Aa

“Soi” quy mô các doanh nghiệp ngành thép trên sàn

Thứ Bảy, 22/07/2017 - 06:00

Có ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều ngành khác nên ngành thép thường được giới kinh doanh BĐS, xây dựng quan tâm đặc biệt. Bởi việc quan sát biến động của chỉ số ngành thép cũng là một chỉ báo tốt cho thị trường.

Dựa vào loại hình doanh nghiệp, có thể chia ngành thép ra hai mảng là thương mại và sản xuất. Trong đó, khối doanh nghiệp thương mại có hoạt động kinh doanh đơn thuần là nhập khẩu hoặc mua sắt thép và sau đó phân phối đến khách hàng.

Ở mảng này, có thể kể đến một số doanh nghiệp tiêu biểu như CTCP Đầu tư Thương mại SMC, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) và CTCP Thương mại Xuất Nhập khẩu Thiên Nam (TNA). Bên cạnh các doanh nghiệp thương mại, các doanh nghiệp còn lại trong ngành thuộc mảng sản xuất và gia công thép.

Trong mảng gia công sản xuất, sản phẩm cuối cùng và công nghệ sản xuất sẽ hỗ trợ trong việc tiếp tục phân loại doanh nghiệp. Ví dụ như mảng thép dẹt - tôn mạ sẽ phải kể đến các doanh nghiệp như HSG, NKG và DTL. Trong mảng thép dài – thép xây dựng, các doanh nghiệp được phân loại dựa vào công nghệ sản xuất như lò BOF (các công ty như HPG và TIS), hay lò EAF (các doanh nghiệp VIS, POM và DNY).

Trong mảng thép dài, HPG đang được cho là dẫn đầu mảng cũng như toàn ngành thép về quy mô. HPG có giá trị vốn hóa khoảng 39.947 tỷ đồng. Đồng thời đứng đầu về quy mô chủ sở hữu và tổng tài sản, đạt lần lượt khoảng 19.854 tỷ đồng và 33.227 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016.

Đặc thù của các doanh nghiệp trong mảng thép dài là thuộc loại hình sản xuất nên cần nguồn vốn để đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng lò BOF để sản xuất. 

Đối với mảng tôn mạ, hiện tại HSG đang dẫn đầu về giá trị vốn hóa với 9.900 tỷ đồng. HSG cũng dẫn đầu về tổng tài sản với 13.957 tỷ đồng và quy mô vốn chủ sở hữu gần 4.600 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong ngành này cũng cần vốn đầu tư để sản xuất.

Riêng mảng thương mại thép do đặc thù về mô hình kinh doanh nên không cần vốn đầu tư lớn như các doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ như TNA có quy mô vốn hóa chỉ 561 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 376 tỷ đồng và tổng tài sản ước 1.363 tỷ đồng.

Đánh giá về chỉ số ngành thép, Công ty chứng khoán FPT cho rằng, nếu nhìn biểu đồ diễn biến giá thành thép so với chỉ số Vnindex có sự đồng biến. Tuy nhiên, vì sự thay đổi trong giá cả thép sẽ ảnh hưởng một cách lan tỏa đến những ngành khác. Do đó, chỉ số ngành thép không những biến động mạnh hơn mà còn thường tăng/giảm trước Vnindex từ 1-2 tháng nên việc quan sát biến động của chỉ số ngành thép cũng là một chỉ báo tốt cho thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top