Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, trong đó: Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng phục hồi, thị trường tiền tệ, bước đầu giảm được điểm nghẽn về lưu thông dòng tiền trong sản xuất đời sống, tỷ giá cơ bản ổn định; xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại; thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm tiến độ.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; lúa gạo được mùa, được giá; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại; khu vực dịch vụ giữ mức tăng cao.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng phản ánh về những vấn đề đang tồn tại chưa được tháo gỡ dứt điểm. Trưởng Ban Dân Nguyện nêu rõ: “Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp rất lớn, tuy nhiên việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội gặp nhiều hạn chế, bởi nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn hẹp, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động”.
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân cũng quan tâm đến tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương trên cả nước; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, một số sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được; cử tri lo lắng về tình trạng mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk; các vụ lừa đảo về đất đai, trái phiếu, bất động sản, các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài; tình trạng thiếu nhà trẻ công lập thuộc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu gửi con đi làm của công nhân lao động; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nước ta đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và nguy hiểm hơn là ma tuý trá hình thuốc lá điện tử đang len lỏi vào trong các trường học, ảnh hưởng đến sức khỏe và nhận thức đối với thế hệ trẻ...
Còn nhiều khiếu nại liên quan tới đất đai, chung cư
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 5 và tháng 6/2023, tại một số địa phương tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn hết sức phức tạp. Nội dung chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, rác thải,… ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân; tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không đảm bảo… vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Ban Dân nguyện chỉ rõ một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai như:
Vụ việc khiếu nại liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy Cán thép Xuân Thiện và Dự án Nhà máy Gang thép số 1 Xuân Thiện ở khu vực Cồn Xanh, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định;
Vụ việc liên quan đến lấn chiếm đất đai tại Nông trường Cà phê Dlie Ya thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk;
Vụ việc khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện cổ phần hóa Công ty Cà phê Gia Lai ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Có 3 vụ việc liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường:
Vụ việc Công ty TNHH Vận tải Xương Giang tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang sản xuất gạch không nung, không có nhà kho chứa chất thải nguy hại phát sinh, không có hệ thống thu gom chất thải nước chảy tràn, tường bao chắn đã làm phát tán tro bụi ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến Trạm cấp nước sinh hoạt của thị trấn Tây Yên Tử;
Vụ việc 2 xưởng tái chế nhựa của ông Bùi Văn Phương và Bùi Văn Hậu ở thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương hoạt động không phép, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường;
Vụ việc Trang trại Chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội của Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức hoạt động từ năm 2019 đã có hành vi xả thải trực tiếp ra sông Đại Lan gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của hàng trăm hộ dân tại phường Đồng Xuân và phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Có nhiều vụ việc liên quan đến xây dựng, sử dụng chung cư:
Vụ việc liên quan đến Dự án Khu đô thị Nam cầu Tuyên Sơn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần ĐTXD và PTHH Nam Việt Á chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một số lô đất thuộc khu số 4 mở rộng của dự án;
Vụ việc liên quan đến Dự án King Sea Phan Thiết ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sau gần 20 năm đến nay vẫn chưa triển khai;
Vụ việc liên quan đến Dự án New Danang City do Công ty Phú Gia Thịnh, ở thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư sau 6 năm vẫn chưa triển khai;
Vụ việc liên quan đến Dự án Khu dân cư Đông Tây thuộc phường Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên;
Vụ việc liên quan đến Chung cư Aranya ở phường Phú Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế;
Vụ việc liên quan đến Tòa nhà Hợp tác xã Thành Công (Trinity Tower) tại 145 đường Hồ Mễ Trì, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội;
Ngoài ra, báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đề cập tới việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy còn chậm, một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dẫn đến hàng ngàn công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy phải dừng hoạt động và khá nhiều công trình đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Các vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như: Đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; khoảng cách PCCC của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở… hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.
Ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an và các đơn vị liên quan, tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, rà soát nội dung Quy chuẩn xây dựng để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân, từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi; đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình, biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.