Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á đang ở mức 624 USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/4. Mức giá này tăng 44 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3/2022.
Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước suy yếu nên giá thép phế liệu dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Hiện giá chào cho mặt hàng thép phế liệu loại HMS 1 & 2 50:50 của Hồng Kông (Trung Quốc) đang ở mức giá 550 USD/tấn cfr ở thị trường miền Nam, giảm 10 USD với tuần trước.
Đáng chú ý, một lượng lớn phế liệu HMS 1/2 80:20 của Mỹ được chào bán tại Việt Nam ở mức khoảng 545 USD/tấn cfr, mức giá này giảm đáng kể so với giá 600 USD/tấn cfr vào tuần trước.
Tương tự, mặt hàng phế liệu H2 của Nhật Bản đang được chào bán tại thị trường trong nước ở mức 585 USD/tấn cfr. Được biết, do nguồn cung ngày càng eo hẹp, các nhà xuất khẩu thép phế liệu của Nhật ngày càng gặp khó khăn trong việc thu gom đủ phế liệu cho các tàu lớn hơn đến Việt Nam.
Loại phế liệu 80:20 và phế liệu dạng tấm & cấu trúc được đóng container từ Mỹ hiện có giá lần lượt là 490 USD/tấn cfr và 510 USD/tấn cfr.
Được biết, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào nên trong quý I/2022, các loại sắt thép đã có sự tăng giá. Hiện nay, giá thép thế giới đã giảm do giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau khi tăng liên tiếp 7 lần với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, giá thép trong nước vẫn chưa một lần giảm dù biến động đầu vào giảm đáng kể. Theo đó, giá thép vẫn neo mức đỉnh khoảng 18,6 - 20,6 triệu đồng/tấn (phá mức đỉnh 18 triệu đồng năm 2021), tăng gần gấp đôi so với thời điểm ổn định (ngưỡng 10 - 13 triệu đồng/tấn).
Việc giá thép tăng cao đã làm ảnh hưởng đến các nhà thầu, khiến nhiều dự án xây dựng bị chậm tiến độ, tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản./.