Aa

Giá đất lại “nhảy múa" ở những "tâm chấn" sốt đất dịp cuối năm

Thứ Hai, 06/12/2021 - 06:00

Vừa kết thúc giãn cách, nhiều nhà đầu tư lại đổ xô đi xem đất, khiến đất thổ cư, đất đấu giá… ở khắp các huyện ngoại thành cũng như vùng lân cận Hà Nội liên tục tăng giá.

SỐT ĐẤT VÙNG VEN QUAY TRỞ LẠI VÀO NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

Tại hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tuy ảnh hưởng của dịch nhưng giá đất nền vẫn tăng mạnh tại nhiều địa phương. Vào cuối quý I đầu quý II, thị trường đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng còn cho biết thêm, hiện tượng các sàn giao dịch câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường vẫn xảy ra.

Nhằm đưa ra thông cụ thể hơn về tình trạng sốt đất thời gian qua cũng như diễn biến sốt đất quay trở lại vào thời điểm cuối năm, phóng viên Reatimes đã tiến hành ghi nhận thông tin từ một số sàn giao dịch, môi giới nhà đất và qua khảo sát thực tế. Theo đó, thị trường bất động sản nhen nhóm sốt đất trở lại với hình ảnh tấp nập, chen chúc nhau ở các khu đất đấu giá, những nơi xuất hiện quy hoạch dự án... Và một số nơi đất bị “đẩy giá” dù chưa có yếu tố liên quan đến phát triển hạ tầng, quy hoạch...

Nhiều nhà đầu tư xem đất nền phân lô và đất thổ cư tại vùng ven. (Ảnh: NVCC)

Tại Mê Linh (Hà Nội), theo chia sẻ của môi giới T.V.G, cách đây vài năm, trung bình với mức giá 5 - 6 triệu đồng/m2, nhà đầu tư chỉ cần mua hồ sơ, bảo đảm thủ tục, tham gia đấu thầu là có thể thành công. Đến nay, tất cả các lô đất đó đều đã có chủ nhưng có những lô đã thay chủ 2 - 3 lần với mức giá cũng cao gấp hai, gấp ba. 

Mặt khác, giá giao dịch trong thời điểm hiện tại với khu đất liền kề nhìn ra nghĩa trang, hoặc những khoảnh bị chê là có lỗi phong thủy có diện tích khoảng 100m2 cũng có giá 25 triệu đồng/m2. Còn những lô đất ở vị trí đẹp có giá 44 - 45 triệu đồng/m2, tăng khoảng 8 lần so với giá bán thời điểm lúc đầu.

Môi giới T.V.G chia sẻ: “Tháng 12 năm ngoái, một khách đã mua lô đất với giá 22 triệu đồng/m2, thời điểm hiện tại lên 45 - 46 triệu đồng/m2. Chắc chắn, đến giữa năm 2022 sẽ lên tối thiểu gấp rưỡi. Giá tuy cao, nhưng người đến hỏi mua khá nhiều, gần như ngày nào cũng có khách đến hỏi thăm, khoảng trên dưới chục khách. Một văn phòng bất động sản ở khu vực này, trung bình mỗi tuần có 5 - 6 giao dịch thành công”.

sốt đất cuối năm
Những lô đất ở vị trí đẹp có giá 44 - 45 triệu đồng/m2, tăng khoảng 8 lần so với giá bán thời điểm lúc đầu. Ảnh: PV

Cùng ở thị xã Quang Minh, một nhân viên của Long Việt cho biết, giá đất ban đầu của dự án Long Việt Riverside Mê Linh là 12 triệu đồng/m2; hiện tại giao dịch với giá 28 - 32 triệu đồng tùy theo lô. Tương tự, khu Vinaconex 2 tại khu vực này đã xây thô, gần như chưa có người ở nhưng cũng đã bán hết với mức giá cao tương đương.

Chia sẻ với phóng viên, anh H.V.A, người dân sinh sống tại xã Quang Minh cho biết, trước khi thành lập thị trấn Quang Minh (2008), thì đất xã Quang Minh chẳng mấy ai ngó tới. Mới hai năm trước, đất ở của nhà dân chỉ có giá tầm 10 triệu đồng/m2, đầu năm nay bỗng tăng vọt lên 20 đến 22 triệu đồng/m2. Đất đấu giá cũng ở mức 30 triệu đồng/m2.

Còn tại Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện Ứng Hòa, theo ghi nhận của phóng viên, không khí khá sôi động, người mua hồ sơ đấu thầu, người hỏi han tư vấn không ngớt. Theo chia sẻ của cán bộ trung tâm, đền cuối tháng 11 vừa qua, tổng diện tích đất đấu giá ở Ứng Hòa đã bán được là gần 16.000m2. Dự kiến năm 2022, huyện sẽ mở tiếp 7 phiên đấu giá tại Vân Đình và 13 xã khác. Báo cáo mới nhất ngày 22/11 của huyện Ứng Hòa cho biết khoản tiền thu được từ bán đất theo phương thức đấu thầu đã tăng 402,38% so với kế hoạch năm 2021.

sốt đất huyện Ứng Hoà
Nhiều lô đất tại Ứng Hoà mới xây thô, chưa có người ở nhưng cũng đã bán hết với mức giá cao. Ảnh: PV

Phóng viên cũng có cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Tất Thái, một nhà đầu tư bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm tham gia đấu giá đất tại Hà Nội. Theo lời kể của anh Thái, mới đây anh có tham gia phiên đấu giá 70 lô đất tại huyện Thanh Trì. Mặc dù nhiều lô đất vẫn chưa hoàn thành việc san lấp, đất đá ngổn ngang nhưng các lô này vẫn được trả giá cao, dao động từ 36 - 66 triệu đồng/m2.

“Trước đó, tại 3 xã Liên Ninh, Đại Áng, Tả Thanh Oai (Thanh Trì) tôi đã khảo sát qua, mức giá chỉ trong khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Không ngờ, đến khi đấu giá, nhiều người đã trả giá cao ngất ngưởng như vậy. Tôi nhận thấy rõ, trong các phiên đấu giá này không chỉ có người mua thực mà còn cả những “cò đất” nộp hồ sơ, sau khi mua được sẽ sang tay đẩy mức giá lên cao”, anh Thái nói. 

Không chỉ đất đấu giá, theo chia sẻ của anh Thái, đất nền ở các khu vực ven đô Hà Nội dịp cuối năm cũng có sự tăng “nóng”. Cụ thể như tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), nhiều mảnh đất ven sông Hồng thời gian trước có giá khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2 thì nay đã được rao bán ở mức 30 - 35 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Ở một số xã như Nam Hồng, Tiên Dương (huyện Đông Anh ), đất phân lô trong khu dân cư trước đây dao động trong khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2 thì đến nay đều ở mức 50 - 55 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Như vậy, việc tăng giá đất ở một số khu vực vùng ven Hà Nội là có thật, chen vào đó là những cơn sốt cao có tính chất ảo do cò đất thổi giá và sự vội vàng đón sóng của một số nhà đầu tư.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG LÂN CẬN THIẾT LẬP MẶT BẰNG GIÁ MỚI

Trải qua thời gian dài chống dịch, giá đất tại nhiều địa phương tưởng chừng đã nguội lạnh. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, các thị trường lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá đất lại rục rịch dậy sóng. Chính báo cáo từ Bộ Xây dựng cũng khẳng định, thời gian qua, giá đất các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Giang, Bắc Ninh 20%, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên là 26%...

Thực tế, ghi nhận của phóng viên tại “tâm chấn” sốt đất Bắc Giang, chỉ trong quý III, hàng loạt phiên đấu giá đất được tổ chức, nhà đầu tư kéo nhau về nộp hồ sơ đông như trẩy hội, giá trúng đều tăng gấp đôi giá khởi điểm. Đáng chú ý, giá đất gần khu công nghiệp tiếp tục tăng “phi mã”, có những mảnh đã tăng lên tới 30%, chỉ trong vài ngày.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Đức Phú, môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, trong 1 tuần trở lại đây, thị trường bất động Bắc Giang bắt đầu có sự chuyển biến. Khu vực khu công nghiệp Quang Châu đang có sự biến động mạnh nhất, giá thay đổi theo từng ngày, giá tăng từ 20 - 30%. Còn các khu vực khác biến động ở khoảng 5 - 7% so với trước giãn cách.

Nhà đầu tư tập trung đông tại phiên đấu giá đất của huyện Lạng Giang (Bắc Giang). (Ảnh: NVCC)

Đơn cử, một mảnh đất rộng 100m2, nằm ở mặt đường 16m, gần Quốc lộ 1A, cách đây 4 ngày đang có giá khoảng 2 tỷ đồng, tương đương, 20 triệu đồng/m2. Đến nay, giá đã tăng lên đến 2,8 tỷ đồng, tương đương 28 triệu đồng/m2, tức tăng 30%, chỉ sau vài ngày.

“Một mảnh đất, hôm qua rao bán 2,5 tỷ đồng nhưng hôm nay đã không còn giá đó. Giá đất trung bình những mảnh nằm ở đường lớn đang rao động từ 27 - 38 triệu đồng/m2, cá biệt một số lô có thể lên tới 42 triệu đồng/m2. Mặt bằng giá mới đã được thiết lập ngay sau nới lỏng giãn cách, nếu không mua nhanh có khi chỉ vài hôm nữa mức giá sẽ cao hơn. Bởi sau khi chấp nhận sống chung với dịch, lượng nhà đầu tư từ Hà Nội, các tỉnh lân cận Bắc Giang và các tỉnh phí Nam sẽ kéo về tìm mua đất rất đông”, anh Phú khẳng định.

Anh Phú cho biết thêm, hiện dịch bệnh vẫn phức tạp, khó có thể đổ tiền để đầu tư kinh doanh. Do đó, nhiều người có sẵn tiền vẫn đang đi săn đất để đầu tư. Đặc biệt, khi Bắc Giang là nơi tập trung số lượng lớn khu công nghiệp tại phía Bắc.

Theo thông tin từ chị Khánh Ly, một môi giới bất động sản tại Lục Nam, Bắc Giang, bên cạnh các yếu tố như kiểm soát dịch bệnh tốt, vị trí địa lý thuận lợi cùng tốc độ đô thị hóa nhanh, thì việc giá đất Bắc Giang bị đẩy lên cao như vậy dịp gần đây là do chiêu trò “đầu cơ” của giới đầu tư, nhằm sang nhượng với giá cao để kiếm lời.

Chị Ly cho biết thêm, hầu như những người tham gia đấu giá trên thực tế không có nhu cầu sử dụng đất. Khi trúng đấu giá, họ sẽ tìm khách khác để sang nhượng ngay và ăn phần chênh lệch.

“Sau khi trúng đấu giá, họ sẽ bán sang nhượng ngay tại khu đất với giá chênh từ 70 - 200 triệu đồng/lô. Họ thường thuê một số người vờ hỏi mua đất, tạo hiệu ứng thu hút để dễ bán hơn. Những ai không bán được sẽ bỏ cọc luôn. Việc này gây ảnh hưởng đến những người có nhu cầu mua thực tế vì giá quá cao, cao gấp đôi so với mức giá mà huyện đưa ra”, chị Khánh Ly chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường Bắc Giang, Hoà Bình, Quảng Ninh săn đất (Ảnh: NVCC).

Tương tự tại Bắc Ninh, khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, từ tháng 9 đến nay - khi Từ Sơn chính thức lên thành phố, giá đất tiếp tục tăng mạnh. Trong vài ngày gần đây đất nền ở khu vực đắc địa trên đường Nguyễn Văn Cừ, huyện Từ Sơn được rao bán với giá 37 - 38 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền kinh doanh trên đường Lý Tự Trọng, gần ngã 4 Lý Thánh Tông - Nguyên Phi Ỷ Lan, tăng từ mức 55 - 57 triệu đồng/m2 lên mức 60 - 64 triệu đồng/m2. khu phố Bính Hạ, Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh tăng lên 33 triệu đồng/m2, trong khi trước đó 2 tháng, giá đất mới chỉ ở mức 24 - 28 triệu đồng/m2.

Còn tại Hải Phòng, ông Tô Hùng, Tổng Giám đốc Cộng đồng Bất động sản Recbook, thành viên tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, thay vì “nhấp nhổm” như hồi sau Tết nguyên đán 2020 thì hiện giá bất động sản đã ổn định trở lại. Trong trung tâm thành phố mức giá giao động từ từ 40 - 60 triệu đồng/m2, các dự án ven đô có giá khoảng 15 triệu đồng/m2.

“Vào quý I/2021, Hải Phòng là địa phương có dấu hiệu của cơn sốt đất, mặt bằng giá tăng dựng đứng. Cụ thể, tại các vùng ven thành phố, hoạt động mua bán đất trong dân diễn ra sôi động. Giá dao động 8 - 15 triệu đồng/m2. So với cuối năm 2020, giá trung bình tăng 60 - 70%. Tuy nhiên, mức giá này giữ nguyên trong quý II, khi mà cơn sốt đất đi qua”, ông Hùng cho hay.

Từ những số liệu trên có thể thấy, do việc đi lại thông thoáng hơn nên thị trường bắt đầu bất động sản bắt đầu sôi động trở lại. Khi các tỉnh, thành vừa mở cửa, người muốn mua, kẻ muốn bán bất động sản đã tích cực hoạt động ngay sau thời gian dài dồn nén khiến giá bất động sản “nóng” trở lại.

Chia sẻ về câu chuyện sốt đất, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản nhận định: “Hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số nơi nhưng chỉ là một hiện tượng bề nổi của thị trường. Bởi sau thời gian thị trường đứng im, khi bắt đầu nới lỏng giãn cách, chúng ta chấp nhận sống chung với dịch sẽ nhiều có thông tin về bán đất, nhiều dự án mới đưa ra thị trường, người đi lại nhiều, phòng công chứng đông hơn. Thực ra do thị trường nghẽn lại trong đợt dịch và giờ chỉ là trở lại bình thường. Do đó đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, thậm chí sốt đất vẫn có gì đó mong manh chứ chưa phải là sự sôi động bền vững của thị trường”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top