảng hơi ấm của đồ ăn thức uống. Những người nội trợ cho rằng, chọn đồ tinh tuyển hẳn phải ra đây. Nào thịt chưng mắm tép, chả cá, cá kho, dưa muối… đặc sắc nhất là gà luộc để cúng lễ.
Những người nội trợ cho rằng, chọn đồ tinh tuyển hẳn phải ra đây. (Ảnh minh họa)
Nghe nói, khi dịch giã chưa bùng, đến cả món đậu phụ nhồi thịt, chả xương sông, lẩu ếch, giả cầy... cũng bán sẵn, đầy màu sắc và hương vị. Bây giờ, chợ đã co cụm hơn trong trạng thái bình thường mới, túc tắc bán đồ cho khách mang về. Ngày rằm, mồng một, Tết nhất… vẫn đầy đủ gà luộc cài hoa hồng đỏ, xôi gấc, nem rán… và cá kho trứ danh.
Chợ Hàng Bè có nét duyên riêng, ngay cả trong những tháng ngày chật vật. Đồ ăn vẫn ngon, thái độ phục vụ chu toàn, tỉ mỉ. Nhưng nói gì thì nói, nhận đồ từ shipper mà không được dạo khắp con phố ấy ngắm dãy “gà bay” sống động có lớp da vàng ươm, căng bóng, bông hoa hồng nở đúng độ rực rỡ nhất bung hết cả chồi non lộc biếc thì đáng tiếc lắm thay. Thưởng thức phải ở chính không gian ấy, vương vất khói, mùi gia vị tẩm ướp, những gương mặt tươi tắn hồng hào, những đôi tay thoăn thoắt cài chỗ nọ, bày chỗ kia. Cứ nhìn nhịp độ người bán hàng mà biết không khí, dân tình thế thái đang ra sao.
Một mẩu chuyện vui nho nhỏ. Chúng tôi có người bạn lập gia đình khá muộn. Cô ấy thành đạt trong sự nghiệp và lúc nào cũng tràn đầy năng lượng lạc quan. Gia đình chồng cô là người Hà Nội gốc, nay đã chuyển về ngoại ô hưởng thụ cuộc sống chan hòa bên cỏ hoa, cây cối, sông hồ. Cái Tết đầu tiên cần trổ tài bếp núc, chẳng chút băn khoăn, không cần tư vấn, cô lái xe băng băng vào thành phố, gửi xe quán quen và bách bộ ở chợ Hàng Bè. Chỉ trong chốc lát, cô đã tay xách nách mang đầy đủ nguyên liệu đã chế biến sẵn, chỉ chờ lên mâm cỗ Tết. Ngoài gà luộc, bánh chưng, dưa hành, giò chả, còn có cả thịt đông, chim quay, nộm bò khô, tôm chiên xù, canh măng, mọc… nước luộc gà loang loáng sắc vàng, thoang thoảng mùi gừng cũng được người bán hàng đưa đầy đủ. Mẹ chồng cô, người giỏi bếp núc, tỏ ra rất hài lòng. Bà bảo, những nàng dâu thành đạt và bận rộn bây giờ, chỉ cần biết đến nơi nào mua đồ bán sẵn tươi ngon là cái Tết đã đủ đầy, ấm cúng. Đồ ăn thức uống ở đây phong phú nhưng lại không hề rẻ. Combo gà và xôi bao giờ cũng ngót nghét hoặc quá nửa triệu đồng. Sơ sơ mâm cỗ Tết chu đáo, rộn rã sắc màu thì thực khách cũng phải rút hầu bao kha khá. Ấy là cái giá của việc muốn “nhắm mắt mua cái gì cũng ngon”.
Không ít người gọi khu này là “chợ nhà giàu” bởi đồ ăn chọn lọc, đắt giá so với mặt bằng thị trường. (Ảnh minh họa)
Năm nay, chợ Hàng Bè có phần e dè hơn, phần vì dịch bệnh, phần vì tâm lý người dân còn hoang mang, âu lo, chưa thực sự thoải mái. Nhưng bên sâu trong những con ngõ của các gia đình bán đồ ăn lâu năm, cả dãy nồi cá kho riềng, thịt kho tàu… vẫn thơm phưng phức. Hỏi tiểu thương buôn bán thế nào, trên những khuôn mặt vẫn nụ cười hoạt bát, dáng điệu vẫn kiêu kỳ pha chút thong dong: “Khách mua tới đâu mình làm tới ấy em ơi! Vội gì”. Khách thường là khách quen, thư thả đợi chờ mua hàng, không bao giờ mặc cả, mỗi hàng chỉ ghé chút là lướt đi.
Không ít người gọi khu này là “chợ nhà giàu” bởi đồ ăn chọn lọc, đắt giá so với mặt bằng thị trường. Song, có một thực tế, không phải cứ nhà giàu mới đi chợ, mà chính xác hơn là người kỹ tính, sành ăn. Phố tôi có vài cặp vợ chồng tuổi đã xế bóng, sống xa con cháu, trước đây, không ngày nào mà không ghé chợ quen. Hôm thì chút mắm tép, ngồng cải muối, hôm đổi bữa với thịt đông, dưa hành. Bên mua, bên bán biết nhau đến cả mấy thế hệ, từ ông bà tới cha mẹ, con cháu… nên hễ gặp nhau thì biết ngay định lượng, tư vấn. “Cụ ông thích ăn cải ngồng hơi tái, nay dưa chua rồi nên bảo cụ chuyển sang món khác”; “Ấy ấy, vơi cái tay thôi, mắm tép để các cụ ăn cơm đừng có ham bán nhiều”… người bán hàng nhanh nhảu nhắc giúp việc, nhân viên. Các cụ già trong phố xách theo cặp lồng để đựng đồ ăn chứ không dùng túi ni lông như số đông. Mua xong sẽ thong thả dạo qua Bờ Hồ hoặc ngó nghiêng Hàng Mã, Hàng Bông… Chính xác là chơi chợ chứ không phải đi chợ cốt có đồ ăn mang về dùng ngay.
Chợ Hàng Bè xưa có “đặc quyền” họp giữa lòng đường, đúng trung tâm phố cổ. Tính từ thuở ấy, đã đến cả trăm năm. Tên gọi như vậy, nhưng cái chợ truyền thống lại họp tại ngõ Cầu Gỗ và thông sang phố Gia Ngư, người dân gọi chung là chợ Hàng Bè. Họp dưới lòng đường nên lúp xúp các lều lán nhỏ được dựng tạm, mỗi người một ô, một khoảnh tự ước tính với nhau sao cho việc đi lại, sinh hoạt vốn chật chội ở phố xá không bị ảnh hưởng. Từ thuở ấy, khu chợ đã nức tiếng với đồ khô, gia vị, đồ ăn ngon, phản ánh phần nào cuộc sống sung túc, chuộng chất lượng hơn số lượng, chuộng sự bắt mắt đi đôi với hương vị. Từ hoa quả, rau củ tới thực phẩm, tất cả đều phải tươi, mập mạp tròn trĩnh, bóng bẩy, không tì vết. Khách hàng không mặc cả là khách hàng khó tính. Người bán kiệm lời là người sâu sắc, tinh tế.
Người dân sống quanh khu chợ đã quen với những thanh âm lách cách, lộp cộp suốt ngày đêm mỗi khi người, xe lướt qua. Và mùi các món kho, chưng, xào, nấu… cũng thành “đặc sản” quánh lại suốt bốn mùa trong phố. Đâu đó, nét quê bình dị, ấm êm vẫn hiện diện giữa con phố sầm uất. Vài chị quẩy gánh hàng rong bán tép tươi, cá thu, tôm đất… không cần rao vẫn tấp nập người mua. Vẻ chân chất, giản dị đôi khi khiến ta có cảm giác đang ở một phiên chợ xa nào đó của vùng quê Bắc Bộ, cảm giác được hồn cốt xa xưa vẫn thảng thốt quay về./.