Tỉnh Gia Lai đang chờ Quốc hội đồng ý cho phép chuyển đổi 8.500ha đất rừng sang đất nông nghiệp để thiết kế vùng tưới, phát huy hiệu quả cho đại công trình ngàn tỷ này.
Công trình 3.000 tỷ đồng lại không có vùng tưới nước
Hiện nay, hồ thủy lợi Ia Mơr, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng đã hoàn thiện xong các hạng mục. Tuy nhiên, hồ thủy lợi lại chưa có hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước tỏa về các vùng đất, mà theo dự kiến sẽ là đất nông nghiệp, dùng để trồng lúa, ngô, khoai, sắn… Nhiều héc ta đất nông nghiệp hiện hữu của xã Ia Mơr cũng chưa có nước tưới.
Ông Rơ Lan Chim, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho hay, công trình thủy lợi thi công hơn 10 năm nay rồi nhưng chưa hoàn thiện hệ thống kênh tưới theo đường xương cá, để lan tỏa nước đi khắp nơi. Người dân vẫn chịu cảnh khô khát và nắng hạn, đất đai thiếu nước tưới nên chưa thể làm 2 vụ lúa. Nhiều hộ dân khó khăn vẫn đang được Nhà nước chu cấp, hỗ trợ vật chất.
Bà Ksor H’BLâm, người làng Krông, xã Ia Mơr, cho biết: “Người dân địa phương rất mong chờ nguồn nước đổ về từ hồ thủy lợi Ia Mơr. Bà con đã chờ đợi hơn 10 năm nay rồi, ruộng đồng khô cằn ngay bên biển hồ đầy nước chỉ cách chừng vài chục mét”.
Được biết, gần 100% người dân vùng biên giới xã Ia Mơr và các xã lân cận là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, có thể khi xây dựng con đập, chủ đầu tư dự kiến phần đất mở rộng 8.500ha sẽ được chuyển đổi là đất nông nghiệp từ đất rừng sang. Tuy nhiên, do gặp vướng mắc từ việc chuyển đổi công năng sử dụng đất nên dự án di dân tới vùng tưới đã không thể thực hiện. Hệ thống kênh mương máng không thể xây dựng đi qua đất rừng, khi mà Nhà nước chưa cho phép chuyển đổi.
Ý tưởng ban đầu là khi vùng tưới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành di dời khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn đến các điểm dân cư cố định, dọc theo vùng tưới với 5 đến 7 điểm dân cư. Vừa di dân vừa cấp đất đai để người dân được sản xuất, vừa được hưởng lợi từ nguồn nước hồ thủy lợi Ia Mơr. Như vậy, vừa giải quyết được chỗ ở mới tập trung và giải quyết vấn đề thiếu đất đai và cấp nguồn nước tưới cho sản xuất. Có đất, có nước thì cuộc sống người đồng bào thiểu sổ ở vùng biên giới sẽ đổi thay.
Với 8.500ha đất được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, tỉnh Gia Lai dự kiến sẽ thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, để biến vùng đất này thành vùng trù phù và phát triển. “Ý tưởng phát triển kinh tế là tốt đẹp, tuy nhiên khi con đập hoàn thiện vào năm 2020 thì Luật Lâm nghiệp đã ra đời nên rất khó chuyển đổi vì vướng các thủ tục pháp lý”, ông Phạm Vũ Tú nói.
Chờ chuyển đổi hàng nghìn héc ta đất rừng
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hồ thủy lợi Ia Mơr là công trình trọng điểm cấp Quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Nếu không chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì dự án ngàn tỷ có nguy cơ lãng phí tiền của, không biết tưới nước vào đâu và không thiết thực như ý tưởng ban đầu được.
Bên cạnh đó, 8.500ha đất rừng ở huyện Chư Prông là diện tích rất lớn, muốn chuyển đổi từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp ở quy mô này thì cần phải trình Quốc hội xin ý kiến, phê duyệt chủ trương.
Trong 8.500ha quy hoạch vùng tưới, nằm trong diện tích rừng chủ yếu là rừng khộp và rừng nghèo kiệt, có xen lẫn một phần rất nhỏ diện tích trồng lúa của người dân. “Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình toàn bộ hồ sơ, thủ tục lên Thủ tướng Chính phủ để báo cáo lên Quốc hội, xin ý kiến về việc có đồng ý chủ trương chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp hay không”, ông Lưu Trung Nghĩa chia sẻ.
Nếu được sẽ sớm làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và sẽ tiến hành trồng lại rừng thay thế với diện tích tương ứng. Tỉnh Gia Lai mong muốn dự án sớm đi vào hoạt động, giúp phát huy hiệu quả, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho hơn 50.000 người dân vùng biên giới và để khai thác tối đa vùng tưới như dự kiến ban đầu.
Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2005, phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư trên dưới 3.000 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành, hồ thủy lợi này sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất nông nghiệp của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Theo thiết kế, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr có diện tích mặt nước hơn 2.800ha. Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng và hiện nay đã hoàn thiện hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng và đã hoàn thiện cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr.