Aa

Nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình

Thứ Bảy, 30/04/2022 - 06:06

Nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh và cái giá của hòa bình. Hiểu để tin yêu hơn và trách nhiệm hơn!

Kỷ niệm 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), NXB Hội Nhà văn vừa ra mắt tập tự truyện Đi tìm một vì sao của cựu phóng viên chiến trường Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tác phẩm hơn 600 trang khổ lớn gồm 3 phần, nhưng tôi đặc biệt hứng thú khi đọc phần thứ hai có tiêu đề Chào Mẹ con đi để được làm người!. 

Đó là phần kể lại những câu chuyện, sự việc mà tác giả được can dự và chứng kiến trong khoảng 5 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bắt đầu từ khi ông tạm biệt Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện “gác bút nghiên ra trận”, hành quân gần 7 tháng vượt Trường Sơn đầu năm 1971, vòng qua Lào và Campuchia để vào chiến trường Nam bộ. Rồi những ngày ở “R”; những ngày nằm vùng bám dân bám đất ở miền Đông, ở “vùng ven”, ở Tây Ninh, ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng năm 1975… 

Tập tự truyện Đi tìm một vì sao của cựu phóng viên chiến trường Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Chào Mẹ con đi để được làm người ngồn ngộn hiện thực chiến tranh, đầy ắp vốn sống chiến trường, trong đó có câu chuyện tôi đặc biệt ấn tượng: Một lần vào nhà thím Năm ở xã Hữu Đạo (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), tác giả nhìn thấy ở phòng khách có tới 3 ban thờ, hỏi thì thím cho biết: Ban giữa thờ chú Năm bị chết vì giẫm phải mìn ngoài đồng. Hai bên thờ 2 con trai, một người là “lính quốc gia”, một người là quân Giải phóng, nên phải lập 2 ban thờ riêng… Tác giả viết: Thím Năm đang phải chịu nỗi đau tột cùng. Những nỗi đau như thế giằng xé biết bao trái tim người mẹ Việt Nam. Khát vọng hòa bình và ước mong hòa hợp dân tộc thật gần gụi, thiết thân và cụ thể…

Và tác giả liên hệ bản thân: “Tôi thương thím Năm như thương mẹ tôi. Cái ngày hai em gái tôi chết vì bom Mỹ, một em trai bị thương sau đó cũng qua đời, nếu không vì thương tôi còn sống thì mẹ đã gieo mình xuống dòng sông Mã… Trước ngày tôi lên đường đi B, bà con ruột thịt gọi tôi đến ăn cơm từng nhà. Dẫu không nói ra nhưng trong lòng ai cũng thầm nghĩ, nhỡ tôi hy sinh ở chiến trường thì bữa ăn hôm nay là bữa cơm cúng dành cho người đang sống…” (trang 251, sđd).

Câu chuyện của ông cựu phóng viên chiến trường trên đây khiến tôi nhớ về ký ức chiến tranh của tôi trong một ngôi làng miền Trung, trước cửa ngõ chiến trường Trị Thiên. Hồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người ta gọi quê tôi là “tuyến lửa”. Những năm tháng ấy, tuổi thơ chúng tôi hầu như phải sống phía dưới mặt đất. Ban ngày thì đến trường dưới lòng hào giao thông chằng chịt khắp đường làng ngõ xóm. Lớp học cũng nửa chìm nửa nổi ngang lòng hào giao thông, bốn phía còn đắp thêm ụ đất để tránh mảnh bom, bên trên là những tấm phên đổ cát dày chừng một gang tay để chống bom bi và lửa na-pan.

Ban đêm, chúng tôi chui xuống hầm kèo chữ A học bài dưới ánh đèn phòng không tù mù rồi ngủ luôn dưới đó để đề phòng tàu bay Mỹ ném bom tọa độ, chạy không kịp. Hết năm này sang năm khác cứ phải chui rúc như thế, chúng tôi chỉ ao ước bao giờ yên hàn để được tung tăng chạy nhảy trên mặt đất, tung tăng đến trường trên những con đường làng rợp mát bóng tre… Sau này lớn lên, chúng tôi hiểu đó không chỉ là ao ước của những đứa trẻ chúng tôi, mà là khát vọng hòa bình của cả dân tộc!

Hồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người ta gọi quê tôi là “tuyến lửa”. Những năm tháng ấy, tuổi thơ chúng tôi hầu như phải sống phía dưới mặt đất... (Ảnh minh họa: Internet)

Hồi đó ở làng tôi, nếu có một đoàn cán bộ xã mà có đủ “bộ tứ” là Chủ tịch Ủy ban hành chính hoặc Bí thư Đảng ủy, Xã đội trưởng, Hội trưởng Phụ nữ và Trạm xá trưởng, là dân làng thót tim dõi theo từng bước chân của họ, bởi chắc chắn đó là đoàn đi báo tử. Và mỗi khi đoàn rẽ vào ngõ nhà nào là ngay lập tức trong nhà dậy lên tiếng khóc thét đau đớn của bà mẹ, của vợ con, chị em... Có người ngã lăn ra bất tỉnh. Vì thế, đoàn báo tử lúc nào cũng phải có anh Trạm xá trưởng mang theo túi thuốc cấp cứu... Vài hôm sau khi báo tử, lễ truy điệu liệt sỹ được tổ chức tại hội trường Ủy ban hoặc nhà kho Hợp tác xã. Lại những tiếng khóc não nề được dìu từ nhà liệt sỹ đến hội trường hoặc nhà kho. Dân làng nhiều người cũng khóc. Đám con nít chúng tôi đứng khép nép sau lưng người lớn, nhiều đứa cũng thút thít sụt sùi… 

Hồi đó, hầu như tháng nào làng tôi cũng có vài cuộc báo tử và lễ truy điệu. Đau xé ruột gan như thế, nhưng làng tôi vẫn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp trai làng lại tiếp bước nhau ra trận, hết năm này sang năm khác, hết đợt tòng quân này lại đến đợt Thanh niên xung phong khác. Nhiều nữ sinh đang học dở cấp 2, cấp 3 cũng hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường... Hàng trăm người con ưu tú của làng tôi đã ngã xuống trên các chiến trường. Nhiều người đến hôm nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ. Tôi dám chắc ngôi làng nào trên đất nước ta cũng đều giống làng tôi như thế. Và tôi hiểu đó là cái giá của khát vọng hòa bình mà dân tộc ta phải đánh đổi…

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, những tưởng khát vọng hòa bình của dân tộc ta đã được thực hiện trọn vẹn, nào ngờ đất nước lại chồng chất khó khăn, thách thức: Hậu quả nặng nề và toàn diện sau mấy chục năm chiến tranh; cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước; cuộc chiến đấu giúp nước bạn thoát họa diệt chủng; sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch… Và đặc biệt là những yếu kém trong tư duy kinh tế và quản lý xã hội giai đoạn trước đổi mới, khiến đất nước như lên cơn sốt với “tốc độ phi mã” của lạm phát, trượt giá… cùng những tiêu cực xã hội và sự li tán lòng người… “Cùng tắc biến”, công cuộc Đổi mới, rồi Hội nhập hơn ba chục năm qua đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. Đó là điều không chỉ chúng ta tự hào nhìn nhận, mà còn là sự thật được bạn bè quốc tế công nhận. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, càng thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. 

Hà Nội

“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. (Ảnh minh họa: Dân trí, VnExpress)

Vừa lãnh đạo chống dịch thành công, vừa triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt để khôi phục nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả, Đảng ta vừa tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống. Đồng thời, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn luôn luôn nâng cao cảnh giác với mọi âm mưu kích động, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Ngày nay không còn là thời đại làm mưa làm gió của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa thực dân, nhưng những biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan và tư tưởng bá quyền vẫn tồn tại ở nơi này nơi khác; châm ngòi cho những cuộc tranh chấp, xung đột; tiến hành những cuộc chiến tranh truyền thống và phi truyền thống ở những mức độ khác nhau. Và một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, đang từng ngày phát triển… vẫn đang là mục tiêu chống phá của các âm mưu và thủ đoạn ấy. 

Truyền thống yêu chuộng hòa bình kết hợp với tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp đất nước ta vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách do bao vây cấm vận, từng bước xây dựng kinh tế - xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trở thành một nhân tố ổn định trong khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đó là thành quả vô giá mà toàn thể nhân dân Việt Nam quyết giữ gìn và phát huy. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn; hơn thế nữa là một đất nước yên ổn và đang từng bước đổi mới, phát triển như đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hiện nay?

Nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh và cái giá của hòa bình. Hiểu để tin yêu hơn và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, giáo dục và phát huy những giá trị lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đó là những giá trị được đánh đổi bằng biết bao xương máu của lớp lớp đồng chí, đồng bào để thực hiện khát vọng hòa bình!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top