Aa

Gần lắm Điện Biên!

Thứ Bảy, 07/05/2022 - 06:15

Xa rồi Điện Biên, nhưng có một Điện Biên giăng mắc ở trong lòng, đan vào tôi bao nỗi niềm, nỗi nhớ thổ cẩm bởi: Gần lắm Điện Biên!

Có một Điện Biên gần lắm trong lòng người dân đất Việt. Gần như tấm huy hiệu chiến thắng Điện Biên có hình ảnh người chiến sỹ đội mũ nan, dương súng dưới lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” phập phồng trên ngực trái tim người lính Điện Biên. Gần như tên đường thân thiết Điện Biên Phủ ở Hà Nội có cột cờ Thủ đô phấp phới bay lộng gió. Gần như cái tên gọi trìu mến của bạn bè quốc tế khi hô vang “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. 

Gần như chiến công 12 ngày đêm, một “Điện Biên Phủ trên không” hạ pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ, một Điện Biên Phủ trở thành danh từ chung biểu tượng cho ý chí quật cường và chiến thắng vẻ vang của lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta. Điện Biên gần lắm trong câu hát với “Nhịp hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân mà âm vang vẫn còn vọng đến hôm nay. Điện Biên gần lắm với không khí náo nức ca vang chiến thắng trong bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu:

Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non  

Gan không núng

Chí không mòn... 

Điện Biên gần lắm khi những chiến sỹ xung kích đào hầm đánh lấn trong tiểu thuyết “Xung kích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Gần lắm Điện Biên với những mảng màu vàng, đỏ chói gắt mà bừng lên ánh sáng trong kiệt tác bức tranh sơn màu thật ấn tượng “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng. Ông đã khắc họa rõ nét không gian của buổi lễ kết nạp Đảng ở một góc chiến hào chật hẹp giữa thời khắc cam go của hai trận đánh… 

Điện Biên gần lắm khi những chiến sỹ xung kích đào hầm đánh lấn trong tiểu thuyết “Xung kích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi... (Ảnh minh họa: Internet)

Chúng tôi đã lên Điện Biên bằng con đường năm xưa cha anh đã kéo pháo, chở hàng đi chiến dịch. Chợt vang vọng trong tôi câu thơ tài hoa của nhà thơ Quang Dũng:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Đường lên Điện Biên có vẻ đẹp hoang sơ, thấp thoáng bóng sơn nữ trên những sườn núi, các thửa ruộng bậc thang lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo mùa lúa chín. Xa xa, một vài nếp nhà sàn mái tranh bàng bạc. Những cái tên như: Cò Nòi, Pha Đin, Thẳm Púa, Chằng Xồm, Tằng Quái… lần lượt hiện ra gợi lên nét hoang dã thăm thẳm.

Tôi có cảm giác Tây Bắc thật thơ mộng và đắm đuối, đắm đuối với làn khói cơm nếp thơm, đắm đuối cả những khúc sông, chợt thắt lại, chợt mở đến thót lòng. Đắm đuối từng đôi mắt cô gái Thái đa cảm, đến búi tóc tằng cẩu trên đầu. Đắm đuối cả hàng cúc bạc như những con bướm trắng đính hờ trên bộ ngực duyên dáng. Tây Bắc, Điện Biên bất chợt và huyền thoại, cảm giác thảng thốt luôn thường trực trong tôi khi đắm mình trong văn hóa Thái.

Đường lên Điện Biên có vẻ đẹp hoang sơ, thấp thoáng bóng sơn nữ trên những sườn núi, các thửa ruộng bậc thang lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo mùa lúa chín... (Ảnh minh họa: Internet)

Tôi mang theo cuốn tùy bút "Sông Đà" nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân dở ra một trang ngẫu nhiên gặp ngay bài "Xòe". Ông nhà văn được mệnh danh là người phù phép cây chữ này đã viết: "Người miền xuôi yêu thơ Kiều dài 3.254 câu lục bát như thế nào, thì người Thái trắng, Thái đen đã yêu quý 1.600 câu thơ “Sóng chụ xon xao” (Tiễn đưa dặn dò người yêu) như thế. Dọc những cánh rừng đã qua mùa hoa ban tháng ba là bạt ngàn hoa dẻ và tiếng ve vào hè. Tiếng ve thổn thức âm âm từ lòng rừng như tiếng của ngàn xưa úp mặt vào cây mà tình tự mà ấm ức mà dát mỏng cái nắng ngọt đầu mùa và chăng những sợi chỉ đỏ thổ cẩm trong khí trời, khí đất". 

Gần lắm Điện Biên, khi ta gặp những bản làng được thay da đổi thịt bởi những nếp nhà khang trang lợp ngói đỏ với những nét hoa văn chạm trổ cầu kỳ. Nếp nhà sàn đồng bào người Thái liên quan đến câu chuyện cổ tích về loài rùa gợi ý cho con người hình dáng cái mái “vòm khung mai rùa” (Tụp cống). Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở khai thiên lập địa, tổ tiên họ được thần rùa dạy cách làm nhà theo kiểu con rùa đứng, trông vào đấy mà tưởng tượng chân rùa là những cột nhà, mai rùa là mái nhà. Do vậy hai đầu chái của người Thái đen có dáng khum khum như hình cái mai rùa.

Cách phân biệt bản người Thái đen và Thái trắng bằng cách nhìn vào kiểu kiến trúc nhà sàn của họ: Nhà sàn Thái đen không có hàng lan can khác với Thái trắng nhưng hai đầu hồi nhà lại có họa tiết khau cút trông rất mơ mộng. Khau cút là hình tượng mà người Thái quan niệm: “Dù bất cứ phương trời nào khi làm nhà, nhớ hãy gắn trên nóc chái nhà một cái dấu tương tự như hình mặt trăng khuyết để sau này các thế hệ qua đó nhận ra dòng tộc người Thái”. 

Thung lũng Điện Biên Phủ là một trong những nơi tập trung nhiều “linh hồn bất tử” như nghĩa trang Trường Sơn. Cổng ngoài nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên xây bằng đá xám gợi cảm giác mơ hồ như mình đang đứng trước một cổng thành cổ từ thời xa xôi nào đó. Khoảng trống mênh mông bạt ngàn bia mộ trắng mà đại tá nhà thơ Anh Ngọc trong bài thơ “Trời Điện Biên mây trắng” đã viết:

Trời Điện Biên mây trắng

Trắng màu khói na-pan

Màu khói bom khói đạn

Đọng đến giờ chưa tan.

Và ông ngậm ngùi với biết bao xúc động trước: 

Trời Điện Biên mây trắng

Màu mộ chí hàng hàng

Màu bạc đầu bạn cũ

Tìm nhau trong nghĩa trang.

Từ xa đã thấy hai cây đại cổ thụ tỏa hương dịu dàng. Tên các liệt sỹ được tạc bằng đồng gắn kín hai dãy tường đá, nắng sớm chiếu vào các con chữ vàng rực xúm xít như bầy ong khổng lồ chuyển rừng. Các nấm mộ trắng như những phím đàn piano ngân bản hùng ca bất tử. Cả nghĩa trang có 640 ngôi mộ mà tấm bia nào cũng chỉ ngời lên ngôi sao màu đỏ không tuổi, không tên. Nhưng các anh không bao giờ vô danh, chúng tôi gọi các anh bằng cái tên chung: Chiến sĩ Điện Biên! Chiến sĩ Điện Biên mũ nan tre choàng lưới, dép lốp cao su đạp núi băng rừng, áo trấn thủ như khối bộc phá. Huyền thoại Điện Biên bao giờ cũng nhuốm sắc màu lãng mạn, linh thiêng. Hút trên vòm trời xanh trong của cánh đồng Mường Thanh, một đàn chim đập cánh bay về phía núi như vong linh các anh trở lại với rừng. 

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú bên mộ Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót (cùng quê Hà Tĩnh)

Vào thăm bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ tôi ngẩn ngơ trước những chiếc xe đạp thồ cõng trên mình những bì gạo tròn căng. Nghe cô hướng dẫn viên cho biết: Mỗi đêm xe thồ có thể đi được 25km trong khi ô tô chỉ nhích được 15km; ngoài chở lương thực và súng đạn, xe đạp thồ còn chở cả thương binh. Mỗi tổ xe thồ có 3 người để đảm bảo cho xe lên và xuống những con dốc cheo leo hiểm trở.

Một nhà báo Pháp đã ví những chiếc xe đạp thồ này là “dòng sông sắt huyền thoại”. Ông viết: “Trong cuộc tranh cãi vì sao Pháp thua trận sau này, không ít tướng Pháp đã đổ tội cho việc chưa hề có binh thư nào của phương Tây đề cập đến các kỹ thuật kém hiện đại ấy. Lấy xe đạp của người Pháp cải tiến thành xe vận tải không động cơ là phát triển kỳ diệu của người Việt Nam. Từ tháng 12/1953 cho tới hết chiến dịch Điện Biên Phủ có hơn 20.000 xe đạp thồ cõng trên mình từ 200 - 400kg như những dòng sông nhỏ chảy len lỏi quanh co khắp núi rừng Tây Bắc. Phương tiện vận tải thô sơ này được điều khiển bởi những con người ăn không đủ no, ngủ trên những mảnh ni lông trải trên mặt đất, đạt tốc độ cao hơn cơ giới”.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú trên đồi A1

Thăm nhà bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ tôi đã bồi hồi xúc động viết:

Trên sa bàn hiện lên
Chấp chới bao trận đánh
(Những trận đánh không có người ngã xuống
Sao lưng ta vẫn buốt đến bây giờ?)

Trước chân dung những người đã khuất
Ta gọi tên đồng đội run run
Như chính ta mới đi qua cơn sốt

Bao xóm làng ta qua
Bao bản mường ta gặp
Cánh đồng Mường Thanh
Đồi Him Lam, Độc Lập…
Những tên đất, tên người quên thuộc
Sao ở đây rất đỗi thiêng liêng
Dẫu hiện vật không còn nhuốm đất

Và ta cứ bâng khuâng
Sợ mình đánh mất
Những kỷ niệm cuộc đời
Những vui buồn có thật
Ở trong ta không lưu giữ trưng bày
Cứ sợ mình đánh mất
Ta lại tìm tới đây…

Trước khi rời Điện Biên, chúng tôi được giao lưu với đội văn nghệ bản Ten. Những cần rượu vít cong, những khuôn mặt ửng hồng cô gái Thái trong những bộ quần áo cóm truyền thống dân tộc. Chúng tôi được sống trong không khí thân thiện cởi mở, ân tình như cách nói của người dân tộc Thái: “Đũa cong không ăn được/ Bụng cong không ở được”. Xa rồi Điện Biên, nhưng có một Điện Biên giăng mắc ở trong lòng, đan vào tôi bao nỗi niềm, nỗi nhớ thổ cẩm bởi: Gần lắm Điện Biên!

Hà Tĩnh, ngày 28/4/2022

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top