Aa

GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu khi kinh tế toàn cầu suy giảm nặng nề?

Thứ Tư, 15/07/2020 - 14:41

Ở 1 trong 2 kịch bản mới được CIEM đưa ra, trong trường hợp kinh tế toàn cầu suy giảm nặng nề, nhóm nghiên cứu này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,1%.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 với những dự báo đầy thận trọng.

Cụ thể, ở kịch bản đầu tiên, trong trường hợp kinh tế toàn cầu suy giảm nặng nề, CIEM dự báo, tăng trưởng GDP là khoảng 2,1%. Các chỉ số cơ bản của nền kinh tế đều giảm so với năm 2019, trong đó, xuất khẩu cả năm có thể giảm 3,1%, thặng dư thương mại theo đó ước đạt 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát vẫn có khả năng vượt giới hạn mà Quốc hội đề ra, khoảng 4,3%.

Theo nhận định của CIEM, kịch bản này xây dựng dựa trên đánh giá cập nhật của các tổ chức quốc tế về khả năng suy thoái mạnh của kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, dự báo GDP của thế giới theo nhận định mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể giảm tới 4,9% trong năm 2020. Còn theo dự báo vừa đưa ra hồi giữa tháng 6/2020 của EIU, giá hàng nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm 1%, đặc biệt giá dầu thô thế giới giảm mạnh ở mức 37,5%.

Trong khi đó, đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước, các giả định để đưa ra mức tăng trưởng cho kịch bản 1 dựa trên nền tảng tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 1%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tín dụng tăng 8%, giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,5%, lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giảm 4,1% so với năm 2019.

Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) lần lượt giảm 10% và 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI bao gồm cả nước ngoài và phía Việt Nam không thay đổi so với năm 2020, giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 396.000 tỷ đồng.

Ở kịch bản thứ 2, mức tăng trưởng có triển vọng tươi sáng hơn với dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt cao hơn ở mức 2,6%, tăng trưởng xuất khẩu giảm thấp hơn kịch bản 1, dự kiến giảm 1,9%, thặng dư cán cân thương mại đạt cao hơn, khoảng 2,1 tỷ USD trong năm 2020.

Ðáng chú ý, lạm phát trong kịch bản 2 ở mức khá cao so với con số 4% đề ra của Quốc hội, có thể lên tới 4,5%. Do đó, ở kịch bản này, lạm phát là yếu tố cần được theo dõi để có các giải pháp kiểm soát phù hợp, tránh để ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành giá cả cũng như tăng trưởng kinh tế.

Với kịch bản này, theo tính toán của CIEM, tổng mức giải ngân vốn đầu tư công cả năm dự kiến đạt 466.000 tỷ đồng, cần tập trung vào các dự án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt tập trung đẩy nhanh giải ngân đối với các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn nhằm tạo động lực thúc tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu…

Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài tác động tới kịch bản này bao gồm: Tăng trưởng GDP của thế giới suy giảm ở mức thấp hơn, với mức giảm 2% trong năm 2020, giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 1%, giá dầu thô thế giới giảm 30%. Trong nước, tổng phương tiện thanh toán tăng 12%, tín dụng tăng 11%.

Ðánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng cộng hưởng của một số yếu tố. Đặc biệt, ông Dương lưu ý về dự báo khả năng bùng phát lần thứ 2 của dịch Covid-19 là rất lớn, kéo theo việc nền kinh tế sẽ còn diễn biến bất định và khó lường.

"Nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Yếu tố này sẽ có khả năng tác động mạnh tới thị trường vốn và đầu tư trong nước. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là trong quý III và nửa đầu quý IV tiếp tục tác động không nhỏ tới xuất khẩu và thương mại", ông Nguyễn Anh Dương phân tích.

Trong bối cảnh như vậy, CIEM khuyến nghị Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo dõi sát diễn biến tỷ giá và giá cả các mặt hàng quan trọng trên thị trường toàn cầu để điều hành tỷ giá nhằm hạn chế tác động áp lực tăng lạm phát. Đồng thời, xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, điều hành linh hoạt thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng, phát hành trái phiếu…

Ở góc độ lạc quan hơn, báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu HSBC về triển vọng kinh tế Việt Nam đánh giá: Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam "chưa bao giờ hết gây ngạc nhiên". Theo đó, mặc dù tăng trưởng quý I so với cùng kỳ yếu nhất trong lịch sử, nhưng trong quý II vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực đáng ngạc nhiên cho thị trường, bất chấp những dự đoán về sự thu hẹp trong hoạt động kinh tế.

Phân tích chi tiết, các chuyên gia chỉ ra dịch vụ là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng quý II. Sau khi tăng trung bình 7% trong những năm gần đây, lĩnh vực này đã giảm 1,8% so với cùng kỳ, do tác động của các biện pháp đối phó dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ đều có tác động như nhau. Mặc dù giảm so với mức tăng 9% năm 2019, lĩnh vực bán lẻ và bán buôn vẫn tăng trưởng 3%. Điều này có thể báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của nhu cầu trong nước. Ngoài ra, các ngành công nghiệp trong nước, như tài chính, giáo dục, thông tin truyền thông… đều thể hiện tích cực.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất có kết quả tốt hơn dự đoán với mức tăng trưởng 3,2% trong quý II. Ngoài ra, chỉ số PMI tháng 6 đã tăng mạnh lên 51,1 - lần đầu tiên vượt trên mốc 50 trong 5 tháng, báo hiệu sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất.

Chính vì vậy, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 lên 3% từ mức 1,6% dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống còn 8,5%.

Trong khi ấy, ngày 30/6 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống âm 1,6% trong năm 2020 trong bối cảnh những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngày càng tăng.

Điều chỉnh mới nhất trên của IMF cho thấy những thách thức lớn hơn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 4, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 0% trong năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top