Aa

Giá nhà đất tại huyện sắp cất cánh lên quận ở Hà Nội tăng mạnh là kịch bản có thể dự đoán trước

Chủ Nhật, 22/12/2024 - 17:54

Bất động sản khu vực này hiện đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhờ hạ tầng phát triển cùng kinh tế có nhiều "điểm sáng".

Tháng 8/2024, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện gồm: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức và Đan Phượng thành quận.

Theo lộ trình TP. Hà Nội đặt ra, hai huyện gồm Đông Anh và Gia Lâm sẽ lên quận vào năm 2025 và các huyện gồm Thanh Trì, Hoài Đức sẽ phấn đấu lên quận vào cuối năm 2025.

Đáng chú ý, trong số 5 huyện sắp "cất cánh" lên quận, Gia Lâm được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi địa phương đã có nhiều bứt phá trong lộ trình lên quận dù được đề xuất muộn hơn.

Giá nhà đất tại huyện sắp cất cánh lên quận ở Hà Nội tăng mạnh là kịch bản có thể dự đoán trước- Ảnh 1.

Diện tích, dân số và số phường của quận Gia Lâm theo đề án thành lập quận. Đồ họa: Phương Nghi/ báo VnExpress

Cụ thể, trong đề án đầu tư xây dựng 4 huyện gồm Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng thành quận, UBND Hà Nội đã phê duyệt vào năm 2019 đã chỉ rõ huyện Hoài Đức sẽ thành quận vào năm 2020, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ thành quận vào năm 2025.

Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, trong khi huyện Hoài Đức chỉ mới đạt 29/31 tiêu chí để lên quận, Thanh Trì dạt 33/34 tiêu chuẩn lên quận, Đan Phượng còn thiếu gần 10 tiêu chí thì Gia Lâm đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận.

Giá nhà đất tại huyện sắp cất cánh lên quận ở Hà Nội tăng mạnh là kịch bản có thể dự đoán trước- Ảnh 2.

Nhiều dự án cầu được xây dựng nhằm mục tiêu rút ngắn khoảng cách từ nội đô đến Gia Lâm và từ Gia Lâm đến các vùng lên cận. Ảnh minh họa

Điều này đã cho thấy sự bứt phá vượt bậc của Gia Lâm trong vài năm trở lại đây, được xem là tiền đề giúp nơi đây nhanh chóng trở thành quận mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tác động lớn đến thị trường BĐS khi hạ tầng nơi đây đang được đầu tư đồng bộ, bài bản.

Tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lâm đang là một trong những khu vực có hệ thống giao thông đồng bộ và đa dạng bậc nhất Thủ đô với nhiều trục giao thông kết nối xuyên suốt khu vực phía Đông với các tỉnh thành lân cận.

Dù "đi sau" nhưng với tầm nhìn đầu tư hạ tầng đồng bộ đang được xem là bệ phóng giúp Gia Lâm "đi nhanh về trước".

Ngoài việc hạ tầng đồng bộ và hoàn thiện như đường Lý Thánh Tông, cao tốc Hà Nội Hải Phòng, nút giao Cổ Linh..., hiện nay tại đây nhiều tuyến đường sẽ được đầu tư trong tương lai như Vành đai 3,5 hay đường gom Quốc lộ 3...

Theo tìm hiểu, hiện có gần 200 dự án hạ tầng giao thông nghìn tỷ đã và đang được triển khai, trong đó dự kiến sẽ có 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống.

Việc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) và số 8 (Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá) kết hợp với tuyến đường trọng điểm sẽ giúp khơi thông cửa ngõ giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận.

Ngoài hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại Gia Lâm hiện cũng được đẩy nhanh tốc độ khi địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng Bệnh viện đa khoa huyện Gia Lâm và 6 dự án nhóm C trên địa bàn.

Ngoài ra, một số dự án trung tâm thương mại, khu vui chơi với quy mô "khủng" cũng đang được triển khai xây dựng tại đây.

Đơn cử như dự án xây dựng công viên trung tâm lớn nhất Gia Lâm (31ha) trong đó có 28ha mặt nước cũng đang được khởi công xây dựng.

Nhờ vị trí chiến lược cùng hạ tầng giao thông đột phá và kinh tế phát triển đồng bộ, huyện Gia Lâm đang được đánh giá là khu vực lý tưởng để phát triển các đô thị xanh, thông minh và hiện đại. Đặc biệt, khi mọi điều kiện đã sẵn sàng để Gia Lâm chính thức lên quận, dòng vốn đầu tư đổ vào khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Theo ông Lê Xuân Nga - Phó Chủ tịch HĐQT BHS Group, huyện Gia Lâm hiện đang thu hút nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thị trường nhà đất. Vị chuyên gia này nhận định, việc giá nhà đất tại Gia Lâm tăng mạnh sau khi lên quận là một kịch bản có thể dự đoán trước.

Khảo sát thực tế cho thấy, trong bối cảnh giá bất động sản nội đô Hà Nội tăng nóng, giới đầu tư và người mua nhà đang có xu hướng mở rộng sự quan tâm đến các khu vực chuẩn bị lên quận và có vị trí gần nội thành.

So với các huyện Đan Phượng, Thanh Trì và Hoài Đức - nơi vẫn cần 5-7 năm nữa để hoàn thiện tiêu chí và hạ tầng kết nối - Gia Lâm được đánh giá nổi bật hơn nhờ hệ thống hạ tầng đã hoàn thiện. Đồng thời, so với Đông Anh, giá bất động sản tại Gia Lâm hiện ở mức hấp dẫn hơn, tạo lợi thế cạnh tranh lớn.

Theo thống kê từ batdongsan.com.vn, giá rao bán nhà đất tại Đông Anh thường cao hơn Gia Lâm khoảng 20-30%. Các dự án thấp tầng quy mô lớn tại Đông Anh có giá cao gấp 1,5 lần so với các khu đô thị tại Gia Lâm.

Trong khi giá đất tại Đông Anh đã chạm mức rất cao sau nhiều đợt tăng giá, với biệt thự và liền kề gần đây đạt trên 500 triệu đồng/m2, chung cư lên tới 120 triệu đồng/m2, giá nhà thấp tầng tại Gia Lâm hiện nay dao động quanh mức 200 triệu đồng/m2.

Giá nhà đất tại huyện sắp cất cánh lên quận ở Hà Nội tăng mạnh là kịch bản có thể dự đoán trước- Ảnh 3.

Huyện Gia Lâm được xem là khu vực nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong tương lai. Ảnh: Báo VnExpress

Theo giới đầu tư, Gia Lâm và Đông Anh là hai tâm điểm của thị trường bất động sản phía Đông Bắc Thủ đô. Tuy nhiên, so với Đông Anh, bất động sản Gia Lâm vẫn ở ngưỡng giá hợp lý hơn, trong khi cả hai huyện đều dự kiến lên quận cùng thời điểm. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Gia Lâm trong tương lai gần.

Theo đại diện một sàn môi giới bất động sản tại Gia Lâm, để đón đầu làn sóng "quận mới," giới đầu tư hiện đang tập trung vào các bất động sản có vị trí trung tâm, pháp lý rõ ràng và quy hoạch bài bản. Tuy nhiên, các dự án sở hữu vị trí chiến lược, đáp ứng tiêu chí pháp lý đầy đủ và nằm trong khu vực đón đầu quy hoạch đô thị đang trở thành hàng hiếm.

Những vị trí đẹp tại Gia Lâm, như khu vực gần các tuyến đường lớn, ven sông, gần công viên lớn hay các dự án đô thị xanh, hiện là những "điểm nóng" được giới đầu tư ráo riết săn lùng.

Ngoài tiềm năng đầu tư, Gia Lâm còn là điểm đến lý tưởng cho người dân muốn rời xa sự chật chội của nội thành nhờ vị trí chiến lược và hệ thống giao thông phát triển. Các khu đô thị bền vững, hướng tới chất lượng sống cao với môi trường sống xanh, mật độ xây dựng hợp lý, thiết kế sản phẩm tinh tế và đảm bảo chất lượng thi công, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của cư dân thủ đô.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản tại Gia Lâm, cùng với giá đất khu vực, sẽ tiếp tục sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Đặc biệt, nguồn cung các dự án đô thị chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top