Aa

Giá đất tăng khó lường ở các địa phương: Cẩn trọng với bẫy của cò đất

Chủ Nhật, 10/03/2019 - 06:00

Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, từ các huyện ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Hoài Đức đến Vân Đồn (Quảng Ninh), huyện Hoà Vang (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), giới “cò đất” liên tục tung tin giá đất tăng theo từng ngày.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc thông tin tăng giá đất lên tới mức từ 50% - 100% tại các địa phương kể trên đều là thông tin ảo của “cò đất” để kích cầu. Bởi vậy, với những nơi như bờ tre, đất ruộng giá lên cả tỷ đồng/lô thì người mua nên cẩn thận tránh dính bẫy “cò đất”.

Giá tăng đột biến

Thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận vào năm 2020, nhiều siêu dự án dự kiến xây dựng tại khu vực này như dự án Thành phố thông minh tại Hải Bối, Vĩnh Ngọc; dự án công viên Kim Quy tại Ngọc Chi, Vĩnh Ngọc; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung, dự án Trung tâm triển lãm quốc gia… cũng khiến giá đất Đông Anh liên tục rao bán giá tăng đột biến. Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 50 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn giá đất cũng có thể lên đến 30 triệu đồng/m2. Tại thị trấn Đông Anh, giá đất rao bán khoảng 100-120 triệu đồng/m2, hay khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn giao động ở khoảng 30-35 triệu đồng/m2. Không chỉ riêng Đông Anh, các trường hợp tương tự cũng diễn ra tại Hoài Đức, Gia Lâm khi có thông tin các địa phương này sắp lên quận hoặc có siêu dự án vào đầu tư.

Còn tại Đà Nẵng, gần 1 tháng nay, ở vùng quê thuộc các thôn Nam Sơn, Lệ Sơn của xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang trở nên tấp nập vì… cò đất. Nguyên nhân là từ sau tết đến nay, bất động sản ở Đà Nẵng tăng giá và giới “cò” đất dịch chuyển về huyện Hòa Vang tìm mua. Theo phản ánh của người dân sở tại, năm 2018, giá đất ở thôn Lệ Sơn chỉ dao động khoảng 150 triệu đồng - 300 triệu đồng/100m2. Tuy nhiên, từ sau tết đến nay, giới “cò” đất trả giá 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/100m2. Không chỉ ở xã Hòa Tiến, nhiều ngày qua, giá đất ở xã Hòa Châu cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước Tết Nguyên đán. Thấy giá đất tăng, nhiều hộ dân đã thuê xe chở đất san lấp ao, hồ trong vườn để bán.

Trong khi đó, 2 huyện Vân Đồn và Phú Quốc, sau một thời gian sốt đất khiến chính quyền địa phương phải dùng các biện pháp can thiêp như ban hành các văn bản hạn chế giao dịch đất đai trên địa bàn, từ sau Tết Nguyên đán trở lại đây đã rục rịch trở lại. Giá đất tại 2 huyện đảo này sẽ rơi vào thời điểm như đầu thời điểm sốt 2018.

Tránh bẫy “cò đất” bằng cách nào?

Trước thông tin về giá đất tăng đột biến tại các xã thuộc huyện Hoà Vang, ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng - xác nhận, từ sau tết đến nay trên địa bàn huyện có tình trạng “sốt” giá đất. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này nguyên nhân của tình trạng trên là do “cò” thổi giá đất để “lướt sóng” kiếm lời. Ông Hành khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi mua bán đất. Mọi người không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất sản xuất vì sau này sẽ không còn đất sản xuất, gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống… Để ngăn chặn, UBND huyện Hoà Vang vừa có văn bản khẩn gửi UBND 11 xã trên địa bàn huyện về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất. “Những ngày qua, Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện cũng liên tục thông báo để người dân nắm bắt rõ tình hình “sốt” đất ảo trên địa bàn huyện, tránh tình trạng bị “sập bẫy” nhóm cò đất gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của cá nhân, gia đình” - ông Hành thông tin.

Trong khi đó, về việc thông tin giá đất tăng mạnh từ 50% đến 100% tại huyện ngoại thành Hà Nội có thông tin lên quận, huyện Hoà Vang, Vân Đồn, Phú Quốc, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - nhìn nhận, tại các địa phương này ngoài Vân Đồn có hệ thống giao thông được đầu tư mạnh, kết nối tương đối hoàn thiện thì các nơi khác hầu như không có đầu tư hạ tầng gì đáng kể so với một năm trước đây.

“Nơi nào giao thông kết nối thuận tiện, có đầy đủ dịch vụ cơ bản, tiện ích như hệ thống trường học, bệnh viện, khu vui chơi… thì giá đất sẽ tăng. Vậy thì nhìn lại các huyện như: Đông Anh, Hoài Đức (Hà Nội), hay Hoà Vang (Đà Nẵng) và cả Phú Quốc thì không có gì thay đổi so với một vài năm trước đây. Bởi vậy, có thể khẳng định, việc sốt đất chỉ là chiêu trò của các nhà đầu tư và cò đất” - ông Đính nói.

Nhằm ngăn chặn sốt đất ảo, ông Đính cho rằng, nhiều địa phương như UBND huyện Hoà Vang đã kịp thời cảnh báo là chỉ dấu cho thấy chính quyền địa phương đã nắm bắt và kiểm soát tốt thị trường.

 

Phú Yên: Giả quyết định của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trên Facebook để “thổi” giá đất

Chiều 8/3, chính quyền UBND huyện Đông Hòa xác nhận thông tin huyện Đông Hòa được công nhận là đô thị loại III đang lan truyền trên mạng xã hội facebook chỉ là tin đồn, sai sự thật. Những ngày qua, trên mạng xã hội facebook lan truyền một quyết định giả mạo do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký về việc công nhận thị xã Đông Hòa là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Phú Yên. Quyết định được đánh số:133/QĐ-BXD ngày 4/3/2019. Địa danh ký ban hành văn bản là Hà Nội. Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan chức năng huyện Đông Hòa thì đó chỉ là văn bản photoshop từ Quyết định 134/QĐ-BXD ngày 4/3/2019 công nhận thị xã Sông Cầu là đô thị loại III. Địa phương cũng mới lập hồ sơ đề nghị công nhận đô thị loại IV. Vì vậy, UBND huyện Đông Hòa đề nghị cán bộ và bà con nhân dân tuyệt đối không nên tin vào văn bản lan truyền trên mạng facebook và không chia sẻ văn bản này trên các trang mạng.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top