Aa

Eximbank đang làm việc dưới một "khoảng không" pháp lý?

Thứ Tư, 24/04/2019 - 19:01

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc Eximbank vì vấn đề nội bộ mà chưa đề cử được Tổng giám đốc tạm thời - không có đại diện pháp lý như thể ngân hàng này đang làm việc dưới một khoảng không pháp lý.

Mới đây, Reatimes đã đăng tải bài viết “Giao dịch ở Eximbank có còn hợp pháp hay không?” về việc, thông tin trong tài liệu công bố họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 thể hiện sự bất ổn là không có chữ ký phê duyệt của Tổng giám đốc - người đại diện pháp luật duy nhất cho ngân hàng này.

Cụ thể, trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank vừa công bố không có chữ ký của Tổng giám đốc ngân hàng.

Các tờ trình còn lại như Báo cáo của Ban kiểm soát, Kinh phí hoạt động và thù lao của Ban kiểm soát do ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát ký. Trong khi đó, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.

Trong khi tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, thành phần Ban tổng giám đốc ngân hàng này có ông Lê Văn Quyết và 8 phó tổng giám đốc. Thời điểm đó, ông Lê Văn Quyết giữ vai trò là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật duy nhất của Ngân hàng Eximbank.

Đặt câu hỏi về việc, trong các giao dịch tại thời điểm không có Tổng giám đốc có được đảm bảo tính pháp lý hay không, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng để làm rõ vấn đề này.

Chuyên gia Tài chính Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia Tài chính Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

PV: Thưa ông, trong tài liệu công bố họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Eximbank không có chữ ký phê duyệt của Tổng giám đốc - người đại diện pháp luật duy nhất theo điều lệ của ngân hàng. Xin ông cho biết, các giao dịch của Eximbank ở thời điểm này có đảm bảo tính hợp pháp, trong khi hợp đồng của Tổng giám đốc đã hết hạn từ 5/4/2019 và trước đó đã được gia hạn 1 năm?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Hợp đồng Lao động của Tổng giám đốc và tư cách pháp lý của Tổng giám đốc có thể là hai điều không bắt buộc đi đôi với nhau.

Hợp đồng lao đồng là hợp đồng giữa người lao động và cơ quan sử dụng lao động.

Thường thì tư cách pháp lý của người được cơ quan tuyển dụng liên quan đến hợp đồng lao động, nhưng tư cách pháp lý có thể không chấm dứt cùng với hợp đồng lao động. Thành ra, nếu bây giờ có một cá nhân nào đó phải làm việc với Eximbank, kể cả các cổ đông để tư cách pháp lý còn hiệu lực hay không thì đầu tiên phải căn cứ vào điều lệ của cơ quan đó.

Thứ nhất, tại vì người ngoài không thể biết được hợp đồng lao động đó có được gia hạn hay không gia hạn.

Thứ hai, vì mình không biết trong nội bộ Eximbank đang có chuyện gì xảy ra nên hợp đồng lao động không có giá trị về mặt pháp lý đối với người ngoài. Chính vì thế tư cách pháp lý vẫn còn tồn tại cho đến khi cơ quan đó chấm dứt tư cách pháp lý đối với lao động.

Thành ra phải căn cứ điều lệ của Eximbank chứ nếu chỉ dựa trên hợp đồng lao động thì không đủ căn cứ để khẳng định các hoạt động của người lao động đó không còn hiệu lực pháp lý nữa.

Tuy nhiên, với trường hợp Tổng giám đốc Lê Văn Quyết, vì trước đó vào năm 2018 hợp đồng lao động đã được tự động gia hạn thêm 1 năm và ông Quyết là đại diện pháp luật duy nhất của ngân hàng nên tính pháp lý trong mọi giao dịch của Eximbank thời điểm này có thể không còn đảm bảo.

PV: Rất có thể, chủ tịch Lê Minh Quốc đã lường trước được tình huống này nên vào thời điểm trước khi Hợp đồng lao động của Tổng giám đốc Lê Văn Quyết hết hiệu lực 01 ngày thì ông Quốc đã triệu tập một cuộc họp. Nhưng cuộc họp đã không diễn ra vì không đủ thành viên tham dự. Do đó dẫn tới hợp đồng với ông Lê Văn Quyết tự động hết hạn. Với kịch bản này, ông có bình luận gì về nội bộ ngân hàng Eximbank?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Với kịch bản này, tư cách Tổng giám đốc của ông Lê Văn Quyết không được duy trì nữa vì đã bị bãi nhiệm rồi nhưng về tính pháp lý, chỉ khi nào Eximbank đưa ra văn bản chấm dứt nhiệm vụ Tổng giám đốc thì bấy giờ mới không còn hiệu lực pháp lý. Thành ra các đối tác, các cổ đông cần phải có sự tham khảo trực tiếp với phía ngân hàng Eximbank.

PV: Như vậy có nghĩa là giao dịch ở ngân hàng hàng Eximbank buộc khách hàng phải "đề cao cảnh giác" thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Dĩ nhiên những giao dịch nào mà phải có chữ ký của Tổng giám đốc nhưng khi giám đốc bị miễn nhiệm thì giao dịch đó không hợp lệ. Tuy nhiên, ở trong các cơ quan đều có sự ủy quyền. Nếu Tổng giám đốc cũ ủy quyền cho một người nhất định,thì Tổng giám đốc có thể bị miễn nhiệm nhưng sự ủy quyền vẫn có giá trị.

Chính vì thế, dù Tổng giám đốc trước đây không còn thì ngân hàng vẫn phải hoạt động và phải có một đại diện pháp lý của ngân hàng – điều này là bắt buộc không thể thiếu.

PV: Để đảm bảo tính pháp lý thì Eximbank có phải trình vấn đề này lên Ngân hàng Nhà nước hay không và ông nhận định như thế nào về hiện trạng của ngân hàng này?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Thông thường chủ tịch Hội đồng Quản trị là đại diện pháp lý của ngân hàng, tuy nhiên như đã nói ở trên theo điều lệ của ngân hàng Eximbank thì Tổng giám đốc là đại diện pháp lý duy nhất nên bắt buộc phải có một người thay thế cho Tổng giám đốc đã hết hạn hợp đồng lao động, có thể là một phó tổng giám đốc thường trực hoặc một người nào đó được ủy quyền.

Còn trong trường hợp nếu Eximbank vì vấn đề nội bộ mà không đề cử được một Tổng giám đốc tạm thời - không có đại diện pháp lý thì Eximbank đang làm việc dưới một "khoảng không" pháp lý.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top