Aa

Thấy gì từ những vụ việc doanh nghiệp bất động sản thắng kiện chính quyền?

Thứ Bảy, 11/07/2020 - 16:15

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thắng trong các vụ kiện hành chính là minh chứng cho thấy, cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị thực thi công vụ không phải lúc nào cũng đúng.

Lời tòa soạn:

Thời gian qua, không ít vụ kiện hành chính đã được Tòa án các cấp đưa ra xét xử. Nhiều vụ khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính được Tòa án phân xử mà phần thắng thuộc về doanh nghiệp. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như: Tập đoàn Đông Á thắng kiện Cục Thuế Thanh Hóa khi đơn vị này ban hành quyết định xử lý gây bất lợi cho doanh nghiệp, hay vụ việc Công ty Vipico thắng kiện UBND TP. Đà Nẵng về việc hủy kết quả đấu giá đất vàng... Đó là minh chứng cho thấy, cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị thực thi công vụ không phải lúc nào cũng đúng.

Một số luật sư cho rằng, các vụ kiện hành chính được xét xử công tâm, khách quan cho thấy sự độc lập của nền tư pháp, tính thượng tôn pháp luật trong xu thế mới và phù hợp với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Cực chẳng đã mới phải đi kiện

Trước đó, trong các ngày 8 và 24/9/2019, TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ Tập đoàn Bất động sản Đông Á (trụ sở tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) kiện quyết định hành chính của Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa.

Theo hồ sơ, năm 2010, Tập đoàn Bất động sản Đông Á thực hiện Dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc trên tổng diện tích 370.900m2 theo hình thức đổi công trình hạ tầng lấy đất. Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã hạch toán vào giá vốn bất động sản đầu tư, các chi phí đầu vào được công ty kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng. Khi bán bất động sản, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ chuyển quyền sử dụng đất và doanh thu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Quá trình kiểm tra, Cục Thuế Thanh Hóa lại tách thành hai hoạt động trong cùng một dự án có tính chất đặc thù để thu thuế phần bất động sản là không hợp lý, dẫn đến trùng lặp doanh thu chịu thuế VAT. Nhận thấy việc làm của cơ quan thuế là bất hợp lý, Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã làm đơn khiếu nại gửi Cục Thuế Thanh Hoá. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, giữa hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Cực chẳng đã, ngày 12/12/2017, Tập đoàn Bất động sản Đông Á gửi đơn khiếu nại tới Tổng cục Thuế.

Ngày 24/5/2018, Tổng cục Thuế đã có quyết định công nhận một phần nội dung trong đơn khiếu nại của Tập đoàn Đông Á là đúng. Đồng thời, yêu cầu Cục Thuế Thanh Hoá có trách nhiệm điều chỉnh Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Tập đoàn Bất động sản Đông Á.

Tuy nhiên, Cục Thuế Thanh Hóa không thực hiện theo quyết định của Tổng cục Thuế, do vậy, Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã khởi kiện vụ án tại TAND tỉnh Thanh Hoá về quyết định hành chính của Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa.

Căn cứ hồ sơ, tranh tụng tại phiên tòa, TAND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận yêu cầu của Tập đoàn Đông Á về việc hủy một phần Quyết định số 12 ngày 4/1/2019 của Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hoá. Cụ thể, huỷ việc phạt hành vi khai sai dẫn tới thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 619 triệu đồng; hủy truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 1,62 tỷ đồng, số tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng hơn 500 triệu đồng, số tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 314 triệu đồng... Không đồng ý với kết quả này, Cục Thuế Thanh Hóa đã có đơn kháng cáo.

Ngày 13/6, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa bên khởi kiện là Tập đoàn Bất động sản Đông Á và bên bị kiện là Cục Thuế Thanh Hóa. Tại phiên xử, TAND cấp cao Hà Nội đã bác đơn kháng cáo của Cục Thuế Thanh Hóa và tuyên y án sơ thẩm trong vụ này...

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bất động sản Đông Á chia sẻ: “Chẳng hay ho gì khi doanh nghiệp đưa cơ quan hành chính ra Tòa án để phân xử đúng, sai. Nhưng vì đường cùng nên chúng tôi mới phải làm như vậy. Trong suốt 218 ngày, doanh nghiệp gần như bị tê liệt vì quyết định hành chính của Cục Thuế Thanh Hóa. Khi vụ việc xảy ra, bạn bè, anh em doanh nghiệp nhìn vào, bàn tán khiến chúng tôi cảm thấy xấu hổ lắm!

Việc chúng tôi thắng kiện đã giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp, nhưng xét ở góc độ xã hội thì đây là một việc hết sức đáng buồn. Có lẽ, đã đến lúc cần phải xem lại một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ trong vụ việc này. Dường như có người cho rằng mình có cái quyền phán xử đúng, sai và không bao giờ muốn nhận sai về mình?".

Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa.

Cách đây không lâu, TAND cấp cao tại TP. Đà Nẵng cũng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Vipico và bị đơn là UBND TP. Đà Nẵng liên quan đến việc công ty này bị hủy kết quả đấu giá khu "đất vàng" A20 có diện tích 11.487m2 ở Đà Nẵng.

Theo đó, tháng 7/2017, Công ty Vipico trúng đấu giá khu đất 11.487m2 với giá 652 tỷ đồng. Ngày 12/10/2017, Cục Thuế thông báo thời hạn công ty phải nộp 50% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký thông báo. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% số tiền còn lại.

Công ty Vipico chỉ nộp 50% số tiền đúng thời hạn. Đến ngày 9/2/2018, Vipico mới nộp đủ số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất còn lại vào ngân sách, chậm 52 ngày so với thời hạn. 

Tháng 11/2018, UBND TP. Đà Nẵng ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá lô đất nói trên; thu hồi tiền đặt cọc nộp vào ngân sách Nhà nước và hoàn trả lại số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp của Vipico sau khi trừ tiền đặt cọc. Công ty Vipico cho rằng, doanh nghiệp chỉ phải nộp phạt cho số tiền chậm nộp chứ không thể bị hủy kết quả đấu giá nên đã kiện UBND TP. Đà Nẵng.

Sau khi có bản án sơ thẩm của TAND TP. Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng đã có kháng cáo. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên bác kháng cáo của bị đơn là UBND thành phố, hủy toàn bộ quyết định của UBND TP. Đà Nẵng về việc hủy công nhận kết quả đấu giá khu đất A20 của Công ty Vipico.

Thực tế, đây chỉ là một trong số không nhiều các vụ kiện hành chính mà doanh nghiệp là bên thắng kiện. Tuy nhiên, theo nhận định của một số luật sư, các vụ việc khởi kiện hành chính ở nước ta chưa trở nên phổ biến như thế giới, bởi ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ tâm lý e ngại của doanh nghiệp.

Hết thời "con kiến đi kiện củ khoai"?

Một số luật sư, nhà làm luật cho rằng, việc khởi kiện hành chính ra tòa án là cách hành xử thể hiện thái độ văn minh về ứng xử pháp lý, khi những bất đồng của doanh nghiệp và chính quyền không tìm được tiếng nói chung, đồng thời không được giải quyết bởi cơ quan hành chính.

Một Luật sư (đề nghị không nêu tên) cho hay: “Trên thế giới, những vụ kiện như vậy đã có hàng trăm năm nay và rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn tòa án là cơ quan tài phán để phân định pháp lý đúng, sai. Đây là cách ứng xử văn minh giữa các bên khi họ không tìm được tiếng nói chung.

Kết quả của vụ án là minh chứng về sự độc lập của nền tư pháp, của tính thượng tôn pháp luật trong xu thế mới và phù hợp với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của chúng ta. Qua những vụ việc này, một số cơ quan hành chính Nhà nước cũng cần thận trọng và có góc nhìn đa chiều hơn về các quyết định hành chính trước và sau khi ban hành thay vì tính bảo thủ và quan liêu, nhằm tránh xảy ra sai sót. Các doanh nghiệp khác cũng nên học hỏi theo cách làm này nếu thấy mình bị đối xử bất công, để đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật, thay vì dùng các biện pháp giải quyết khác”.

Vị Luật sư cũng nhận định, các vụ kiện hành chính ở Việt Nam chưa trở nên phổ biến như trên thế giới có nguyên nhân từ tâm lý e ngại, dè chừng của doanh nghiệp.

“Không nhiều doanh nghiệp dám đứng ra khởi kiện vì người ta sợ bị thua kiện ảnh hưởng đến uy tín, danh dự. Thậm chí có ông chủ doanh nghiệp băn khoăn rằng, nếu thắng kiện thì liệu có được yên ổn không vì họ luôn có tâm lý “cửa dưới”. Và cũng bởi, bị đơn của doanh nghiệp là cơ quan quản lý Nhà nước (cơ quan có vai trò, ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp).

Thực tế, trong thời gian vừa qua, không ít các quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước bị tuyên hủy vì ban hành trái luật gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy rằng, không phải cứ đi kiện là bị thua. Đúng, sai là do tòa án phán quyết căn cứ vào tính pháp lý của nguyên đơn, đặt trong tổng thể tính thượng tôn của pháp luật”, vị Luật sư cho hay.

Luật sư Trương Anh Tú.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, các vụ kiện hành chính là cơ hội cho cả hai bên điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Vị Luật sư diễn giải: “Trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, đi kèm với đó là việc hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật luôn nảy sinh sự bất đồng nhất định giữa doanh nghiệp đối với các hành vi hành chính, quyết định hành chính của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Khi các bên không thể trao đổi với nhau thì họ tìm đến cơ quan tòa án để phân xử đúng sai.

Trước đây, trong vấn đề tố tụng hành chính còn có sự bất cập, đó là hành vi hành chính liên quan tới cấp nào thì tòa án cấp đó xử. Cơ chế này rất khó để công lý được thực thi, đảm bảo tính khách quan. Nắm bắt được những bất cập này, cơ quan có thẩm quyền đã cho sửa đổi  quy định về xử lý các vụ án hành chính. Ví dụ, nếu cấp huyện ra quyết định hành chính sai thì tòa án cấp tỉnh xử lý. Việc này đã mở ra cơ hội cho các bên và cũng để vụ án được xét xử một cách khách quan".

Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng, trong các vụ kiện hành chính, dù bên nào thắng hay thua thì cũng là điều tốt vì chỉ khi đó, pháp luật mới đảm bảo được tính thượng tôn: “Cá nhân tôi không thích dùng từ thắng, thua ở đây mà chỉ muốn nói đến việc phân xử đúng sai ở những tình huống pháp lý cụ thể. Nếu chính quyền sai trong các tình huống pháp lý tại tòa thì đó có thể coi là điểm tích cực, vì hành vi hành chính, quyết định hành chính bị bác bỏ thì công lý được thực thi, thượng tôn pháp luật được đảm bảo. Đó cũng là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp hơn".

Làm rõ thêm về nguyên nhân các vụ kiện hành chính ở Việt Nam chưa trở nên phổ biến như trên thế giới, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: "Việc này xuất phát từ tâm lý e dè của cả hai bên, bởi nước ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện để đảm bảo cho công tác quản lý xã hội chặt chẽ hơn. 

Trong lúc này, các cá nhân, tổ chức cũng cần có thời gian để thích nghi dần với sự thay đổi đó. Ở các cấp Trung ương, họ đã thích ứng với vấn đề pháp lý này rồi, thế nhưng đâu đó ở các địa phương, đặc biệt là người có thẩm quyền ra quyết định hành chính dường như vẫn chưa quen với việc này. Cho nên, một khi doanh nghiệp khiếu nại, hoặc khởi kiện họ, thì bản thân cơ quản quản lý Nhà nước cảm thấy có điều gì đó không hài lòng. 

Nhưng tôi tin rằng, dần dần các vụ án hành chính sẽ được đưa ra xét xử nhiều hơn khi hệ thống pháp luật của chúng ta được hoàn thiện. Khi đó, bản thân những cán bộ được giao trách nhiệm thực thi công vụ cũng thấy rằng, cần phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc, thực hiện đúng cái tâm, trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Tóm lại, việc đúng, sai xảy ra trong một sự kiện pháp lý nào đó đều tốt cho các bên, cho sự phát triển của xã hội", Luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top