Aa

Nắng son

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Hai, 28/02/2022 - 06:09

Mùa nắng son ở đâu cũng đẹp, ở đâu cũng yêu, ở đâu cũng nên ngãi nên tình, ở đâu cũng mùa màng tươi nở, vạn vật sinh sôi. Nắng son như gái mới lớn, như trai đương thì, như trẻ ba tháng, như gạo ba trăng...

“Tháng giêng là nắng chớm son

Tháng hai nắng đã quây tròn ngọn cau

Tháng ba nắng lửa, mưa dầu

Tháng tư ngằn ngặt một màu vàng phơi…”

                                                             (Lời ru của mẹ)

Không biết người ở phố thị cảm nhận về cái nắng son như thế nào? Chứ ở quê tôi nắng son luôn là cái nắng đẹp nhất. Nắng son non màu lá mạ. Nắng son làm tím hoa cà. Nắng son cá, chim trở dạ. Mở ngày quẫy rộn cả đồng xa...

Cái nắng son trong cảm nhận của người quê tôi là thế. Vừa qua đận gió bấc mưa phùn, vừa qua đận cá rô rúc bờ, cá trê chui lỗ, vừa qua đận rễ mạ quăn queo, rủ rục trong bùn, vừa qua đận chim bay đi tránh rét mà vẫn vẫn ngóng từng ngày quay về chỗ đậu thân thuộc... Sau bao nhiêu chờ đợi thì nắng son cũng đến.

Người dân gặp nắng son để cùng nhau bước xuống đồng. (Ảnh minh họa: Vũ Mừng)

Xuân sang và nắng lên như làm mọi vật trở lên khác lạ. Người dân quê tôi gặp nắng son để cùng nhau bước xuống đồng. Chỉ mới vừa mấy ngày hôm trước thôi còn đồng nước trắng, nhìn xuống sông không tăm cá, nhìn lên trời không bóng chim, vào nhà ai cũng sực mùi khói rấm, trâu bò rấm rức trong chuồng nhai rơm khô. Vậy mà mấy ngày nắng lên đồng đã bắt đầu lớm chớm xanh màu mạ, cây cối đơm chồi, nẩy lộc, chim hót vang trời, cá đàn bơi lội... mọi sự đổi thay như có phép từ trời, từ đất. Vào cữ tháng giêng, hai vẫn có mưa phùn, nhưng người dân quê tôi không gọi là mưa phùn mà gọi là mưa xuân. Mưa xuân thường ngả về đêm cho đến sáng muộn.

Người đi làm đồng buổi sớm, chân trần chạm vào mưa xuân bám vào cỏ mướt như chạm vào nhung lạnh, chân trần chạm xuống bùn non gai ốc nổi tê tê, buốt lên cả hơi thở đang tỏa ra những sương, những khói. Khi những tấm lưng cong xuống, nhô lên nhịp nhàng trong vũ điệu trồng cấy thì cũng là lúc nắng son rạng rỡ trên đồng, công việc của buổi sáng coi như xong một nửa. Người ta bắt đầu hò nhau nghỉ giải lao, thư thả cùng nắng son.

Dưới nắng son quây quần dăm, mười người với trà xanh ngút khói, với kẹo lạc, kẹo vừng sau Tết dả dư, đôi khi còn có cả bánh chưng, chè kê, chè đỗ. Dưới nắng son người ta bàn chuyện việc đồng, việc nhà, chuyện con ông, con bà râm rả. Thằng cu nhà bác ngót ba mươi xuân rồi mà chưa thấy động tĩnh gì nhỉ? Nó có kén chọn gì không? Sao còn đứng yên mãi thế?. Vâng! Cháu nó học hành cũng xong rồi, công việc cũng ôn ổn rồi. Nhà tôi cũng sốt ruột lắm! Giục lấy vợ thì nó bảo cứ từ từ, vợ con là chuyện trăm năm chứ có phải mươi tháng, vài năm đâu. Thành thử vẫn còn đứng yên đấy cô ạ! Năm nay nhà bác còn cấy ở đồng Đông nữa không? Không bà ạ. Trồng cấy bây giờ chả được là bao. Mà đồng Đông vừa xa, vừa cạnh khu công nghiệp nên giờ bụi bặm, ô nhiễm lắm. Trồng lúa, lúa chẳng lên, trồng rau, rau chẳng đặng nên phải bỏ không cho cỏ mọc. Đồng đất mà bỏ thì thật là tiếc. Nhưng biết làm sao. Chờ khu công nghiệp mở rộng, kiếm thêm chút tiền đền bù thôi. Năm nay dịch bệnh con cháu ở xa không về nên kém vui hẳn. Vâng! Cả đất nước, cả thế giới đều như thế thì mình cũng phải chịu. Nhà tôi rau trồng đầy vườn mà cũng có gửi cho cháu nó trên thành phố được đâu. Thành thử rau cứ để già, để héo ra đấy...

Ảnh minh họa: Vũ Mừng

Dưới nắng son những câu chuyện cứ dài ra mãi. Dưới nắng son, đám trâu bò ngàm ngạp ngoạm cỏ, răng và lưỡi nhuộm một màu xanh lơ, cứ như thể chúng đang cố ăn bù cho những ngày rét buốt, nhai rơm khô đến mòn cả răng. Nắng son làm cho những mong muốn “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” thành hiện thực. Nắng son làm cho người ta yêu hơn cái phong vẻ “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa – (Truyện Kiều của Nguyễn Du) đẹp lên biết nhường nào.

Trong nắng son, tôi cũng đã từng có nhiều dịp ngược lên vùng núi phía Bắc để ngắm nhìn hoa mơ, hoa mận, hoa mơ, hoa lê, hoa sở... bừng nở. Cả núi rừng như được nhuộm một màu trắng. Sắc hoa quyện với màu khói sớm từ thôn bản mùa ra càng làm cho núi rừng thêm diệu vợi. Dưới nắng son, dân bản bắt đầu dẫn nước từ những khe suối về ruộng bậc thang để bắt đầu cho một vụ mùa mới. Nước về ruộng sáng lên như bạc trắng đeo trên cổ của những cô gái Thái. Nước về ruộng ánh lên như những chiếc  gương trời, lấp lánh soi mặt người đi hội.

Mùa nắng son ở đâu cũng đẹp, ở đâu cũng yêu, ở đâu cũng nên ngãi nên tình. (Ảnh minh họa: Vũ Mừng)

Dưới nắng son, những hàng rào cỏ hoa tươi nở, mùa phơi váy sặc sỡ sắc màu. Váy phơi trước sân, váy vắt ngang hàng rào, váy tưng bừng trổ trên mỏn đá, váy tung tẩy theo trẻ con đến trường, váy nhún nhảy theo chân người nhảy sạp, váy xoay tròn cùng tiếng khèn, váy reo vui cùng quả còn, ném qua ném lại, váy như hoa trên đỉnh Phặc Phiền, váy như mùa lá non Sín Chải, váy như mây trên đỉnh Tà Xùa... Dưới nắng son, những sắc trắng tinh khôi, những hương thơm tinh khiết, những khăn áo đượm màu dân tộc đang tỏa ra khắp sơn thôn, bản làng cứ như gọi như mời, như dẫn dụ khách lạ, người quen tìm đến ân hưởng nét đẹp mùa xuân núi rừng mà lòng phấn chấn lạ lùng, mà hồn reo vui đến lạ.

Nắng son là thế. Mùa nắng son ở đâu cũng đẹp, ở đâu cũng yêu, ở đâu cũng nên ngãi nên tình, ở đâu cũng mùa màng tươi nở, vạn vật sinh sôi. Nắng son như gái mới lớn, như trai đương thì, như trẻ ba tháng, như gạo ba trăng, như mùa xuân vừa chín... sao mà có thể không yêu cho được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top