Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 do Savills Việt Nam công bố, tổng nguồn cung mở bán mới tại Hà Nội đạt 2.319 căn, trong đó riêng đại đô thị Vinhomes Wonder City tại Đan Phượng dự án mới nhất của Vingroup đã chiếm tới 97% tổng nguồn cung. So với quý trước, lượng mở bán mới giảm 50% do quy mô dự án nhỏ hơn so với Vinhomes Global Gate.
Phần còn lại của nguồn cung chủ yếu đến từ bốn dự án hiện hữu tiếp tục mở bán từ quý IV/2024.
Tổng nguồn cung sơ cấp trên thị trường đạt 4.004 căn từ 17 dự án, giảm 20% theo quý nhưng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, loại hình liền kề chiếm ưu thế với 64%, tiếp theo là nhà phố thương mại (31%) và biệt thự (5%).
Về lượng giao dịch, toàn thị trường ghi nhận 1.629 căn được bán trong quý, giảm 49% theo quý nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Vinhomes Global Gate tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ hấp thụ hơn 80%, trong khi Vinhomes Wonder City đạt khoảng 30%.

Nguồn ảnh: Savills Việt Nam
Tỷ lệ hấp thụ chung trong quý giảm 26 điểm phần trăm, xuống còn 41%, nhưng vẫn cao hơn 13 điểm phần trăm so với năm trước.
Hai khu vực Đông Anh và Đan Phượng - nơi Vingroup triển khai các đại đô thị ghi nhận lực cầu mạnh mẽ, với Đông Anh dẫn đầu chiếm 52% tổng lượng giao dịch sơ cấp (tương đương 848 căn), theo sau là Đan Phượng với 43%. Chỉ 5% còn lại thuộc các khu vực như Thường Tín và Hà Đông.
Việc Vinhomes Wonder City gia nhập thị trường với mức giá thấp hơn so với Global Gate, cộng với lượng hàng tồn kho giá cao đang dần cạn kiệt, đã kéo mặt bằng giá sơ cấp giảm nhẹ theo quý. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá vẫn tăng mạnh.
Cụ thể, giá trung bình biệt thự đạt 282 triệu đồng/m2, giảm 14% theo quý nhưng gấp đôi so với năm ngoái; nhà liền kề đạt 239 triệu đồng/m2, giảm 14% theo quý nhưng tăng 24% theo năm; nhà phố thương mại đạt 278 triệu đồng/m2, giảm 12% theo quý và giữ mức ổn định so với cùng kỳ.
Trên thị trường thứ cấp, giá biệt thự tăng 10% theo quý, lên 195 triệu đồng/m2; nhà liền kề tăng 15%, đạt 227 triệu đồng/m2; còn nhà phố thương mại tăng 9%, lên 266 triệu đồng/m2.
Dữ liệu của Savills cũng cho thấy trong vòng 5 năm qua, giá nhà thấp tầng tại Hà Nội có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó biệt thự tăng trung bình 29%/năm, liền kề tăng 22%/năm, còn nhà phố thương mại có biên độ tăng khiêm tốn hơn, dao động trong khoảng 11-16%/năm.
Trong năm 2025, thị trường dự kiến đón thêm khoảng 2.210 căn từ chín dự án, nổi bật là các đại dự án do Tập đoàn Sunshine phát triển như Sunshine Grand Capital (Hoài Đức) và Sunshine Royal Capital (Tây Hồ).
Nguồn cung còn lại đến từ các dự án hiện hữu như GIA22 by Kita (Tây Hồ) hoặc Solasta Mansion (Hà Đông). Từ năm 2026 trở đi, nguồn cung mới dự kiến tiếp tục tăng mạnh, với khoảng 19.812 căn được tung ra thị trường.

Ảnh minh họa
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, các dự án nhà ở thấp tầng có quy mô lớn và chất lượng cao sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường, tạo lực đẩy cho nguồn cầu lan tỏa ra các khu vực ngoài trung tâm.
Ngoài ra, theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy trong năm 2024, giao dịch nhà ở thấp tầng tăng trưởng mạnh với tỷ lệ hấp thụ tại các dự án mới đạt tới 65%, tương đương khoảng 9.000 sản phẩm.
VARS dự báo mặt bằng giá của biệt thự và liền kề sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới do quỹ đất khan hiếm, trong khi chi phí đầu tư không ngừng gia tăng.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch VARS nhận định rằng mức giá cao hiện nay không chỉ đẩy giá các sản phẩm mới mà còn khiến những căn biệt thự, nhà phố đã bỏ hoang cũng bị đẩy giá theo, nhiều trường hợp vượt xa giá trị thực tế.
Chuyên gia này cảnh báo người mua cần tỉnh táo, không nên chạy theo các cơn “sốt giá” bởi đây là loại tài sản giá trị lớn, thanh khoản thấp và không dễ chuyển nhượng.