Trước những bất cập trong quy hoạch và quản lý quy hoạch khiến kiến trúc Hà Nội “bị băm nát”, có lẽ việc cần thay đổi đầu tiên là tư duy, kỹ năng và phương pháp quản lý của những người làm và thực thi quy hoạch của thành phố cũng như chuyên gia tư vấn xây dựng. Cũng theo các chuyên gia, mô hình đô thị vệ tinh và đô thị ngầm hiện đại nếu làm tốt thì đó sẽ trở thành "bản lề" cho sự thay đổi của Hà Nội trong tương lai.
Sau 5 năm mới xong đề án đô thị vệ tinh
Trao đổi với Reatimes, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội cho biết, trong bối cảnh vươn lên hình thành một mô hình đô thị mới thì giải pháp để tạo ra bền vững đô thị trong quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt năm 2011 nêu rõ, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô.
Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, họ xây dựng đô thị vệ tinh phụ thuộc vào đô thị trung tâm. Trong khi đó tại Việt Nam, các đô thị vệ tinh lại là các đô thị có chức năng độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ… Hơn nữa, phát triển đô thị sinh thái bao gồm những khu không gian xanh, hình thành nên các vành đai xanh, hành lang xanh, tương lai sẽ giúp cho Thủ đô hình thành nên thành phố xanh, hướng tới đô thị thông minh.
Theo ông Nghiêm phân tích, quá trình đô thị hóa tạo ra những thành tựu về kinh tế nhưng để lại những hệ quả. Và giải quyết hệ quả như thế nào thì hiện nay chúng ta mới chỉ đang tính đến những bức xúc trước mắt về ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường nhưng chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi của nó là tạo cấu trúc mô hình hợp lý. Mà đó chính là mô hình đô thị vệ tinh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội, cần phải hiểu rằng, giải pháp cấu trúc mô hình này là động lực, là yếu tố căn cơ nhất để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển đô thị và thị trường BĐS. Cụ thể, đô thị vệ tinh có 3 vai trò quan trọng:
Thứ nhất, đô thị vệ tinh giải quyết được vấn đề giảm dân số, áp lực nội đô, nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân ách tắc, ô nhiễm của Hà Nội.
Thứ hai, đô thị vệ tinh giúp giảm bớt áp lực, điều chỉnh lại chức năng của nội đô. Hiện nay, thống kê của Thủ đô có đến hơn 50 trường đại học, gần 120 cơ sở công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường, và áp lực từ các trụ sở bộ, ngành, trụ sở y tế vẫn đang án ngữ và tiếp tục được xây dựng tại khu vực nội đô là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng, hạn chế sự phát triển của đô thị.
Thứ ba, trong bối cảnh tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp thì hình thành các đô thị vệ tinh sẽ có 26.000ha đất giúp cho những người khởi nghiệp có địa bàn hoạt động. Ngoài ra, còn tạo tiền đề cho thị trường BĐS phát triển, bởi không chỉ có nhà ở mà còn có thương mại, dịch vụ văn phòng phát triển.
Ông Nghiêm nhấn mạnh: “Để giải quyết những tồn tại bức xúc mang tính cục bộ hiện nay trong nội đô thì đô thị vệ tinh là mô hình cơ bản, là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết tận gốc những gốc rễ tồn tại hiện nay”.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cho hay, thực chất hơn 5 năm nay, chúng ta chỉ mới xong cơ bản lập đề án quy hoạch các đô thị vệ tinh. Riêng Hòa Lạc là đô thị đã hình thành cách đây 30 năm, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch nhưng đến nay vẫn không có kế hoạch điều chỉnh chi tiết.
“Tháng 11/1959, khi xem xét đồ án quy hoạch, Bác Hồ đã căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của Nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi". Đây chính là thể hiện một xã hội dân chủ, cộng đồng không chỉ thụ hưởng kết quả của xây dựng đô thị mà cộng đồng phải tham gia vào đề xuất ý kiến xây dựng đô thị. Phải huy động sức mạnh của cộng đồng bởi tất cả các đô thị xây mới đều là của dân do dân và vì dân. TS. Đào Ngọc Nghiêm
Bởi vậy, tiêu chí để phát triển đô thị bền vững trong tương lai thì cần sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch và phải xây dựng đồng bộ quy hoạch. Bởi quy hoạch là khoa học dự báo nên phải nâng cao công tác đi trước để tránh điều chỉnh liên tục.
Để đổi mới chất lượng quy hoạch, phải xác lập hệ thống quy hoạch hợp lý tránh chồng chéo và mỗi địa phương phải có một quy hoạch tổng thể tích hợp.
Bên cạnh đó, sử dụng đội ngũ tư vấn quy hoạch có nghề nghiệp, có trình độ, có kiến thức thực tiễn.
Vai trò của cộng đồng cũng đã đạt được một số thành công nhất định tại vài dự án, như: vườn hoa tam giác trước Nhà hát Lớn, bến xe Kim Mã, 8B Lê Trực... Đây là những dự án không phù hợp quy hoạch, vấp phải sự phản đối, bức xúc của cộng đồng và phải chuyển đổi thành các dự án khác hợp lý hơn.
Bỏ quên khai thác đô thị ngầm
Theo phân tích của KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch là một sản phẩm kiến thức của các nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà quản lý đô thị. Việc lập quy hoạch nhằm phát triển yêu cầu kinh tế, giao thông, xã hội... của một thành phố, tỉnh, vùng.
Trong quy hoạch, chúng ta cũng có thể thấy sự khác biệt giữa các đô thị với nhau. Trong đó, tại các đô thị giành cho người giàu như: Vinhome, Times City... thì có đầy đủ trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... Nhưng đó lại là trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế với số tiền để được sử dụng dịch vụ, tiện ích tính bằng con số hàng ngàn đô. Chi phí đó không phù hợp với người thu nhập bình thường, thấp.
Hiện nay, trung tâm TP. Hà Nội là một cục nam châm khổng lồ có sức hấp dẫn hút người dân. Chúng ta phải có đầu mối giao thông công cộng tốt, nếu không càng mở, đường càng tắc.
Đơn cử như khi mở tuyến đường Lê Văn Lương, lúc mới đầu chỉ có khoảng 2.000 căn hộ nhưng ngày nay khu vực này đã lên đến 14.000 căn hộ. Chúng ta không quản lý bộ mặt đô thị mà đưa hết dự án bám mặt đường, chính điều đó đã tạo ra một áp lực giao thông cực kỳ lớn. Càng đường vành đai càng tắc trong khi khu vực trung tâm nội đô không tắc.
Ông Tùng tiếc nuối: “Ngành Quy hoạch xây dựng Việt Nam đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và đến nay, đã trải qua hơn 50 năm với nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia. Nhưng, chúng ta vẫn bị một “cái lối” rất nông nghiệp là “ăn xổi, ở thì”. Chúng ta chỉ biết khai thác trên mặt đất, mà bỏ quên nguồn tài nguyên dưới mặt đất”.
Những năm 1872, người Anh đã làm tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới. Và họ đã mở đầu cho việc con người phải sử dụng không gian dưới đất và tạo ra tàu điện ngầm, cống thoát nước ngầm... Những nước như Nhật Bản, Nga... đều có những thành phố dưới lòng đất rất hiện đại.
Ngược lại, đến nay chúng ta lại chưa hề có quy hoạch ngầm, trách nhiệm này thuộc về Bộ Xây dựng. Không có quy hoạch đô thị ngầm, chúng ta làm sao có tàu điện ngầm, đặt được những ống cống ngầm lớn hiện đại?
Ông Tùng cũng cho hay, theo kế hoạch chung, Hà Nội cần có 320km đường sắt đô thị, tuy nhiên, 10 năm qua chúng ta mới làm được 11km tuyến Cát Linh - Hà Đông. Nhưng tới nay, chưa biết có khánh thành không? Với 11km là 10 năm thì liệu 320km là bao nhiêu năm?
Ông Tùng chia sẻ: “Năm 1947, tại Việt Bắc, Bác Hồ có nhắc bộ phận làm nhà sàn cho Bác phải chọn địa điểm đủ các yếu tố như:
“Trên có núi/Dưới có sông/Có đất ta trồng/Có bãi ta vui/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng, ráo, kín, mát...".
Với tư cách một chuyên gia kiến trúc đô thị, tôi cứ ngỡ ngàng khi qua 4 câu thơ trên có thể thấy, Bác là người thầy, cha đẻ của quy hoạch đô thị Việt Nam. Nghĩa là làm nhà, làm gì thì làm, phải thuận tiện cho giao thông, có không gian công cộng, ở phải bền vững “thoáng, mát”. Bác còn dạy, chúng ta phải sống có cộng đồng, có quần cư và gần dân”. Đó mãi mãi là bài học đắt giá cho các nhà quản lý, quy hoạch xây dựng và kiến trúc sư.
"Mô hình quy hoạch nào cũng đi đôi với chính sách phát triển" Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Phạm Hùng Cường - Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay: “Đô thi vệ tinh cho đến giờ không phát huy được vai trò giảm bớt dân cư, giảm áp lực hạ tầng cho thành phố. Tôi không nghĩ giai đoạn này phát triển đô thị vệ tinh là hợp lý, lẽ ra Hà Nội nên phát triển đô thị đa cực trung tâm hơn là phát triển đô thị vệ tinh thì mới đỡ được các nhược điểm hiện nay. Thực tế là mọi thứ đa số đều dồn hết về đô thị trung tâm, các doanh nghiệp không thích xây dựng đô thị vệ tinh vì quá xa, họ sẽ tìm cách khai thác tối đa quỹ đất trung tâm có thể hoặc vùng ven như vành đại 3, vành đai 4. Bởi thế, chúng ta nên phát triển đô thị đa cực, phát triển các đô thị gần trung tâm như Tây Hồ Tây kéo bớt bộ máy các cơ sở cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp... Bên cạnh đó, cương quyết di dời các cơ quan thuộc Chính phủ, trường học ra các khu này là hợp lý". Nước ngoài họ thành công với đô thị vệ tình vì họ có chiến lược khuyến khích, giảm giá đất, giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp còn ở Việt Nam thì như nhau cả. Dẫn đến câu chuyên không có doanh nghiệp nào muốn phát triển một vùng cách lõi trung tâm 30-40 km và dân cư thì thưa thớt, như thế không thể phát triển đô thị vệ tinh được. Ông Cường nhấn mạnh: “Nếu như Hà Nội với chính sách khuyến khích không có thì thà đầu tư tích cực vào vùng biên để có hiệu quả hơn như Long Biên, Văn Giang, Mễ Trì, hơn là lên Hòa Lạc. Mô hình quy hoạch nào cũng đi đôi với chính sách phát triển. Nhưng hiện nay, chính sách rất lờ mờ, theo kiểu đến đâu thì kiến nghị thành phố gỡ tới đó. Chúng ta hoàn toàn thiếu các chính sách tương đồng, thế nên bất cứ mô hình nào vẽ ra cũng đều chưa có cơ sở”. Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng: "Giải pháp đô thị ngầm là giải pháp rất đắt đỏ, ngầm hóa thì đồng nghĩa với việc tiếp tục chồng chất vào nội đô. Thực ra, đô thị ngầm chính là chế biến hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, thu nhập của quốc gia cũng phải cân đối với xây dựng nhưng GDP của chúng ta chưa được bao nhiêu. Phương án đó có thể phù hợp với các nước tiên tiến nhưng lấy ví dụ như Tokyo, hệ thống giao thông ngầm rất hiện đại nhưng nhìn xem họ có hết tắc đường không? Người dân vẫn phải dùng vài tiếng đồng hồ di chuyển để đi làm. Nghĩa là gì, thành phố thì nhỏ, xây di dít các công trình, dù cho hiện đại nhưng con người lại sống rất vất vả. Tôi không muốn Hà Nội sẽ lại đi theo con đường đó. Trong khi đó, có rất nhiều đô thị sinh thái như của Úc, Canada, thành phố của họ chỉ có 2 -3 triệu dân rất là thoải mái, nhẹ nhàng khi giải quyết các vấn đề quy hoạch, xây dựng hay giao thông mà không hề căng thẳng. Phương án là xây vừa thôi, đỡ mất công xây dựng mà không tốn chi phí. Đó là cả một chiến lược cần phát triển và có thể vẫn còn nhiều tranh cãi". |