Có giải thích kiểu gì cũng chẳng mấy ai xuôi tai khi điện dùng gấp rưỡi mà tiền lại trả gấp đôi, gấp ba!
Từ Hà Nội cho đến TP.HCM, cả thành phố nhỏ lẫn đô thị lớn, mấy ngày qua những tiếng kêu hốt hoảng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 không dứt. Tăng giá điện từ 20/3/2019, EVN có thêm 20.000 tỷ đồng. Nhưng hàng chục triệu gia đình thì không phải chỉ tăng bình quân 8,3% số tiền phải trả khi dùng điện vì cách tính lũy tiến bậc thang, dùng càng nhiều trả tiền càng lớn của EVN.
Trước khi giá điện tăng, một tờ báo dẫn lời cả Bộ Công Thương lẫn EVN trấn an khách hàng dùng điện sinh hoạt chỉ phải trả thêm 7.000 - 77.200 đồng/tháng. Tỉ lệ khách hàng sử dụng ở mức dưới 100kWh chiếm tới 35,6% nên họ cho rằng mức độ tác động tăng giá không nhiều. Nhưng đến nay thì thực tế đâu có màu hồng như “vỗ về”!
Sau khi có hóa đơn tiền điện tháng 4/2019, cùng tờ báo trên dẫn chứng trường hợp “chị Thủy ở Thanh Trì, phản ánh, tháng rồi chỉ số điện tiêu thụ nhà chị tăng gấp đôi các tháng trong năm. Với 267 kWh điện sử dụng, chị phải trả gần 580.000 đồng tiền điện, gần gấp đôi tháng trước”. Trên tay người viết cũng đã xem nhiều hóa đơn dùng trên dưới 400 kw nhưng số tiền phải trả thêm chẳng ai dưới 150.000 đồng, con số gấp đôi tính toán của EVN!
Tôi đọc thông báo của một hộ gia đình dùng 349 kWh trả 795.000 đồng trong tháng 3 nhưng đến tháng 4 họ dùng 514kWh và phải trả 1.367.000 đồng. Như vậy, từ giá bình quân từ 2.277 đồng/kWh tăng lên 2.659 đ/kWh, tăng gần 20% chứ đâu có phải 8,36% như người ta vẫn tưởng!? Đây có lẽ là lý giải xác đáng nhất cho việc giá tăng đột biến chứ không chỉ nắng nóng, dùng nhiều hay giá tăng như giải thích của các điện lực địa phương. Bộ Công Thương và EVN sẽ giải thích ra sao về những con số “biết nói” trên mới là điều mà dư luận trông chờ chứ không phải chỉ những trả lời “muôn năm cũ”.
Khi giải trình tăng giá, EVN cho rằng đã hết cách và phải tăng để bù lỗ. Tuy nhiên nhìn vào cách tính giá thành, chi tiêu và biện minh tăng giá của họ thì dường như “trăm dâu đổ đầu khách hàng”. Từ hao hụt quá cao, chi phí quản lý quá lớn, lãng phí quá nhiều, đầu tư ngoài ngành quá mức... cũng đều được tính vào giá bán cho người tiêu dùng mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giảm thiểu.
EVN vẫn than rằng dù có tăng vẫn lỗ nhưng vì sao lỗ thì họ không muốn nói hết ngọn ngành. Họ có chi tiêu lãng phí, đầu tư không hiệu quả hay để thất thoát điện năng vẫn còn là những điều "bí ẩn" với số đông. Suy cho cùng, dù EVN có lời hay lỗ, giá cao hay thấp thì tiền cũng từ người dân, doanh nghiệp mà ra. Bởi lẽ đó nên đòi hỏi phải minh bạch cấu thành giá điện và trả lời hợp lý tiền điện tăng vọt là yêu cầu chính đáng của hàng chục triệu khách hàng - dân chúng.
Lỗ chắc chắn chúng ta sẽ phải gánh vì EVN là doanh nghiệp Nhà nước dùng tiền thuế của dân nhưng nếu lãi họ có chia sẻ với dân chúng hoặc giảm giá điện hay không thì chưa bao giờ nghe nói! Điều mà chúng ta biết chắc chắn nhất và buộc phải chấp nhận là kêu cứ kêu, than cứ than nhưng vẫn phải móc túi trả thêm hàng đống tiền điện nếu không muốn “điên” lên vì nóng và cả cái cách độc quyền trong những ngày thiêu đốt này!