Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp ở mức cao
Theo báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp của Chứng khoán Shinhan, hiện nay dòng vốn FDI tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định qua các tháng. Tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI có sự cải thiện rõ rệt qua từng tháng. Điều này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực, qua đó tạo cơ sở cho triển vọng nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Tình hình vốn FDI giải ngân có sự tăng trưởng ổn định, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận vốn FDI giải ngân đạt 17,34 tỷ USD tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Đáng chú ý, các tỉnh thành như Bắc Ninh, TP.HCM, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, và Đồng Nai là những điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, hai địa phương là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh tăng trưởng ở mức cao lần lượt gấp 5,37 và 3,49 lần so với cùng kỳ. Vị trí chiến lược và đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ là các yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng nguồn vốn FDI của các địa phương này.
Báo cáo còn cho thấy, các nhà đầu tư đến từ Châu Á là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan vẫn là các đối tác đầu tư truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm 2024. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2024.
Về lĩnh vực thu hút vốn FDI, báo cáo cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, chiếm 63% nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Còn với bất động sản, tổng vốn FDI đăng ký hoạt động kinh doanh lĩnh vực này đạt 4,38 tỷ USD, gấp 2,26 lần so với cùng kỳ. Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, nhà ở và văn phòng là các lĩnh vực đang được hưởng lợi từ dòng vốn FDI.
Chứng khoan Shinhan ước tính nguồn cung bất động sản khu công nghiệp trong năm 2024 tại hai vùng phía Bắc và phía Nam tăng trưởng lần lượt là 7% và 6,4%. Trong đó, nguồn cung tại khu vực miền Bắc chủ yếu tập trung tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên. Đối với khu vực miền Nam nguồn cung chủ yếu sẽ nằm tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa Vũng Tàu.
Còn giá đất khu công nghiệp được dự phóng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định 5 - 10%/năm 2024 và 2025 nhờ nhu cầu thuê ổn định, và nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tỷ lệ lấp đầy dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao với 84% tại khu vực miền Bắc và 93% tại khu vực miền Nam.
Nhìn nhận về xu hướng đầu tư của vốn FDI, bà Trần Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills cho biết, thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng,.. Tăng trưởng FDI hàng năm ổn định là động lực chính thúc đẩy ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, cả nước cung cấp 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất động sản.
Cũng theo chuyên gia của Savills, nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở thời gian qua khá hạn chế. Khối ngoại cũng vì vậy chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp vốn là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng hơn, dễ thực hiện M&A hơn.
Mảng khu công nghiệp thắng lớn, cổ phiếu doanh nghiệp thăng hoa
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khu công nghiệp "nóng" lên từng ngày, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang tận hưởng "làn gió thuận" với kết quả kinh doanh trong quý III/2024 rực rỡ. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận hấp dẫn mà còn góp phần thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ, tạo cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư.
Tổng Công ty IDICO - CTCP (mã: IDC) công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu thuần đạt 2.276 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của IDICO đạt 574 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 195%. Theo giải trình từ IDICO, kết quả kinh doanh khả quan này đến từ việc ghi nhận doanh thu một lần từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.
Không nằm ngoài xu hướng chung, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng bất động sản khu công nghiệp. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động bán và cho thuê bất động sản trong quý III/2024 đạt 730 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 30,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. "Cú hích" này đến từ việc Hòa Phát cho thuê 70 ha đất tại Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) cũng gây ấn tượng mạnh với báo cáo tài chính quý III/2024. Lợi nhuận ròng của Kinh Bắc đạt hơn 196 tỷ đồng, tăng gấp 41,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính vào kết quả này là doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp, đạt hơn 580 tỷ đồng.
Với quỹ đất dồi dào tại các khu công nghiệp Quang Châu mở rộng, Tân Phú Trung và Nam Sơn Hạp Lĩnh, Kinh Bắc được dự báo sẽ tiếp tục thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động cho thuê đất. Theo VCBS, quỹ đất hiện có của Kinh Bắc có thể mang về gần 7.000 tỷ đồng từ dòng tiền cho thuê.
Trên sàn chứng khoán cũng đang chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Trong hơn tuần qua, hàng loạt mã như SIP, KBC, SZC, BCM, IDC đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, xếp hạng trong top những cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HOSE.
Đáng chú ý, SIP và KBC thể hiện sức mạnh vượt trội với khối lượng giao dịch tăng vọt trên 300%, kéo theo đà tăng giá cổ phiếu khoảng 10%. Các mã SZC, BCM, IDC cũng không kém cạnh khi thanh khoản tăng từ 90% đến 140%.
Liệu điều gì đã tạo nên làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ này? Giới chuyên gia nhận định, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Dòng vốn FDI được dự đoán sẽ có sự dịch chuyển đáng kể sau cuộc bầu cử, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút nguồn vốn dồi dào này. Chính kỳ vọng vào sự tăng trưởng của FDI đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cho cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhận định rằng, trong quý III/2024, VN-Index đã phục hồi tốt sau khi kiểm định lại vùng giá 1.180 - 1.200 điểm. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi những yếu tố thuận lợi như kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp, FED bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất và thị trường trái phiếu, bất động sản có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị leo thang và diễn biến khó lường của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Nói về nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, vị chuyên gia cho rằng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, bất chấp những căng thẳng địa chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, châu Âu - Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, cải thiện hạ tầng giao thông và năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các khu công nghiệp.
Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, ông Nhật cho rằng, nhà đầu tư nên ưu tiên những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt, ít vay nợ và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Một số cái tên nổi bật trong nhóm bất động sản khu công nghiệp có thể nhắc đến bao gồm SZC, IDC, GVR, BCM, SIP và DPR.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn rủi ro và cần phải có chiến lược đầu tư hợp lý, kết hợp với việc theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế.