Giá cổ phiếu đã tạo đỉnh nhưng vẫn có quyền lạc quan
Công ty Chứng khoán IVS cho rằng, số lượng mã cổ phiếu tạo đỉnh trong vòng 5 - 8 năm chiếm tỷ trọng cực lớn, đặc biệt là những cổ phiếu Penny có tính đầu cơ mà hoạt động kinh doanh không có nhiều thay đổi. Mặc dù đây không phải là tiêu chí quan trọng để đánh giá nhưng nếu để kỳ vọng giá có thể tăng thêm nữa là không nhiều bởi xét theo hệ số P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) thì những cổ phiếu này không còn rẻ. Dòng tiền từ đầu năm chính là nguyên nhân đã đẩy giá của rất nhiều cổ phiếu tăng vượt bậc trong thời gian vừa qua.
Hầu hết giá các cổ phiếu cơ bản đều đã tăng mạnh trong quý II vừa qua đẩy hệ số P/E lên mức khá cao. Chỉ còn 1 số ít cổ phiếu còn có mức P/E tương đối thấp không chỉ so với trung bình ngành mà còn so với chính của cổ phiếu đó trong những năm trước đây. Điều này cho thấy khả năng tăng giá của những cổ phiếu này bị đặt câu hỏi? Không loại trừ sẽ có một nhịp điều chỉnh tương đối mạnh nhưng đánh giá rủi ro với những cổ phiếu này không nhiều do khả năng tạo lợi nhuận tốt.
Về nguyên tắc, chỉ những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thực sự ổn định và tích cực, được định giá hấp dẫn sẽ chống chọi tốt nhất và ít rủi ro hơn cả khi thị trường có sự điều chỉnh. Lựa chọn những cổ phiếu thuộc nhóm cơ bản có hệ số P/E thấp là ưu tiên của các nhà đầu tư. Ngược lại, những cổ phiếu nằm trong nhóm này nhưng đã tăng giá mạnh dù rủi ro không quá lớn do những kỳ vọng về hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp thì biên lợi nhuận khó cao được do giá đã phản ánh hết những thông tin tích cực.
Cùng quan điểm với IVS, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, P/E thị trường tiếp tục tăng lên mức 16,6 lần trong quý vừa qua là mức không còn rẻ nếu so với quá khứ. Tuy nhiên, BVSC có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng, nếu nhìn trong trung hạn, cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận của các khối các doanh nghiệp trên sàn nói chung và đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp lớn, P/E kỳ vọng tính đến cuối 2017 vẫn chỉ đang ở mức trên 15 lần.
Đây vẫn được coi là mức P/E hấp dẫn trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế được đánh giá tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc và tiềm năng nâng hạng của thị trường là hiện hữu. Bên cạnh đó, xu hướng các doanh nghiệp vốn hóa lớn liên tiếp lên sàn, cùng với việc có thêm doanh nghiệp mở room ngoại, hoạt động mua ròng của khối ngoại dự báo vẫn sẽ tiếp diễn trong giai đoạn nửa cuối năm, cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường.
Cổ phiếu BĐS của doanh nghiệp mạnh sẽ tiếp tục cuộc đua
Theo thống kê trên Vietstock, có tới 44 mã cổ phiếu BĐS trong tổng số 55 mã tăng giá kể từ đầu năm. Các cổ phiếu BĐS cũng liên tục lọt vào top tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm như QCG (tăng 630%), LDG (tăng 184%), KAC (tăng 585%), PDR (tăng 134%),...
Điểm chung của phần lớn cổ phiếu BĐS tăng giá là tin tức chuyển nhượng dự án hay ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản mở bán. Tuy nhiên những tháng gần đây, nhóm cổ phiếu này đang điều chỉnh mạnh cho thấy con sóng BĐS có thể sẽ chỉ là con sóng ngắn hạn.
Mặc dù đã giá điều chỉnh mạnh nhưng P/E của những cổ phiếu nhóm này vẫn duy trì khá cao điển hình như PDR - 23.84, KAC - 155.78, QCG - 105.09,… IVS cho rằng, sự phân hóa đang diễn ra bởi sức cạnh tranh ngày một lớn đối với nhóm cổ phiếu này. Trong đó, những công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh cùng quỹ đất nhiều sẽ có ưu thế trong cuộc đua tiếp theo. Do đó khi đầu tư vào những cổ phiếu này, NĐT không nên chỉ dựa vào một số thông tin bên lề hơn là những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.