Aa

Gần 10 tỷ USD nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản

Thứ Ba, 13/03/2018 - 06:01

Khoảng 60 - 70% trong 300.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương gần 10 tỷ USD) từ nay đến năm 2020, được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản. Nếu xử lý được 80% giá trị nợ xấu, thì thông qua M&A có thể đưa được hàng trăm dự án trở lại trong thị trường bất động sản.

Thông tin được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong "Diễn đàn Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM ", diễn ra sáng 9/3.

Theo Chủ tịch HoREA, năm 2018 cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Điều này sẽ tạo điều kiện tái khởi động lại các dự án bất động sản "trùm mền" đang là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu, sẽ góp phần tạo thêm nhiều hàng hóa cho thị trường M&A, mà điển hình là dự án Sài Gòn One Tower đã được VAMC xử lý vừa qua.

“Thị trường bất động sản năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về tài chính - vốn; về quan hệ cung - cầu; về tiếp cận quỹ đất đầu tư; về thủ tục hành chính. Nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017”, ông Châu chia sẻ.

Mặt khác, theo ông Châu thị trường vẫn có nhiều điểm tích cực nhìn từ góc độ vĩ mô, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Năm 2017, nền kinh tế cả nước đã tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt, giữ vững ổn định vĩ mô, GDP đạt 6,81% cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng đạt 18%. Thị trường bất động sản TP.HCM và cả nước tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, cũng trong năm qua, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 5,2 tỷ USD (chiếm 50% lượng kiều hối cả nước), tăng 4,5% so với năm 2016 và có khoảng 22% đầu tư vào thị trường bất động sản. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 35,88 tỷ USD, tăng 1,67 lần so với năm 2016, và tỷ lệ giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, nguồn vốn FDI đầu tư vào thị trường bất động sản chiếm khoảng 8,5% tổng nguồn vốn FDI, đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại TP.HCM.

Hai tháng đầu năm 2018, nguồn vốn FDI tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 3,34 tỷ USD, trong đó, có 312 triệu USD, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chiếm 9,3% nguồn vốn FDI. Các doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác đầu tư với doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới hình thức mua cổ phần, hoặc góp vốn đầu tư, hoặc cho vay vốn.

Chủ tịch HoREA dự báo giá bán nhà ở năm nay sẽ không có biến động lớn, các dự án "bất động sản xanh, thông minh", có không gian sống an toàn, thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là xu thế lựa chọn của người tiêu dùng trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top