Từ tuổi thơ nghèo khó…
Nhắc đến cái tên Phạm Nhật Vượng người ta sẽ nhớ ngay đến danh hiệu người giàu nhất Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, đằng sau thành công đó ít ai biết rằng ông đã từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong những năm chiến tranh ác liệt xảy ra ở Việt Nam, cha của ông Phạm Nhật Vượng làm việc trong lực lượng không quân Việt Nam, còn mẹ ông mở quán trà đá vỉa hè. Sau này khi hòa bình lập lại, kinh tế cả nước khó khăn, toàn bộ chi tiêu của gia đình ông đều dồn lên vai mẹ. Chính những điều này đã giúp ông Phạm Nhật Vượng có thêm động lực vươn lên giúp gia đình thoát nghèo.
Để có thể rút ngắn con đường thoát nghèo, ông Phạm Nhật Vượng đã chọn con đường học hành. Ông học giỏi toán nên đã nhận được một suất học bổng học ngành kinh tế ở Matxcơva của Nga.
Sau khi học xong, ông Phạm Nhật Vượng kết hôn với bạn gái học chung và quyết định ở lại nước ngoài lập nghiệp. Tuy nhiên, bản thân ông là người theo đạo Phật và luôn khao khát được trở về làm giàu cho quê hương. Cuối năm 1990, ông Phạm Nhật Vượng có chuyến đi tới thành phố biển Nha Trang. Lúc này nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh. Việt Nam đã tránh được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, bình thường hoá quan hệ thương mại với Mỹ và tái khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Nhận thấy đây là một cơ hội lớn để đầu tư cùng với đó là khát khao muốn biến một hòn đảo nhỏ sơ khai ngoài khơi thành khu nghỉ dưỡng hạng sang và kết quả là sự ra đời của khu nghỉ dưỡng hạng sang, VinPearl. Tiếp sau đó, ông khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, tòa tháp tổ hợp thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Ba năm sau. Ông xây thêm 260 phòng ở VinPearl cùng với tuyến xe cáp dài hơn 3km nối giữa VinPearl và đất liền.
Cứ như vậy, dần dần ông Phạm Nhật Vượng càng mở rộng thị trường kinh doanh của mình, ông tiếp tục xây thêm nhiều dự án bất động sản cao cấp tại Hà Nội. Công ty bất động sản thương mại và nhà ở của ông Phạm Nhật Vượng đã lên sàn chứng khoán từ năm 2007 còn Vinpearl vẫn hoạt động như một công ty riêng. Phải đến năm 2015, ông mới gộp hai công ty này thành Vingroup.
… Đến nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á
Vốn là người theo đạo Phật nên ông Phạm Nhật Vượng rất thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ mọi người. Năm 2006, ông thành lập quỹ Thiện Tâm. Theo thông tin từ Forbes cung cấp, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020 Quỹ này đã quyên góp được 77 triệu USD.
Được biết, Quỹ Thiện Tâm chủ yếu hướng đến việc giúp đỡ những người nghèo khó tại Việt Nam, cung cấp học bổng cho trẻ em kém may mắn, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người không đủ khả năng chi trả. Đồng thời, tổ chức này cũng xây nhà ở, trung tâm y tế, thư viện, cơ sở hạ tầng cho các cộng đồng có thu nhập thấp và cung cấp các khoản cứu trợ thiên tai.
Còn trong những ngày tháng dịch Covid-19 hoành hành, riêng Tập đoàn Vingroup của ông Vượng đã ủng hộ 55 triệu USD cho nhiều hoạt động phòng chống Covid-19. Cụ thể, tập đoàn đã cung cấp máy thở và nhiều thiết bị khác cho các tổ chức y tế.
Nhờ những việc làm như vậy mà mới đây, ngày 11/11, ông Phạm Nhật Vượng đã được Forbes nhắc đến đầu tiên trong danh sách Những nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á (Heroes of Philanthropy) năm 2020.
Ngoài ra, trong danh sách này còn có tỷ phú Lý Gia Thành và ông chủ Uniqlo, Tadashi Yanai. Theo đó, tỷ phú Hong Kong đã chuyển 250 triệu HKD (32 triệu USD) thành nhiều hình thức tài trợ khách khác nhau thông qua quỹ của mình. Trong đó, 100 triệu HKD được chuyển đến cho các cộng đồng ở Vũ Hán - tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc. Còn ông Tadashi Yanai trao 11,2 tỷ yen (105 triệu USD) cho hai trường đại học, phần lớn trong số đó được dùng để nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19.
Danh sách Những nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á (Heroes of Philanthropy) là danh sách ghi nhận những nhà từ thiện cá nhân đang quyên góp tài sản của chính họ. Do vậy, danh sách này không bao gồm các khoản quyên góp từ công ty của các ông trùm giàu nhất châu Á, trừ khi việc đóng góp được thực hiện qua một công ty tư nhân mà họ là chủ sở hữu phần lớn. Đồng thời, danh sách của Forbes vẫn không gồm những khoản gây quỹ hoặc người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận dù họ đóng vai trò quan trọng.