Aa

"Gần địa lý nhưng lại xa thủ tục thì chết dở"

Thứ Tư, 13/09/2017 - 06:01

Đó là lưu ý của bà Bùi Thị An khi trao đổi với Reatimes về việc Hà Nội dự định chuyển hết các sở, ngành về 2 khu liên cơ quan. Theo Bà An, khâu thực hiện các thủ tục hành chính phải thật nghiêm chỉnh thì việc các cơ quan tập trung gần về địa lý mới có tác dụng, nếu thủ tục cùng rườm rà thì việc tập trung này sẽ vô nghĩa.

Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thành phố chủ trương xây dựng hai khu liên cơ quan để dồn chuyển toàn bộ các sở, ngành về làm việc tại quận Hồ Tây và quận Hai Bà Trưng. Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hai khu liên cơ quan, toàn thành phố chỉ có hai khu vực tập trung các sở, ngành. Điều này được đánh giá rất thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp liên hệ làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính.

Hiện nay, khu liên cơ quan thứ nhất của thành phố đang được xây dựng trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) rộng 4.000m2. Theo dự tính cuối năm 2017, các cơ quan, gồm các sở: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ chuyển về.

Xung quanh thông tin trên, Reatimes đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, Đoàn ĐBQH Hà Nội về chủ trương trên.

PV: Hà Nội đang dự tính, từ cuối năm 2017 sẽ chuyển 8 sở, ngành về làm việc tại khu liên cơ quan trên đường Võ Chí Công. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An: Về nguyên tắc, nếu điều kiện kinh phí cho phép thì nên như vậy. Tuy nhiên, bây giờ phải xem trong hoàn cảnh hiện tại, tổng kinh phí có lớn không? Đương nhiên việc tập trung là tốt nhưng cần cân nhắc về kinh phí.

Một vấn đề nữa là tất cả những cơ sở cũ trong giai đoạn chưa xây dựng phải được tận dụng. Nếu đã xây dựng trụ sở mới rồi thì phải xem cơ sở cũ sẽ dùng làm gì, chứ không được phép lại xây chung cư cao tầng...

Ví dụ như vừa rồi, một số nơi vừa di dời được trường đại học ra ngoài, người ta lại không thay bằng công trình văn hóa mà lại xây chung cư cao tầng, khách sạn thì bất hợp lý.

Các cơ sở cũ hiện đang tản mạn ở khắp nơi cần phải tận dụng và đề nghị sử dụng gì thì phải có phương án để thành phố duyệt trước, chứ không lại dẫn đến tình trạng về nơi làm việc mới rồi nhưng vẫn "om" trụ sở cũ. 

Thứ hai là trụ sở cũ có thể được trả rồi nhưng lại bị sử dụng sai mục đích, không đúng với quy hoạch. Quy hoạch ở đây là quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch mang tính chất kinh tế, thẩm mỹ và văn hóa của Hà Nội.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh:

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Đại Đoàn Kết

PV: Bà vừa cho rằng việc dồn các Sở, ngành về khu liên cơ quan sẽ tạo thuận lợi cho công việc. Bà có thể nói rõ hơn về những mặt thuận lợi khi các cơ quan được tập trung về một mối?

Bà Bùi Thị An: Thuận lợi thứ nhất là trong điều hành. Bây giờ, chúng ta đang triển khai Chính phủ điện tử, ngồi đâu người ta cũng có thể điều hành được. Tuy nhiên, khi tập trung vào đó thì việc điều hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, việc kiểm tra sẽ thuận tiện hơn và đỡ mất thời gian cho người dân.

Mặt khác, việc tập trung lại có cái lợi là sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại. Giả sử lãnh đạo UBND TP triệu tập cuộc họp, tất cả các sở, ngành đã ở một khu sẽ đỡ đi việc rong ruổi ô tô từ các nơi đến. Gọi cái đến ngay được thì rất tốt.

Ở đấy thuận lợi trong việc tập trung chỉ đạo và bớt đi được chuyện tốn thời gian đi lại khi được triệu tập hay các đồng chí lãnh đạo cấp cao kiểm tra công việc, một buổi sáng có thể làm việc với mấy sở liền.

Do đã có quy hoạch cho nên ngay cả chỗ đỗ xe cũng tốt hơn, mọi xe dồn về một mối. Không phải mỗi anh một góc. Vì vậy, sẽ rất có lợi trong việc chỉ đạo, kiểm tra thực tiễn, phối hợp công việc.

Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục hành chính phải thật nghiêm chỉnh thì việc gần về địa lý mới có tác dụng, nếu không sẽ vô nghĩa. Phải yêu cầu rất nghiêm ngặt về quy chế làm việc và kết hợp, phối hợp liên ngành chứ không gần địa lý nhưng lại xa thủ tục thì chết dở. Do đó, đề nghị các đồng chí lãnh đạo phải tính trước việc này.

PV: Về phương án sử dụng trụ sở cũ, theo dự tính, sau khi các cơ quan chuyển đi, Hà Nội sẽ cho đấu giá các khu đất cũ để lấy tiền xây một khu liên cơ khác. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An: Về nguyên tắc những sở cũ đều nằm trong nội đô nên giá rất cao, nếu đem đấu giá phải hết sức công khai, minh bạch và phải theo giá thị trường.

Tuy nhiên, các lãnh đạo nên duyệt theo quy hoạch. Tức là đất cũ nhưng phải xem quy hoạch và phải tuân thủ tuyệt đối quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tiên đất cũ phải phục vụ đúng mục đích, đúng quy hoạch ở vùng cũ.

Một khu liên cơ quan đã được Hà Nội xây dựng trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Kháng Trần

Một khu liên cơ quan đã được Hà Nội xây dựng trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Kháng Trần

Thứ hai, trên cơ sở đó có quyền mang ra đấu giá. Việc đấu giá này phải minh bạch. Tuy nhiên, không được sử dụng sai mục đích. Tức là vùng đó đã được quy hoạch chỉ được xây nhà 5 tầng thì anh đấu giá được cũng không được xây khách sạn 20 tầng. Mục đích sử dụng phải rõ ràng và phải tuân thủ quy hoạch trước đây đã duyệt.

Về phương thức đấu giá phải minh bạch từ đầu. Giá khởi điểm bao nhiêu cần công khai tất cả để mọi người tiếp cận, tránh thiệt hại cho Nhà nước và tiền đó có thể tận dụng sử dụng cho việc khác thì rất tốt.

PV: Việc bán đấu giá mục đích là để thu được tiền cao nhằm xây dựng công trình khác. Tuy nhiên, nếu quy định không được xây nhà cao tầng khi đấu giá được trụ sở cũ, liệu doanh nghiệp có tham gia, thưa bà?

Bà Bùi Thị An: Họ có đủ cách. Bây giờ đấu giá thì dứt khoát phải hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp, chứ không được phép nghiêng về bên nào.

Anh có thể kinh doanh khách sạn nhưng không phải khách sạn nhiều tầng hay có thể xây nhà theo hình thức homestay. Vì vậy, nếu anh đáp ứng được yêu cầu tôi sẽ cho đấu giá. Anh cảm thấy có lời thì vào chứ dứt khoát phải giữ mục đích, không được phá vỡ quy hoạch.

Thực ra mà nói, những vị trí đó đều là “vị trí vàng” cho nên chỉ cần xây thấp tầng người ta vẫn có thể khai thác được. Còn bao giờ doanh nghiệp cũng đều mong có lợi cho mình. Vì vậy, dù có tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì cũng phải hài hòa.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top