Thời gian gần đây, những ồn ào xung quanh câu chuyện cổ phần hóa VFS đang thu hút sự chú ý của dư luận. Bên cạnh những tranh cãi gay gắt, giới văn nghệ sỹ lại nhớ thương về thời xưa, thời còn thiếu thốn, khó khăn nhưng họ có không gian sáng tạo tự do và được tôn trọng. Reatimes xin trích lược những tâm sự về ngôi nhà số 4 Thụy Khuê của TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Từ những ngày đầu tiên gian khó, với hai bàn tay trắng, hơn 400 bộ phim đã được làm, bằng máu, bằng nước mắt, bằng sự hy sinh, là những giá trị về văn hóa, lịch sử đất nước. Đó là kết quả lao động nghệ thuật xuất phát từ niềm tin, đã được gìn giữ bởi những thế hệ đi trước, và truyền lại cho chúng tôi.
Tôi luôn nhớ câu chuyện mà cha tôi, Đạo diễn Điện ảnh, NSND Hải Ninh đã kể lại. Từ những ý tưởng mỏng manh ban đầu, ông và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã tìm hiểu và xây dựng kịch bản trong khoảng 2 năm. Trong thời gian đó, hai ông đã đạp xe đạp từ Hà Nội vào Quảng Bình, Quảng Trị, tới tận Vĩ tuyến 17, giới tuyến chia cắt hai miền ruột thịt của đất nước để thu thập tài liệu thực tế, tìm hiểu đời sống của những con người kiên cường nơi tuyến đầu. Hai ông đạp xe ròng rã, vừa đi vừa tránh bom đạn, vừa bàn bạc xây dựng kịch bản, đã nhiều lần hút chết dưới làn mưa bom.
Nữ diễn viên chính của phim, NSND Trà Giang cũng đã tới mảnh đất này, cùng ăn ở, cùng lao động với cô Diệu, là nguyên mẫu của nhân vật Dịu trong phim. Từ những chuyến đi gian khổ đó, năm 1972, bộ phim Vĩ tuyến 17, Ngày và Đêm ra đời.
Những năm tháng đó, đời sống ở miền Bắc vô cùng gian nan vất vả. Tôi không nghĩ Lãnh đạo Xưởng phim truyện Hà Nội (tên gọi lúc bấy giờ) cho rằng hai ông vắng mặt tại cơ quan, không làm việc. Sáng tác kịch bản chỉ cần trang giấy và ngòi bút, cứ lên cơ quan mà sáng tác cho đủ ngày công.
Theo tôi hiểu, kỷ luật lao động thời chiến là vô cùng nghiêm ngặt, lương thực thực phẩm phải phân phối theo chế độ tem phiếu, nhưng hai ông đã được tạo những điều kiện tốt nhất có thể để đi tìm hiểu thực tế, dù ý tưởng bộ phim mới chỉ nằm trong đầu các tác giả.
Câu chuyện Giá trị thương hiệu là 0 đồng thể hiện sự từ chối những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đã đồng hành cùng công cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những giá trị nghệ thuật đó bằng những phần thưởng cao quý, đi vào tình cảm yêu quý của nhiều thế hệ khán giả.
Niềm tin bị tổn thương, mất mát chính bởi sự khước từ trao nhận những giá trị về văn hóa. Dẫu cho có thể định giá lại thương hiệu, nhưng tôi không nghĩ những sự hy sinh, lòng tự hào, niềm tin, các giá trị lịch sử… lại có thể có một mức giá cụ thể, và nếu có, nó xứng đáng là bao nhiêu tiền? Ai sẽ định giá những giá trị văn hóa lịch sử đó?
Số 4 Thụy Khuê xứng đáng hơn rất nhiều những gì nó đang có, đó là một địa chỉ văn hóa, lịch sử. Nơi đây đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… đến thăm các đoàn làm phim, động viên đội ngũ những người làm điện ảnh. Giám đốc đầu tiên nơi đây là NSND Phạm Văn Khoa, là một trong những người dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình để Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử.
Bỗng chốc cả một hệ thống giá trị lao động nghệ thuật đem hắt đi để đổi lấy 32,5 tỉ đồng. Cái mất ở đây không hẳn là mảnh đất vàng, không chỉ là thất thoát hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước mà ai cũng dễ dàng nhận thấy. Cái mất ở đây là niềm tin đã bị đem ra bán tháo, các giá trị lịch sử bị đặt lên bàn cân đồng nát.
Nền kinh tế của chúng ta là Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không đánh đổi lợi ích đơn thuần bằng mọi giá. Huống chi trong câu chuyện này, cả một hệ thống giá trị lịch sử của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam không có một xu giá trị. Niềm tin không còn giá trị, tất cả vỡ vụn chỉ với một cái giá quá rẻ mạt như vậy.
Bản thân tôi đã từng nhiều lần đưa sinh viên tới số 4 Thụy Khuê, giới thiệu những tấm áo mà nghệ sỹ Phi Nga đã mặc trong phim Chung một dòng sông, bộ phim đầu tiên của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Thời chiến tranh, vải hoa là quá hiếm hoi, vẫn còn vẹn nguyên những tấm áo mà NSND Trà Giang đã mặc trong phim Chị Tư Hậu được các họa sỹ dùng sơn dầu vẽ hoa từ tấm vải trắng trơn.
Toàn bộ trang phục của bộ đội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; các chiến lợi phẩm gồm rất nhiều đạo cụ và trang phục đã được Ban Lãnh đạo Hãng phim các thời kỳ xin về để phục vụ cho những bộ phim lịch sử. Đã không ít lần, nhiều Bảo tàng nước ngoài đã tới xin trao đổi những hiện vật gốc quý giá đang nằm trong kho của Hãng.
Chắc ít người biết rằng, phục trang của bộ phim Vợ chồng A Phủ (1961) được các họa sỹ của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp thực hiện theo bản vẽ của Họa sỹ, NSƯT Vi Ngọc Linh một cách tỉ mỉ, chân thực. Trên màn ảnh đen trắng, các khán giả tưởng như đó là những bộ trang phục dân tộc thật, khó có thể phân biệt.
Hầu hết những bộ trang phục, rất nhiều đạo cụ quý giá này đã được nâng niu, giữ gìn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua trong kho phục trang, đạo cụ tại số 4 Thụy Khuê. Khi hướng dẫn cho sinh viên, tôi cũng thường so sánh để các bạn trẻ thấy các thế hệ điện ảnh cha anh đã làm nên những bộ phim kinh điển trong muôn vàn những khó khăn như thế nào.
Vậy những nhà làm phim tương lai thấy được bài học gì khi những đạo cụ, mà thực chất là những hiện vật gốc của từng thời kỳ lịch sử được chính những người nghệ sỹ làm phim mua lại từ gánh đồng nát. Điều này là quá đau xót!
Nếu những kịch bản gốc còn nguyên bút tích của những người làm phim, các bản vẽ thiết kế mỹ thuật, những đạo cụ, trang phục của một thời chưa xa ấy cản trở sự phát triển mới của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, tôi nghĩ nên bàn giao lại cho các Bảo tàng, cho nhà trường làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu và giảng dạy, cũng là một cách lưu giữ quá khứ một cách trân trọng và hiệu quả.
Là những giảng viên, nghệ sỹ, chúng tôi không khỏi đau xót bởi số 4 Thụy Khuê là địa chỉ mơ ước của rất nhiều sinh viên mới ra trường. Bởi ở đó đã từng có một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đắm say. Bởi được trở thành một nhà biên kịch, đạo diễn, một quay phim… của Hãng phim đầu ngành là niềm tự hào, là sự xác nhận đầy tự hào về trình độ chuyên môn, là sự nối tiếp các thế hệ cha anh đi trước. Nhưng giờ đây, các sinh viên sẽ không còn giấc mơ như vậy nữa, giấc mơ tuổi học trò cũng sẽ phải thay đổi hoặc không còn…