Aa

Ga Hà Nội: Cuộc truy tìm phương án "Win - Win - Win"

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Bảy, 30/09/2017 - 06:00

Ga Hà Nội - nhân chứng của lịch sử, nơi khởi nguồn cho bao nhiêu khúc tráng ca của đất nước – đã bước vào tuổi thứ 115. Hành trình tìm phương án phát triển, cải tạo một đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô nhưng đồng thời phải bảo tồn một di sản chứa đựng chiều sâu của những giá trị văn hóa và lịch sử là bài toán nhiều thách thức. Phương án nào để cả thành phố, người dân và nhà đầu tư đều tìm thấy lợi ích trong câu chuyện này?

Thực hiện: Thành Công

Thực hiện: Thế Công

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản số 4417/UBND – ĐT xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000.

Tuy nhiên, ngay sau khi được công bố, Đồ án đã vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận vì có những đề xuất tạo bạo như xây dựng những tòa nhà cao từ 40 -70 tầng, xây dựng Khu nghỉ dưỡng đô thị... Để có cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện này, cùng theo dõi những ý kiến, nhận định dưới đây của các chuyên gia: 

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam

Đồ án quy hoạch mới đây đã thể hiện kỳ vọng quá lớn, bắt ga Hà Nội và hạ tầng khu vực nơi đây phải gánh nhiều vấn đề như: trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng đô thị, khu lối sống mới… với chiều cao từ 40-70 tầng (tương đương 100-200m).

Đã là điểm nhấn trong đô thị thì đó phải là công trình có kiến trúc đặc sắc, có giá trị về văn hóa đóng góp cho diện mạo đô thị, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng chứ không phải là những tòa nhà chung cư chọc trời nào đó. Đừng chất tải lên khu vực vốn chật chội, ách tắc giao thông như khu vực quanh ga Hà Nội.

Cứ cho là Đồ án sẽ điều chỉnh những quy định về quy hoạch, quy chế quản lý trước đây, nhưng nó phải lấy mục tiêu cốt lõi là tăng cường sức mạnh của hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội chứ không phải ưu tiên phát triển BĐS thương mại để bù đắp nguồn vốn cần để phát triển hạ tầng.

Đồ án quy hoạch này lý tưởng nhất là đưa ra các phương án giãn người dân sống trong khu vực quy hoạch, để dành đất cho không gian xanh, công trình công cộng. Ùn tắc giao thông, dân số tăng chóng mặt vì nhà cao tầng mọc đầy rẫy trong nội đô là câu chuyện thách thức mà thành phố cần phải giải quyết trong nhiều năm nữa. Do vậy, thành phố phải tập trung nguồn lực vào vấn đề này hơn là đề xuất cho xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trong nội đô.

Lâu nay, Hà Nội phát triển nóng BĐS, lo xây nhà cao tầng trong nội đô. Nhiều người nói, thay vì phục vụ cho nhà đầu tư BĐS, thành phố nên phát triển bền vững. Theo tôi đối với Đồ án này thành phố cần có ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong vấn đề giải bài toán về nguồn vốn thực hiện.

Ga Hà Nội- trước đây tên gọi là ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Ảnh: Kháng Trần

Ga Hà Nội - trước đây tên gọi là ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Ảnh: Kháng Trần

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Riêng tôi lại thấy ý tưởng quy hoạch ga Hà Nội mới đây có nhiều cái được hơn là cái mất nếu tiến hành khôn ngoan, bài bản và minh bạch, bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, theo như nhiều người nhận định, vùng tiểu đô thị ga Hàng Cỏ - Văn Chương đang xuống cấp nghiêm trọng, đường sá chật hẹp, nhà cửa cũ nát, dân cư chen lấn, ruồi muỗi, chuột bọ sung túc, tệ nạn xã hội hoành hành... Đông đảo người dân ở đây mong muốn tình trạng này được cải thiện.

Thế nhưng, ngân sách thành phố còn nhiều việc phải làm khi những việc ấy không có nhà đầu tư nào chịu làm, cho nên mới phải tìm phương án “Win – Win – Win”, tức là “Thành phố - Người dân – Nhà đầu tư” đều thấy mình có lợi.

Một vùng thuộc trung tâm của Thủ đô mà ở trong tình trạng như vậy là không thể chấp nhận, vì càng để lâu càng tồi tệ. Dứt khoát phải có một cuộc cách mạng, về cả tư duy lẫn ý chí hành động, để thay đổi. Chỉ có điều “cuộc cách mạng” ấy xảy ra hôm nay hay ngày mai và bằng cách nào mà thôi.

Vì thế, “cuộc cách mạng” này đầu tiên là vì bộ mặt, vì niềm tự hào, vì sự kiêu hãnh của Thủ đô, của hơn 90 triệu dân cả nước, rồi sau mới đến cải thiện cuộc sống người dân trong vùng, đến quyền lợi của các nhà đầu tư...

Thứ hai, lại trở lại vấn đề “ đầu tiên” là vấn đề “tiền đâu”. Mọi ước vọng tốt đẹp nếu không có nguồn lực tài chính thì muôn đời sẽ chỉ là vọng ước. Giá như Thành phố có tiền, bỏ ra trên dưới 1 tỷ USD (mà tôi nghĩ còn cao hơn) để biến vùng tiểu đô thị này thành một tiểu đô thị thông minh thì quá tốt.

Thế nhưng, ngân sách thành phố còn nhiều việc phải làm khi những việc ấy không có nhà đầu tư nào chịu làm, cho nên mới phải tìm phương án “Win – Win – Win”, tức là “Thành phố - Người dân – Nhà đầu tư” đều thấy mình có lợi.

Thứ ba, một số ý kiến lo ngại về việc phá vỡ quy hoạch. Riêng tôi không tin rằng mọi bản quy hoạch mà chúng ta đã định ra đều là chân lý, là tối ưu, là không thể sửa đổi. Vấn đề quan trọng là khi thay đổi, cái được, cái mất đều được đong đếm cẩn trọng. Đồng thời, cũng phải chấp nhận rằng, không có phương án nào chỉ muốn cái được mà không chịu trả giá.

Thứ tư, cũng có ý kiến về việc xây nhà cao 40-70 tầng ở đây sẽ tạo thêm sức ép về hạ tầng giao thông đô thị vốn đã quá bức xúc. Nhưng may thay, tôi cho rằng đây lại là một đầu mối giao thông quan trọng với tiềm năng hệ thống hạ tầng vào hàng tốt nhất của Hà Nội hiện nay, nếu được thiết kế và đầu tư thỏa đáng.

Hẳn nhiều người còn nhớ, khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác của ngành Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, nếu không cải thiện được tư duy về hạ tầng xung quanh khu Giảng Võ, xây 10 toà nhà 50 tầng ở đó sẽ là thảm họa cho Hà Nội.

Theo Thủ tướng, phải đặt vấn đề là chưa làm nhà cao tầng ở đây đã tắc đường thì làm xong sẽ đi đường nào, chứ không phải cấm nhà cao tầng. Phải đánh giá hạ tầng xung quanh khu vực này thế nào để giải phóng mặt bằng. Phải làm hạ tầng mới làm nhà cao tầng, phải có quy hoạch theo đúng tiêu chí quy hoạch, phải làm đô thị vệ tinh, kết dẫn giao thông cao. “Tôi không cấm làm nhà cao tầng ở đây nhưng phải làm hạ tầng kết nối để giải phóng khu này cho người ta kinh doanh, cho người Hà Nội”- Thủ tướng nói.

Chính vì thế, với vùng tiểu đô thị ga Hàng Cỏ - Văn Chương, riêng cá nhân tôi cho rằng, nếu có tiềm lực về cả tài chính, trí tuệ và sự dũng cảm, ở đấy được quy hoạch thành một tiểu khu đô thị văn minh, thậm chí nếu có hẳn một tượng đài đáng tự hào tựa như tòa tháp đôi Petronas Towers có 88 tầng tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia thì cũng là cái được chứ không phải là cái mất. 

Nhà văn Nguyễn Thành Phong

Nhìn về tương lai xa, nếu có chiến lược để chuẩn bị ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ là một quốc gia có tỉ trọng thu nhập từ du lịch rất lớn vì có tiềm năng thiên nhiên để thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến. Thậm chí, du lịch sẽ là một thế mạnh của đất nước trong tương lai.

Chúng ta có một dải bờ biển dài tới 3000 km, nhiều danh lam thắng cảnh đã nổi tiếng thế giới: Vịnh Hạ Long, Vịnh Hà Tiên, biển Nha Trang, Cụm di sản văn hóa thiên nhiên Tràng An, Hang Sơn Đoòng… Nhiều lắm, các thắng cảnh thiên nhiên, lại không quá xa nhau trong hình thế đất nước dài và hẹp, ít có mấy quốc gia trên thế giới hội tụ được điều này. Nhưng khi du khách đến Thủ đô ta, mà cứ như thế này thì sẽ chán ngay, không muốn đi tiếp nữa…

Càng ngày càng chen chúc các khu cao tầng, căn hộ và trung tâm thương mại. Cái thứ đã nhàm chán trong mắt những người dân ở các nước phát triển và đang phát triển, lại bày ra ở Thủ đô để đón khách du lịch thì hấp dẫn được ai nữa? Theo tôi, không nên có một cao ốc và trung tâm thương mại, dịch vụ nào nên mọc thêm ở nội đô Hà Nội. Cần hết sức cố gắng giữ lấy những khoảng “thở” cho Hà Nội. Rất cần các dự án tạo nên khoảng không gian, các quảng trường, viện bảo tàng, là nơi tổ chức các lễ hội dân gian, văn hóa, âm nhạc…

Ở đây chỉ có thể là một trung tâm giao thông, thêm viện bảo tàng đường sắt, một rạp hát, một trung tâm sách, còn lại là một quảng trường, là một khoảng không gian thanh thản cho các lễ hội ngoài trời. 

Việc di dời nhiều trụ sở các bộ ngành, các cơ sở sản xuất cũ, các trường đại học hiện nay… ra khỏi nội đô cũ, là một “cơ hội vàng”, có khi là duy nhất cho việc đáp ứng chiến lược này ở Thủ đô ta. Hơn nữa, trước đây, khi Quốc hội thông qua việc mở rộng Thủ đô, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển, vừa có tầm nhìn cho vấn đề này. Vậy mà đến nay, khi chỉ còn một vài nơi trong nội đô, thì ta lại tính đến việc bít nốt đi thì sau này con cháu chúng ta sẽ trách cứ chúng ta thôi.

Tại sao không tiếp tục tính đến việc mở các dự án kiểu ấy ở ngoài nội đô, vừa giảm chi phí giải phóng mặt bằng, vừa tăng cường và mở rộng phát triển Thủ đô? Theo tôi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải dứt khoát “bác” mọi đề xuất trái với quy định hiện hành về cao ốc hiện nay ở nội đô Hà Nội.

Thậm chí, nếu có các dự án mới tiệm cận đến “mức trần” của quy định này, cũng cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ.

Tôi đã nghe sự giải thích, thuyết trình về dự án các cụm nhà cao ốc và trung tâm thương mại cao từ 40 đến 70 tầng đang chuẩn bị cho quy hoạch khu Ga Hà Nội, mà phát sợ. Dù đối tác thiết kế có tiên tiến đến đâu, dù có thuyết phục cách nào, thì cũng không thể chình ình, chót vót như thế ở nội đô được đâu. Không, dứt khoát không thể chấp nhận cái tư duy khai thác đất vàng kiểu ấy. Cái khu này đúng là nên giải tỏa, cải tạo, di dân sinh sống như trong các khu ổ chuột ở xung quanh ra bên ngoài.

Ở đây chỉ có thể là một trung tâm giao thông, thêm viện bảo tàng đường sắt, một rạp hát, một trung tâm sách, còn lại là một quảng trường, là một khoảng không gian thanh thản cho các lễ hội ngoài trời. Hãy xem xem, Hà Nội cổ kính, trầm tư, chiều sâu văn hóa, đã có một quảng trường nào đủ rộng cho lễ hội ngoài trời, cho người dân, cho thanh niên, cho giao lưu với quốc tế, tạo nên điểm nhấn sôi động trong thu hút khách du lịch chưa?

Khu ga Hà Nội hiện nay chính là cơ hội cuối cùng cho điều này!

Hơn một thế kỷ qua, ga Hà Nội luôn là một đầu mối giao thông vận tải quan trọng của nước Việt Nam ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Ảnh: Kháng Trần

Hơn một thế kỷ qua, ga Hà Nội luôn là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của cả nước. Ảnh: Kháng Trần

Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng (Singapore)

Trước hết chúng ta phải nhận thức rằng tầng cao của công trình không đồng nghĩa tuyệt đối với mật độ bởi còn phụ thuộc tỷ lệ chiếm đất. Những khu dân cư chen chúc nhà ống ở Hà Nội có mật độ dân số tương đương các khu chung cư cao 30 tầng ở Singapore vốn có hệ số sử dụng đất chỉ là 3 lần (hệ số sử dụng đất là tỷ số giữa diện tích sàn xây dựng trên diện tích đất).

Do đó để đánh giá xem quy mô xây dựng quy hoạch cho khu nhà ga Hà Nội là phù hợp hay chưa, chúng ta cần biết rất nhiều thông tin khác như: hệ số sử dụng đất và dân số tăng bao nhiêu so với hiện tại và hệ thống hạ tầng mới bao gồm cả tuyến tàu điện ngầm tương lai có khả năng đáp ứng sự gia tăng về dân số (nếu có) hay không. Một đánh giá tổng thể về tác động của dự án lên hạ tầng, cả kỹ thuật và xã hội, cần được thực hiện.

Tôi cho rằng việc gia tăng mật độ xung quanh các nhà ga là điều rất cần thiết. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ để phát triển theo mô hình TOD (phát triển hỗ trợ giao thông công cộng) trở thành giải pháp chứ không phải gánh nặng cho đô thị. Để thuyết phục dư luận và các nhà chuyên môn, gia tăng mật độ dọc các tuyến giao thông công cộng phải là một chiến lược tổng thể từ phía thành phố chứ không phải chỉ làm khi nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội kiếm lời. Đồng thời, những khu vực nằm ngoài các hành lang giao thông công cộng phải hạn chế mật độ đô thị.

Tôi e rằng hiện nay các hành lang giao thông công cộng, vốn được xác định từ trước, không ăn khớp với sự phân bố mật độ dân số vốn thay đổi do các quyết định dựa trên đặc thù từng dự án mà dư luận không khỏi nghi ngờ về động cơ phía sau.

Lòng tin chính là trở ngại lớn nhất đối với nhiều dự án công hiện nay. Việc thiếu lòng tin của công chúng đối với những dự án sử dụng nhiều ngân sách hay những ý tưởng "lạ tai" có cơ sở từ tình trạng tham nhũng và sự liên kết giữa công chức tha hóa và các nhóm lợi ích cho mục đích tư lợi thay vì công ích. Việc thiếu lòng tin này đồng thời cản trở những dự án tốt nhưng táo bạo và sáng tạo.

Để giải quyết tình trạng này thì chỉ có cách nhà nước thay đổi quy trình thực hiện các dự án trong đó mục tiêu và kế hoạch/quy hoạch được chủ động thực hiện bởi Nhà nước vì lợi ích chung rồi sau đó mới tìm nhà đầu tư phù hợp thông qua đấu thầu công khai. Các dự án cũng cần có sự tham vấn cộng đồng và đặc biệt là có đại diện cộng đồng trong ban quản lý hoặc đơn vị chịu trách nhiệm đấu thầu như đã thực hiện trong một dự án quy mô lớn mà tôi tham gia ở Myanmar từ 3 năm trước. 

Theo Đồ án, tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1 ha; với tổng dân số dự kiến 44.000 người. Trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).

Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lập, dưới sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd. (Nhật Bản), vị trí quy hoạch sẽ thuộc địa giới hành chính các phường như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên của quận Đống Đa; phường Cửa Nam của quận Hoàn Kiếm; phường Điện Biên của quận Ba Đình; phường Nguyễn Du của quận Hai Bà Trưng.

Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận 1/2000, Hà Nội đề xuất xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.

Về việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch; Khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông khu đất; Khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch; Khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng; Khu ga đường sắt cao 40-70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.

Đồ án cũng đưa ra đề xuất với 3 phương án thiết kế chiều cao các công trình trong phạm vi quy hoạch, các công trình cao từ 100-200 m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang. Trong đó, công trình điểm nhấn cao 200 m được nghiên cứu bố trí tại các vị trí gồm: Phương án 1 tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang; phương án 2 tại phía Đông Nam hồ Linh Quang; phương án 3 tại khu vực phía Nam hồ Linh Quang. Với 3 phương án này, Hà Nội đề xuất lựa chọn phương án 1 là bố trí 1 công trình điểm nhấn chính cao 200 m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top