Aa

Nhớ thương đời chợ

Thứ Hai, 25/04/2022 - 06:12

Ôi những cái chợ quê như là văn hóa làng không thể thiếu được. Như là một chân dung làng, lại như là một mảnh hồn làng cứ đeo đẳng miết vào trí nhớ...

Mẹ tôi là người gắn bó với chợ ngay từ nhỏ. Bà kể, bà ngoại tôi gánh đôi thúng đi chợ, một bên là mẹ tôi ngồi, một bên là những thứ cần bán và khi về đựng những thứ đã mua. Mẹ tôi ngồi lọt thỏm trong cái thúng, hai tay giữ chặt vành thúng gần như đối trọng lại những rau, với những cá, những tôm, những áo, những vải và không bao giờ thiếu quà chợ, khi thì những bánh đa nướng, bắp ngô luộc… Rồi mẹ lớn lên đi chợ buôn cá.

Mẹ đi chân đất từ nhà lên chợ huyện phải qua cái eo núi chập chùng gọi là “qua yên” bởi cái eo giống như yên ngựa. Mẹ tất bật cuồng chân vừa đi vừa chạy “chạy như chạy cá tươi”, vì thuyền đánh bắt về cá đang giãy đành đạch, tươi roi rói. Bởi thuở ấy biển chưa “chảy máu trắng” mất cá như bây giờ. Thuyền chèo ra khỏi mũi lố khoảng vài hải lý đã đủ thứ cá, mà cái con cá khi tươi được giá nhưng ươn lại mất giá.

Mẹ bảo: “Buôn ở chợ cũng phải học - học từng mẹo mực bán hàng, rao hàng”, nhìn khách mà nói giá, người quen, người lạ, đàn ông đi chợ hay đàn bà. Người già hỏi mua khác người trẻ, có người cần ngon, có người cần rẻ. Nhưng đến chợ là vui rồi, vì thế sinh ra chuyện thêm bớt, mặc cả. Mặc cả để giao đãi, mặc cả để nâng lên đặt xuống, khi ấy món hàng mới có giá trị. Mua mà được thêm dù chỉ là chút ít cũng đã hồ hởi như được cộng niềm vui, được lộc. Bà ngoại đã dạy mẹ tôi cách đếm cá, bao giờ một chục - 10 con thêm vào thành 12 con mới gọi là chục chẵn, chứ đủ 10 con gọi là chục trụi, mà người đời chẳng ai muốn trụi cả. Cái ân đức của con người có khi là sự dôi ra nhưng không thừa…

Thuyền chèo ra khỏi mũi lố khoảng vài hải lý đã đủ thứ cá, mà cái con cá khi tươi được giá nhưng ươn lại mất giá... (Ảnh minh họa: Internet)

Chợ cá quê tôi gọi là chợ Gò, họp ngay trên gò cá. Thuyền về từ 3 - 4 giờ sáng cập bến là cá tươi được đưa lên gò, khách mua người bán thường dùng đèn để soi. Những mớ cá còn tươi roi rói, những con mực hai mắt như còn nhóng nhánh chấp chới, kẻ bán, người mua trao nhau cá tươi, tiền tươi. Các ngư phủ nhìn thành quả lao động của mình thật hài lòng rít thuốc và niềm vui của họ được nhân lên khi loáng một cái chợ cá đã họp xong tản về các nơi. Chứng tỏ những mẻ cá đêm qua thật ngon, bán được giá.

Lại có những chợ cá họp tạm gọi là chợ Đón. Nghĩa là một nhóm người tụ tập nơi một vệ đường nào đó có bóng mát cây xanh, họ dựng tạm lên một cái lều tre, lợp tranh và quạt cá nướng bán cho khách đi đường qua lại. Những mẻ cá nướng còn hôi hổi, rin rỉn mỡ bóng loáng thật thơm trong ngọn gió đồng quê kích thích còn tì, còn vị lắm lại được gói vào lá chuối vườn thật bắt mắt. Các dòng cá cứ thế theo xe máy lên chợ tỉnh, chợ huyện (chợ xa) còn xe đạp thì “chảy” vào các thôn, các xóm như kiểu chợ làng. Chợ cá cứ thế “di động” chuyển chỗ neo đậu lại những nơi cần bán rồi lại nhổ sào di chuyển đến nơi khác. Có một điều lạ là chợ cá ít khi nói thách, họ cứ ước lượng và ra giá theo mớ, theo con (nếu cá to). Còn với cá nướng thì có thể đủng đỉnh cà kê.

Lan man chợ cá nhiều khi tôi nghĩ đến đời chợ và đời người. Có những con người số phận gắn với chợ cá chỉ bán một hoặc hai loại hải sản riêng biệt. Ví như có bà Chắt Bảy chuyên bán tôm biển từ tôm hùm đặc sản đến tôm tít, tôm đáy có sọc như ngựa vằn. Các ngư phủ đánh bắt được tôm ngoài biển hay tôm đóng đáy trên sông đổ ra cửa lạch biển đều bán riêng cho bà. Bà ngồi một vị trí từ tháng này qua năm khác, định vị đời mình ở đó. Bao lớp tôm qua tay bà và chỉ có bà bằng độ mẫn cảm kinh nghiệm của mình mới xác định nhanh chóng chất lượng và ngư trường đánh bắt các loại tôm này.

Trên tường nhà bà treo rất nhiều vỏ tôm hùm luộc đỏ au, có con to phải vài ký mà ngư phủ lặn xuống bắt ở rạn đá. Bức tường như một bảo tàng tôm còn tuổi tác của bà càng ngày càng đi thụt lùi, lưng bà ngày càng võng xuống cong... như tôm. Rồi đến đời con gái của bà cũng chỉ buôn tôm và cũng chỉ ngồi ở vị trí đó của mẹ.

Những con tôm có số phận búng giật thót mình thì đời người bán tôm cũng thon thót búng tanh tách, có khi dựng râu tôm hệt như một ăng-ten để “đo nhiệt” giá cả của hải sản và của cả đời thường. Lại có người chuyên buôn mực và họ hiểu được cặn kẽ các mánh khóe của những người ở các vùng quê khác đến mua mực ở chợ cá này để rồi lại tiếp tục buôn mực. Họ mua hàng thật của chợ cá sau đó về gia công thành hàng nhái đưa đến các vùng quê xa, thành phố xa để bán. Những người buôn mực ở chợ cá đã kể cho tôi nghe công nghệ của những người buôn mực kia, từ mực tươi phơi khô thường là loại mực câu, mình dày, nướng thơm, ăn ngọt. Để tăng cân và nâng cấp mực to lên thành loại 1, loại 2, những người ấy lấy bàn là, là con mực mỏng ra, to hơn sau đó rải xuống nền đất ẩm qua đêm để hút chất đất tạo ra một lớp màu phấn trắng như muối nước biển trông bắt mắt hấp dẫn. Nhưng khi mang về nhà nướng lên khét lẹt mùi đất và thịt mực khô... như gỗ 

Mặc cả để giao đãi, mặc cả để nâng lên đặt xuống, khi ấy món hàng mới có giá trị... (Ảnh minh họa: Internet)

Đời chợ cũng qua bao phen nổi chìm. Có chợ đình, chợ quán; chợ hôm, chợ mai; chợ phủ, chợ huyện, chợ tỉnh; chợ đón, chợ phiên. Rồi có những chợ mang tên sản vật riêng bán mua như: Chợ trâu (bò) hay mang tên địa danh như: Chợ Nhe, chợ Nghèn… Sau này lớn lên được đi đó đây khắp mọi vùng quê đất nước, tôi lại biết thêm: Chợ nổi - chợ họp trên sông (như chợ nổi Cái Răng) ở miền Tây Nam Bộ, chợ tình (như chợ tình Sa Pa)… Ký ức chợ mang theo cả ký ức làng, ký ức của mỗi đời người.

Cứ vào chợ ta là ta biết được nếp sống, mức sống, phong tục tập quán, thổ ngữ qua lời ăn tiếng nói, qua sản phẩm đặc sản bán mua, qua giao tiếp bày đặt quán hàng. Ôi những cái chợ quê như là văn hóa làng không thể thiếu được. Như là một chân dung làng, lại như là một mảnh hồn làng cứ đeo đẳng miết vào trí nhớ.

Chợ quê bán đủ thứ từ cái chi li bé nhỏ như kim chỉ vá may, như nhúm bồ kết hay bó rau mùi thơm gội tóc. Để nhặt từng đồng tiền lẻ, đồng tiền nhảy lò cò qua từng lóng mía như một nhà thơ đã viết. Thế mà bao việc làng, việc nước cứ rộng dần ra.

Bao đứa con lớn lên đi xa được học hành cũng từ gánh hàng vặt của mẹ. Cái niềm vui đi chợ không những là được chào hỏi như một nhu cầu giao tiếp của người Việt mà còn được tự tay mình chọn lựa, nhất là các món hàng sống. Cũng mua một con gà vào siêu thị là những con gà mổ sẵn, ép đông lạnh. Ở chợ quê, tay ta có thể lùa vào đôi cánh gà lông mượt, được sờ vào cái ức gà nần nẫn thịt, được ngắm cái mào đỏ tươi, được nghe tiếng “quang quác…” quen thuộc.

Các sản phẩm có gì xa lạ đâu mà thành đặc sản cả. Như món rau lang luộc chấm muối vừng, như món dam (cua đồng) có sẵn ở các hốc ruộng thành đặc sản bún riêu cua. Nhưng cái thời đó cũng đã qua. Thuốc trừ sâu đã diệt tận gốc. Còn đâu con cua đồng bé nhỏ, tám cẳng hai càng thao láo mở con mắt ngơ ngác nhìn ta nữa. Nhưng ở chợ quê vẫn giữ được cái độ tin cậy khi mua hàng quen, người quen bởi ngày nào chẳng gặp nhau.  

Chợ cá làng biển... (Ảnh minh họa: Internet)

Đời chợ cũng bao lần thay đổi. Những khu chợ mới được dựng nên khang trang hơn, che mưa che nắng. Rồi siêu thị văn minh hiện đại hợp với tốc độ của cuộc sống. Nhưng ở những miền nông thôn xa xôi thì đời chợ vẫn còn thương hiệu, cái thương hiệu không cần treo bảng giá. Giờ mẹ đã già không còn chạy chợ. Nhưng thỉnh thoảng người vẫn thích đi chợ, đi chơi chợ, đi thật ung dung, thư thái. Mẹ rẽ hàng, qua hàng gạo, lại vào hàng xén. Thân quen, gần gũi, nhưng lại như mới thấy lần đầu!

Về già mẹ có hai thú vui, hai nơi hay lui đến. Đó là lên chùa tĩnh lặng, tay lần tràng hạt đắm chìm siêu thoát trong cõi  thiện. Và đến chợ nơi ồn ào bán mua để tìm lại tiếng chợ ngày xưa, tiếng chợ rào rào như một đàn ong khi ở xa, tiếng chợ mời mọc đón đưa khi ở gần. Có bán chanh đây nhưng đâu có “chanh chua”. Có bán đinh (đanh) đấy nhưng đâu có “đanh đá”.

Đi chùa về mẹ tôi thích nói năng hơn, đi chợ về mẹ tôi lại hay kín tiếng. Hình như chợ ngày nay có gì khác chợ ngày xưa mà trong đôi mắt buồn của mẹ có lúc thảng thốt. Nhưng chính chợ và chùa đã neo giữ mẹ tôi sống nốt những ngày thanh thản, tuy có chút ưu tư, nhưng bao giờ người cũng cân bằng, không nghiêng ngả. Đời chợ thì dài mà đời người sao lại ngắn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top