Aa

Gia chủ được gì khi ứng dụng yếu tố xanh trong thiết kế?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 18/02/2018 - 06:03

“Tôi và gia đình sẽ được gì khi ứng dụng các yếu tố xanh trong thiết kế?" có lẽ là câu hỏi kiến trúc sư thường gặp nhất khi làm công trình xanh.

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu của con người càng cao. Việc thiết kế nhà ở đi kèm với các yếu tố xanh chỉ có thể thực hiện thông qua việc đưa tiện nghi sống của chủ nhà lên hàng đầu, cũng nhờ đó mà giảm năng lượng sử dụng.

Thực chất năng lượng cấp cho nhà ở tại Việt Nam chiếm tới 90% sản lượng của lĩnh vực năng lượng công trình. Các công trình xanh sẽ góp phần giảm phát thải CO2 và giảm nhu cầu xây dựng nhà máy điện trên quy mô quốc gia, có như vậy mới giữ được cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Phần lớn chứng chỉ xanh xuất hiện tại các dự án có mức đầu tư lớn, đặc biệt với các chứng chỉ đã khẳng định đẳng cấp quốc tế như LEED, EDGE, HQE và trong nước như LOTUS. Như vậy, những công trình vừa và nhỏ đang ở đâu? Trường hợp không áp dụng toàn bộ hệ thống chứng chỉ xanh, kiến trúc sư và chủ nhà chỉ áp dụng một vài yếu tố xanh thì nên tập trung vào yếu tố nào?

Và câu hỏi mà có lẽ kiến trúc sư thường gặp nhất từ phía chủ nhà: “Tôi và gia đình sẽ được gì khi ứng dụng các yếu tố xanh trong thiết kế?"

Xoay quanh câu chuyện xanh cho các công trình vừa và nhỏ, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ThS. KTS Trần Thành Vũ - Chủ tịch Hội mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam). Ông Vũ cho rằng, để thuyết phục chủ đầu tư công trình cỡ vừa và nhỏ đồng lòng tham gia vào phương án thiết kế có yếu tố xanh (không nhất thiết phải có chứng chỉ), kiến trúc sư cần chỉ ra lợi ích “sát sườn” của chủ đầu tư cho từng trường hợp cụ thể.

Do vậy cách tiếp cận với công trình nhỏ và vừa sẽ khác công trình lớn để có thể đưa yếu tố xanh vào cuộc sống.

Mặt tiền xây dựng hiện đại của tòa nhà ngày nay thường chiếm tới 80% lượng thủy tinh, một vật liệu không tương thích với mục tiêu về tính bền vững và hiệu suất năng lượng toàn cầu

Mặt tiền hiện đại của tòa nhà xanh ngày nay thường chiếm tới 80% kính tiết kiệm năng lượng (Nguồn ảnh: eco-business)

Việc minh chứng bằng các số liệu có tính khoa học là cần thiết. Và khi các số liệu tính toán dự báo khớp với các số liệu đo đạc thực tế, thì tiềm năng cho việc tính toán các công trình còn đang thiết kế là rất lớn. Từ đây có thể mở ra một hướng đi mới trong thiết kế nhà ở hay công trình nhỏ. Đối với công trình trung bình, chi phí sử dụng năng lượng sẽ là mối quan tâm tiếp theo vì khi đó công trình vừa là nhà ở, vừa là nhà cho thuê. Tất cả những vấn đề này sẽ được dự báo bằng số liệu thay vì chỉ là ước đoán theo kinh nghiệm như trước đây.

ThS. KTS Trần Thành Vũ phân tích: “Với những công trình lớn, công trình công cộng dạng văn phòng, khách sạn, bệnh viện…, chi phí vận hành sẽ là số tiền lớn, nên khi tư vấn tính toán vấn đề này thường nhận được sự quan tâm đúng mức và doanh nghiệp bất động sản có sự cân nhắc đầu tư lớn hơn cho thực hành tiết kiệm năng lượng. Đối với hạng mục nhà ở vừa và nhỏ, việc công trình đạt chứng chỉ xanh hay không thường không phải là mối quan tâm của chủ nhà do giá điện ở Việt Nam thấp, đầu tư vào năng lượng tái tạo và thiết kế giảm sử dụng năng lượng thường có thời gian thu hồi vốn rất dài.”

Theo đó, ThS. KTS Trần Thành Vũ cho hay, vận động thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng để giảm khoảng 500 ngàn đồng hay ngay cả 2 triệu đồng mỗi tháng khó có thể đưa chủ đầu tư đến với các yếu tố xanh trong thiết kế. Tuy vậy, quay trở lại câu hỏi ban đầu, lợi ích “sát sườn” của chủ nhà khi thiết kế công trình có yếu tố xanh là gì? Đó là tiện nghi nhiệt.

Việc một công trình không có cách nhiệt và cách nhiệt tốt giảm nhiệt độ từ 35 độ C xuống đến dưới 30 độ C vào thời điểm nóng nhất trong năm sẽ làm cho giá trị của công trình tăng vọt, nhưng không dễ gì định giá được. Chỉ có những người thực sự đã trải nghiệm những công trình này mới có thể hiểu giá trị của nó.

Ngoài ra, ThS. KTS Trần Thành Vũ cũng cho rằng, không phải tự nhiên người Việt Nam vẫn rất yêu những ngôi nhà người Pháp thiết kế và xây tại Đông Dương. Nhưng mấy người được trải nghiệm cảm giác sống trong đó ra sao, cảm giác mát “âm” ở trong nhà khi ngoài trời nóng “đổ lửa” luôn luôn gây ấn tượng với những ai đã từng thử.

Nó hoàn toàn khác với cảm giác khi sử dụng điều hòa trong nhà nhiều cửa kính với tường mỏng. Cảm giác này chỉ có thể có được khi các bề mặt tường bên trong của công trình đủ mát, nhiệt bức xạ từ bề mặt da truyền thẳng tới bề mặt tường.

Tiếc là việc thiết kế những công trình kiểu Pháp tại Đông Dương mới chỉ dừng lại ở việc nhái lại hình thức, còn giá trị lớn nhất là tiện nghi nhiệt thì khó thực hiện hơn nhiều. Việc này xảy ra vì nhiều nguyên nhân, mà đầu tiên là do giá đất cao, khó có thể xây tường dày tới 600mm thậm chí 800mm như trước đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top